Mùa sứa biển

08:05, 30/05/2014

Sáng mùa hạ tháng 5, bãi biển Hải Chính chỗ chúng tôi đứng nắng vàng, cát trắng, biển xanh trải dài tít tắp. Trong cái chòi để “thập cẩm” những thùng sứa đã qua chế biến, ngư phủ Nguyễn Đỗ Mười, xã Hải Lý, Hải Hậu kể cho chúng tôi nghe về những chuyến ra khơi, vào lộng của anh. Đã từng lang thang trên nhiều vùng biển của Tổ quốc, cũng đã có lần theo chúng bạn dong tàu lớn xuất ngoại đánh cá; được ngư phủ xứ bạn dạy cho cách ăn con sứa ngay trên lênh đênh sóng nước như thế nào; những mùa sứa luôn để lại cho anh rất nhiều vấn vương...

Nhộn nhịp mùa sứa

Mùa sứa thường bắt đầu khoảng tháng 12 năm trước và kết thúc vào tháng 3 âm lịch năm sau. Ấy là khi những cơn gió nam mát mẻ trải đều khắp mặt biển, thích hợp cho những ngư phủ dong thuyền ra khơi đánh bắt, khai thác sứa. Tháng 4 trở đi, khi mùa hè bắt đầu, những cơn mưa nhiều hơn kéo theo sấm chớp đì đùng trên mặt biển, sứa có hiện tượng “teo” dần và chết. Năm nay theo những ngư phủ mùa sứa bắt đầu muộn hơn do thời tiết lạnh kéo dài. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn có thể đánh bắt sứa. Tầm 2-3h sáng, biển đêm mát rượi, lồng lộng những gió, anh Mười cầm đèn pin men theo triền đê cùng nhiều ngư phủ khác xuống biển. Họ chuẩn bị rất nhiều đồ nghề cho chuyến biển đêm nay và trữ cơ man nào nước bò húc, nước lọc, bánh kẹo, mì tôm, lương khô các loại... “Đời ngư phủ rất vất vả, nếu không ăn nhiều thì chúng tôi chẳng thể nào có sức mà chống chọi được với gió, nắng, sóng biển”, anh Mười tâm sự. Theo những cơn gió nam mát lành, khi ra khỏi đất liền chừng vài cây số, anh Mười dùng… con mắt để “thả” lưới. Anh cho biết thêm: “cái giống sứa biển chỉ nổi vào những hôm trời mát, gió nhẹ khoảng cấp 2, cấp 3. Trời đẹp, nhưng gió cấp 4, cấp 5 cũng “làm khó” cho bọn sứa rồi. Ra biển, ngư phủ bọn tôi dựa chủ yếu vào kinh nghiệm để phân biệt luồng nước, từ đó mới giăng lưới bắt sứa”.

