Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên phong phú với bờ biển dài 72km và vùng đồng bằng trù phú được bồi đắp phù sa bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình nên có hệ sinh thái động, thực vật vô cùng phong phú với những sản vật nổi tiếng như: gạo tám xoan, cải dầu, mía voi, cam đường Hải Hậu, tám ấp bẹ Xuân Đài (Xuân Trường), nếp Quần Liêu, cải bẹ vàng (Nghĩa Hưng), gạo dự hương Nam Mỹ, khoai lang lim chợ Chùa, rau diếp vàng Nam Giang (Nam Trực), các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, các loại cây dược liệu thuộc khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy… Đây là những động, thực vật bản địa quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do tác động của nhiều yếu tố, việc du nhập nhiều nguồn giống cây, con ngoại dẫn đến sự biến đổi di truyền từ quá trình tiếp xúc tự nhiên khiến nguồn gen bản địa bị pha tạp gây nguy cơ thoái hoá giống, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chọn lọc giống ngao tại Cty TNHH Cửu Dung (Giao Thuỷ). |
Để bảo tồn và phát triển những nguồn gen động, thực vật bản địa quý hiếm, Sở KH và CN đã chủ động phối hợp với Viện Di truyền học, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ NN và PTNT); các ngành chức năng như NN và PTNT, Y tế, TN và MT tổ chức điều tra, xây dựng phương án phục tráng, bảo tồn và phát triển các cây, con giống bản địa của tỉnh. Theo đó, hàng chục loài cây, con giống bản địa được bảo tồn như gạo tám xoan Hải Hậu, tám ấp bẹ Xuân Đài (Xuân Trường), gạo nếp Quần Liêu (Nghĩa Hưng), gạo dự hương Nam Mỹ, cải dầu Hải Hậu, ngao bản địa và các loại cây dược liệu như ngưu tất, huyền sâm, sâm đất, cỏ gấu… Hiện tại, một số nguồn gen gạo tám xoan, cải dầu Hải Hậu, gạo dự hương Nam Mỹ được Sở KH và CN phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Bộ NN và PTNT), Trung tâm Giống cây trồng Nam Định, Trạm Khuyến nông huyện và cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương tổ chức phục tráng thành công gen gốc, đồng thời theo dõi, tổng hợp các biểu hiện đặc trưng để phân biệt với các giống cùng loài khác. Trong đó, dự án “Phục tráng giống lúa dự hương ở xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định” do Trung tâm Giống cây trồng Nam Định phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện đã tiến hành các bước khử khuẩn, khử lẫn và chọn lọc những dòng phân ly tốt của giống lúa dự hương để phục tráng, nhân rộng phục vụ sản xuất. Xây dựng quy trình tuyển chọn, nhân giống, quy trình kỹ thuật thâm canh để đảm bảo duy trì nguồn gen bản địa, tránh lai tạp và hạn chế thấp nhất những điểm yếu của giống gốc, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, gạo dự hương ở Nam Mỹ giữ được các đặc tính vốn có là hạt gạo trong, thon dài, cơm dẻo, hương thơm lâu; năng suất 100-120 kg/sào, cao hơn trước 20-30 kg/sào. Quy trình canh tác và nguồn giống sau phục tráng được phổ biến rộng rãi cho nhân dân áp dụng. Hiện nay, giống lúa dự hương đang là cây trồng chủ lực của nhân dân Nam Mỹ trong cả vụ xuân và vụ mùa với diện tích canh tác trung bình gần 100ha mỗi vụ. Đối với nhóm cây dược liệu, Sở NN và PTNT xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển cây thuốc ở tỉnh Nam Định” nhằm quản lý, khai thác, sử dụng bền vững nguồn cây dược liệu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhóm cây dược liệu được bảo tồn gồm: củ gấu (cỏ gấu), sài hồ, diệp hạ châu, sâm đất, dứa dại, đinh lăng, ngưu tất, bạc hà, dây thìa canh, cát cánh... Ngoài việc phục tráng, bảo tồn nguồn gen quý, dự án còn thực hiện đồng bộ các quy trình phát triển bền vững cây dược liệu như: Xây dựng danh mục loài bảo tồn và loài khai thác; sưu tầm các loài cây thuốc quý gắn với xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu theo đúng tiêu chuẩn. Xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng một số loài cây thuốc chủ yếu, nghiên cứu chiết xuất hoạt chất từ cây thuốc. Xây dựng các mô hình trình diễn và vườn lưu giữ các loài cây thuốc quý tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định và Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy)… Đồng thời duy trì vùng sản xuất dược liệu chủ lực của tỉnh như cây đinh lăng trồng tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng với diện tích khoảng 450-500ha; ngưu tất, đương quy, bạch truật ở huyện Vụ Bản với diện tích 50 ha/mỗi loại; cây bạc hà trồng tại các huyện Trực Ninh, Nam Trực, mỗi huyện từ 70-100ha; cát cánh trồng tại huyện Hải Hậu với diện tích từ 70-80ha; hoa hòe trồng tại các huyện Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thủy, mỗi huyện 50ha. Đối với động vật, UBND tỉnh quyết định cho xây dựng khu bảo tồn ngao bản địa tại cửa Ba Lạt thuộc phạm vi vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Thủy nhằm duy trì bảo vệ, phát triển giống ngao quý của địa phương với đặc trưng con giống to, vỏ có màu nâu đỏ, thịt ngao trắng, giòn, ngọt, có giá trị kinh tế cao gấp 2 lần so với giống ngao Bến Tre. Khu bảo tồn ngao bản địa được xây dựng nhằm đảm bảo điều kiện tự nhiên cho ngao sinh trưởng, tránh mọi tác động của con người như quây bao, đánh bắt phù du, sinh vật biển trong khu vực bảo tồn; đồng thời tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc và thời gian phù hợp, đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển ngao bản địa; xây dựng mô hình và quy chế quản lý khu bảo tồn ngao bản địa và báo cáo đánh giá tác động môi trường theo định kỳ bảo đảm cho nghề nuôi ngao phát triển bền vững. Sau bảo tồn giống ngao bản địa, Sở NN và PTNT tiếp tục chỉ đạo Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Hiệp hội Nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ huyện Giao Thủy bảo tồn, sinh sản nhân tạo và phát triển các con giống bản địa khác như móng tay, ngao gió, tu hài, vẹm… để phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản địa phương.
Việc nghiên cứu phục tráng, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị cao không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh mà còn mang giá trị văn hóa, ghi dấu ấn về những sản vật quê hương trong lòng người dân và du khách bốn phương khi được thưởng thức. Thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục nỗ lực thu thập các nguồn gen động, thực vật bản địa quý hiếm; đánh giá, chọn lọc phục tráng và tư liệu hóa các mẫu gen quý hiếm để lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu, chọn tạo giống và mở rộng sản xuất. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao trong việc nhân giống, bảo quản nguồn gen bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Tổ chức khai thác và phát triển có hiệu quả các nguồn gen động, thực vật bản địa quý hiếm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương