Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Nghĩa Phú

07:05, 16/05/2014

Là một vùng quê thuần nông, ngành nghề kém phát triển, nhưng với quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương, nhiều hộ nông dân xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) đã nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, đồng chí Đỗ Văn Hà, Chủ tịch HND xã Nghĩa Phú cho biết: hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do HND phát động, nhiều hộ nông dân trong xã đã vươn lên làm giàu chính đáng với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Một trong những hộ tiêu biểu là mô hình nuôi lợn nái ngoại, lợn giống của gia đình anh Trần Tiến Dũng, chi hội 4. Chia sẻ về quá trình lập nghiệp đầy gian truân của mình, anh Dũng cho biết: sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, giai đoạn 2003-2006, anh đi lao động tại Ma-lai-xi-a. Trong 2 năm đầu, Cty xây dựng nơi anh làm việc còn có việc làm đều, thu nhập tạm ổn định. Nhưng đến năm cuối, công việc của Cty không “xuôi chèo, mát mái”, nên anh phải về nước trước thời hạn. Trở về quê, vốn liếng chẳng được bao nhiêu, anh loay hoay tìm kế phát triển kinh tế; hết làm phụ hồ lại theo bạn lên Hà Nội, ra Hải Phòng làm thêm nhưng thu nhập chẳng đủ bù chi phí nên anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Năm 2007, được HND xã hỗ trợ vay vốn Ngân hàng NN và PTNT với số tiền 50 triệu đồng, cộng với chút vốn liếng dành dụm được từ đợt đi lao động xuất khẩu và vay mượn thêm anh em, họ hàng, anh Dũng đầu tư xây dựng 3 chuồng nuôi lợn siêu nạc trên diện tích rộng hơn 200m2, quy mô 200 con. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, lợn lứa sau gối lứa trước, bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán 3-4 lứa lợn. Làm ăn có lãi, trả hết nợ vay, anh lại tiếp tục đầu tư tái đàn. Nhận thấy việc chủ động con giống sẽ cho hiệu quả cao hơn, năm 2011, anh tiếp tục đầu tư thêm vốn nuôi 15 con lợn nái ngoại, 3 con lợn đực giống Đu-rốc (Đài Loan). Sau hơn 1 năm đầu tư, anh đã thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Năm 2013, anh đã xuất bán được 300 con lợn giống với giá 1,1 triệu đồng/con; 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa 70 con và hàng trăm liều tinh lợn giống. Sau khi trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng. Cuối năm 2013, anh Dũng còn đầu tư hơn 50 triệu đồng mua thêm 1 con lợn đực giống Pietrain (Thái Lan). Từ đầu năm 2014 đến nay, gia trại của anh Dũng đã xuất bán hơn 100 con lợn giống và hàng chục liều tinh lợn giống. Anh Trần Văn Bản, xóm 16, xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) là một khách hàng thường xuyên của gia trại cho biết, anh lựa chọn mua lợn giống ở gia trại của anh Dũng vì chất lượng con giống luôn đảm bảo khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Trần Tiến Dũng, chi hội nông dân 4, xã Nghĩa Phú bình quân mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Trần Tiến Dũng, chi hội nông dân 4, xã Nghĩa Phú bình quân mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.

Một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có “tiếng” của xã Nghĩa Phú là gia đình anh Nguyễn Quang Thiết ở xóm 9. Năm 2007, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ do xã phát động, anh Thiết đã chuyển đổi hơn 2 sào ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Thông qua HND xã, sau khi tìm hiểu anh nhận thấy giống đại táo 15 là giống táo lê, quả to, thơm, ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng, giá trị kinh tế lại cao, anh quyết định đầu tư trồng 2 sào đại táo với 33 gốc. Để có giống táo ngon, chất lượng, anh đến Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Hải Dương) để mua giống và tìm hiểu quy trình chăm bón. Sau hơn 1 năm đầu tư, cây táo đã bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm 1 gốc táo thu được 30-40kg quả, với giá bán từ 25-30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 1 triệu đồng/gốc táo. Để tận dụng đất đai, tùy theo thời vụ, anh trồng xen canh thêm dưa chuột, bí xanh. Bình quân mỗi vụ bí xanh cho thu trên 2 tấn, sau khi trừ chi phí, mỗi sào cho thu lãi 7-9 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn vay vốn đầu tư mua 1 máy cày cỡ trung và 2 máy gặt đập liên hợp, giúp bà con thu hoạch lại có thêm thu nhập cho gia đình.

Từ nhiều năm nay, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Nghĩa Phú đã lan tỏa sâu rộng trong các chi hội nông dân, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác. Bám sát định hướng quy hoạch của xã, các hộ nông dân mở rộng diện tích sản xuất vụ đông. Nhiều năm liền, diện tích cây vụ đông của xã Nghĩa Phú duy trì trên 100ha. Ngoài một số cây trồng truyền thống như: bí xanh, cà chua, một số hộ đã đẩy nhanh thời vụ để trồng xen canh thêm từ 1-2 vụ rau màu ngắn ngày cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha/vụ, tiêu biểu như hộ các ông: Trần Văn Lạc, Trần Văn Tạc (xóm 12); Trần Văn Kết (xóm 13); Nguyễn Văn Tố (xóm 11)… Phong trào cải tạo vườn tạp để trồng rau màu theo mùa vụ, phát triển kinh tế sinh vật cảnh được nhân rộng ở các xóm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng thanh long của ông Hoàng Văn Hiển, xóm 9; mô hình nuôi cá trắm kết hợp trồng bí xanh, cây cảnh, rau màu ngắn ngày của anh Trần Văn Thọ, xóm 12… Ngoài 4 sào vườn với hàng trăm gốc cây cảnh các loại như: sanh, si, đa, lộc vừng… có trị giá hàng tỷ đồng, năm 2011 ông Trần Văn Thọ đã đầu tư gần 70 triệu đồng chuyển đổi 4 sào ruộng thành ao thả cá, trong đó có gần 3 sào chuyên thả cá trắm cỏ. Xung quanh khu vực chuyển đổi, ông làm giàn trồng 200 gốc bí xanh, 200 gốc quất chuyền và xen canh các loại rau màu ngắn ngày. Sau hai năm thực hiện, đến nay mô hình chuyển đổi của ông Thọ đã đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm thu hoạch 1 vụ cá với sản lượng từ 6,5-7 tạ; 3 vụ bí xanh cho thu hoạch gần 10 tấn… tổng doanh thu đạt 120-130 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hội viên nông dân trong xã còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên như hộ các ông: Trần Văn Toản, Trần Văn Tứ ở xóm 5; Vũ Văn Tuệ, xóm 2; Trần Văn Phú, xóm 6; Vũ Văn Tịnh, xóm 7… Nhiều điển hình vươn lên từ mô hình “ruộng - vườn - ao - chuồng” cho thu nhập cao. Điển hình như hộ các ông: Vũ Đình Sỹ, xóm 13; Nguyễn Xuân Hoán, xóm 12.

Theo đánh giá của HND xã, nhờ tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, hiện toàn xã có gần 760 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có 10 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 38 hộ cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM trên quê hương Nghĩa Phú./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



Giá Singleton mới nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com