Ngư phủ Bùi Văn Chinh, xóm Trung Châu, xã Hải Chính nối nghiệp 3 đời đánh cá của gia đình đến nay cũng ngót 30 năm. 2, 3 năm trở lại đây, anh thôi dong thuyền lênh đênh ngoài biển mà chuyển hẳn sang nghề thu mua sứa. Biết phán đoán con nước, nhìn trời, đoán gió, chăng lưới bắt sứa từ những ngày trai trẻ theo bố ra biển, anh Chinh cung cấp 1 quy trình bắt sứa của ngư phủ: “Sứa khi mắc vào lưới phải nhanh chóng kéo khỏi mặt nước. Những ngư dân khỏe mạnh dùng tay không ôm sứa ném vào lòng thuyền. Quá trình bắt sứa, ngư phủ phải cẩn thận, tránh để bị “chích” vào người. Dãi sứa rất độc, nếu bị chích vào người ban đầu thì ngứa, sau thậm chí thối thịt”. Để chứng minh lời anh Chinh nói, anh Mười chỉ vào vết thương dài khoảng 5cm trên cổ tay đã đóng thành vẩy cứng. “Đây là kỷ niệm trong một lần “chiến đấu” với con sứa đỏ nặng khoảng 50kg của tôi. Phát hiện loại sứa quý này vướng vào lưới, tôi nhanh tay ôm lấy con sứa. Rời khỏi mặt lưới con sứa vùng vẫy, những gai nhọn trên người con sứa cứa vào bắp tay tôi. Ban đầu chỉ có cảm giác tê tê, cho đến khi phát hiện, bắp tay tôi đã đầy máu. Anh Mười cho biết. Cũng theo các ngư phủ, mức độ gây ngứa của con sứa phụ thuộc vào khoảng cách sống xa bờ, mức độ nước nông, sâu mà con sứa sinh sống. Con sứa nào ở càng xa bờ, vùng nước càng sâu thì càng đỡ ngứa. Sứa có nhiều loại, tuy nhiên những ngư phủ Nam Định thường bắt được loại sứa trắng mà họ gọi “dân gian” là sứa rô. Loại sứa đỏ, hiếm hoi lắm trong một mùa sứa, ngư phủ nào may mắn cũng chỉ bắt được 1, 2 con. “Giống sứa đỏ quý bởi giá trị dinh dưỡng của nó cực kỳ cao. Bắt được 1 con sứa đỏ, chúng tôi thường không đem bán, mang về nhà “quay” cho đến khi cắn vào con sứa thấy đầu lưỡi không còn vị mặn thì bỏ vào nồi hầm. Dùng thêm 2 lạng thuốc bắc, 1 lạng hạt sen hầm chung với sứa đỏ sẽ cho một món ăn có vị ngọt tuyệt vời, cực kỳ ấn tượng cho những ai có dịp nếm thử. Người ốm nếu được ăn, có thể “bật dậy” khỏe mạnh”, anh Mười cao hứng quảng cáo.

Ngư dân Thịnh Long (Hải Hậu) thu hoạch sứa.
Ngư dân Thịnh Long (Hải Hậu) thu hoạch sứa.

Vào mỗi mùa đánh bắt sứa, ngư phủ khắp các xã ven biển của Hải Hậu thường rất tất bật. Khắp các bến bãi, thuyền xếp kín như nêm, lòng thuyền về đầy ắp sứa. Tuy nhiên, không phải ngày nào ngư phủ cũng có thể ra khơi. Nếu thời tiết thuận hòa, 1 tháng ngư phủ cũng chỉ đánh bắt được khoảng 10-15 ngày. Tuy nhiên, những chuyến vào lộng của họ thường “trúng quả”. Anh Mười cho biết: “Năm nay ngư phủ khắp nơi được mùa sứa. Hôm nào ít, trung bình 1 thuyền đã ra khơi cũng đánh bắt được khoảng 2-3 tấn, nhiều thì có thể lên tới 6-7 tấn”. Sứa được thương lái thu mua, chế biến theo các công đoạn: cắt rời sứa ra thành 4 phần, chân, tay, óc, dù (thân) và cho vào bể nước ngọt “quay”. Thời gian quay thường từ 6-8 tiếng, nhằm loại hết vị mặn trong người con sứa. Sau khi loại bỏ vị mặn, người ta tiếp tục vớt sứa cho vào một bể khác có pha muối, phèn chua để bảo quản sứa. Thời gian quay càng lâu, lượng muối, phèn pha phù hợp thì sứa càng để được lâu. Các công đoạn này, khi chế biến đòi hỏi người làm phải cẩn thận, có kinh nghiệm. Nếu không sứa sẽ vàng và rất chóng hỏng. Sứa thành phẩm đạt yêu cầu phải cứng, thân con sứa phải trong, cầm lên nhìn có ống nước di chuyển bên trong con sứa mới là sứa ngon. Sứa ngâm trong dung dịch muối - phèn ba ngày có thể ăn được. Sau đó sứa được đóng vào những thùng gỗ thông loại 10kg chờ xuất đi. Sứa có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như gỏi, nộm, xào, hầm… Tuy nhiên, phổ biến và được ưa chuộng hơn cả vẫn là món gỏi sứa.

Ngư phủ vẫn thiệt thòi

Anh Mười cho biết, giá thu mua sứa tại gốc hiện… quá bèo. “Thuyền về bến, tư thương xuống tận các thuyền thu mua sứa. Họ “đổ đồng” đầu con trả tiền. Không cứ con to nhỏ, cân nặng, mỗi con sứa đều có giá 20.000 đồng. Như vậy, con nặng 5-6kg hoặc 60kg cũng chỉ có giá 20.000 đồng. Sứa là loài “đỏng đảnh”, cơ thể chứa đầy nước nên sau khi đánh bắt về nếu không nhanh chóng được chế biến đúng cách thì sẽ thối hỏng, lại còn gây ô nhiễm. Tư thương “bắt thóp” điều này nên người bắt sứa như chúng tôi luôn phải chịu cảnh được mùa thì mất giá. Hôm nào tư thương quan sát thuyền về đầy ắp sứa, lập tức giá sứa bị hạ từ 20.000 đồng/con xuống 12.000 đồng/con. Với những con nhỏ khoảng 5-6kg, họ “ghép” hai ba con tính bằng 1 con to”. Chỉ cần làm một phép so sánh nho nhỏ đã thấy chênh lệch lớn đến thế nào. Giá một hộp sứa ăn liền bán ra thị trường bây giờ là 25.000 đồng. Trong đó, trừ nước, khối lượng sứa chỉ khoảng 2,5 lạng. Một con sứa nhỏ nhất khoảng 5-6kg, khi quay ra, vẫn có thể làm được khoảng vài chục hộp như vậy, đủ thấy tư thương lãi như thế nào. Mỗi bộ phận trên người con sứa đều sử dụng được và có các mức giá bán khác nhau. Trong đó, chân sứa đắt nhất, dao động trong khoảng 750.000 đồng/thùng. Tay và óc sứa được bán với giá khoảng 300.000 đồng/thùng. Phần dù của con sứa rẻ nhất, có giá khoảng 160.000 đồng/thùng. Cũng theo anh Mười, mùa sứa năm 2013, khi còn đánh bắt ở vùng biển Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), thương lái Trung Quốc thường trả anh 35.000 đồng/1 chân sứa (1 con sứa có 8 chân). “Như vậy, đủ thấy ngư phủ chúng tôi thiệt thòi như thế nào khi bị chính những người thu mua sứa trong nước… ép giá”. Chúng tôi rất mong Nhà nước, HTX có phương thức thu mua sứa của ngư dân để đảm bảo về mặt giá cả và quyền lợi của người lao động chúng tôi tránh tình trạng bị tư thương ép giá như hiện nay. Có như vậy, chúng tôi cũng yên tâm hơn khi ra khơi, những ngư phủ chúng tôi gặp trên khắp các bến bãi, khi được hỏi đều bày tỏ tâm nguyện như vậy.

Mùa sứa năm nay đã vào những đợt bắt cuối cùng. Tuy vất vả nhưng mỗi ngày ra khơi, vào lộng với số sứa đánh bắt được, mỗi thuyền trừ chi phí, ngày ít trừ ngày nhiều cũng thu về khoảng 1 triệu đồng tiền lãi. Gặp hôm trời biển thuận hòa, ngư phủ có thể lãi 2-3 triệu đồng, bù lại cho họ những gian nan vật lộn cùng sóng nước hằng đêm, mưa nắng mỗi ngày. “Đã là ngư dân thì phải ra khơi, không ra khơi thì chúng tôi rất nhớ biển. Vào những mùa sứa, cảnh biển đêm nếu được chứng kiến mang lại cảm giác rất khó tả. Những chú sứa mềm mại, trắng nhờ di chuyển nhẹ nhàng dưới nước, đẹp vô cùng. Những lúc đó, đời ngư phủ phơi sương nằm gió cũng rộn lên trong lòng cảm giác nhẹ nhàng, thơi thới, thêm yêu biển trời quê ta. Khó nhọc theo đó cũng vơi đi ít nhiều”, ngư phủ Nguyễn Đỗ Mười trầm tư… Mùa sứa, những đàn sứa “giương ô” bơi lội dưới mặt biển đôi khi làm “mềm” cả những ngư dân gai góc, chai sạn khiến họ bất chợt lãng mạn, thành những con người rất khác…

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com