Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong hơn 2 năm qua NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Trên địa bàn tỉnh hiện không có Hội sở chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) mà chỉ có cấp chi nhánh và các loại hình TCTD với chi nhánh 16 TCTD cấp tỉnh, 7 chi nhánh NHTM cổ phần, chi nhánh Ngân hàng CSXH, chi nhánh Ngân hàng Phát triển, chi nhánh Ngân hàng HTX, 41 Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) và 4 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô. Các TCTD trên địa bàn tỉnh đến nay đã phát triển mạng lưới rộng khắp gồm 75 trụ sở các TCTD, 100 phòng giao dịch, 123 điểm ATM và 298 địa điểm cung ứng dịch vụ ngân hàng. Theo kế hoạch và hướng dẫn của NHNN Việt Nam, chi nhánh là cấp thực hiện đề án tái cơ cấu các TCTD của Hội sở chính. Thông qua việc sáp nhập, hợp nhất của Hội sở chính các TCTD trong thời gian 2011-2013, đến cuối năm 2013 các chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh có một số sự thay đổi như sau: Chi nhánh Cty CP Tài chính Dầu khí Nam Định chuyển thành chi nhánh Ngân hàng TMCP Đại chúng Nam Định (do Ngân hàng TMCP Phương Tây hợp nhất với Cty CP Tài chính Dầu khí). Chi nhánh Quỹ TDND Trung ương Nam Định thành chi nhánh Ngân hàng HTX Nam Định, cùng với đó, mạng lưới 100 phòng giao dịch và 123 điểm ATM của các TCTD đều được tổ chức đúng quy định. Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn 41 Quỹ TDND rà soát, xác định mức độ an toàn, lành mạnh của mình để xây dựng phương án cơ cấu lại trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó có 39 Quỹ TDND hoạt động bình thường, 2 Quỹ hoạt động yếu kém (Quỹ TDND Cát Thành và Xuân Tân). Đến cuối năm 2013 phương án cơ cấu lại của 41 Quỹ TDND đã được NHNN tỉnh phê duyệt, đồng thời giám sát việc thực hiện hằng tháng. Nhờ đó, mặc dù hoạt động trong điều kiện khó khăn nhưng các TCTD trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng: Nguồn vốn huy động đến cuối năm 2013 đạt 20.341 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2012; đến cuối quý I-2014 đạt 21.634 tỷ đồng, tăng 6,36% so với đầu năm. Mặc dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng các TCTD vẫn huy động được nguồn vốn khá từ các tổ chức kinh tế và dân cư trên địa bàn cho thấy cơ chế điều hành lãi suất của NHNN là phù hợp với diễn biến của lạm phát, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, làm cho kênh tiền gửi ngân hàng vẫn hấp dẫn người dân. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2013 đạt 23.715 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2012. Hầu hết các TCTD trên địa bàn đáp ứng được các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định của NHNN. Năm 2012, nhiều TCTD trên địa bàn có chênh lệch thu nhập trừ chi phí giảm so với năm 2011, nhưng đến năm 2013 vấn đề này đã được cải thiện. Số lượng nợ xấu của các TCTD trên địa bàn không lớn, số dư nợ xấu thời điểm cuối năm 2011 là 370 tỷ đồng, chiếm 1,9%; đến cuối quý I-2014 chỉ còn 99 tỷ đồng, chiếm 0,42%...
Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng CPTM Techcombank tỉnh. |
Thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tỉnh, thời gian tới NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động của các TCTD. Trên cơ sở đó đôn đốc, hướng dẫn các TCTD thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN; giải quyết, xử lý theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng, tạo thuận lợi cho các TCTD thực hiện kế hoạch kinh doanh, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc NHNN sửa đổi các cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tế. Thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với các TCTD trên địa bàn theo kế hoạch. Giám sát hoạt động của các TCTD bằng hệ thống các chỉ tiêu đồng bộ theo các chuẩn mực an toàn quy định đối với TCTD, trong đó giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là việc chấp hành mức trần lãi suất huy động vốn, trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, thực hiện các tỷ lệ quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD về quản trị điều hành. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các Quỹ TDND thực hiện phương án cơ cấu lại theo các nội dung đã được Chi nhánh NHNN tỉnh phê duyệt, chú trọng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, dứt điểm các Quỹ TDND yếu kém. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường công tác quản lý ngoại hối, quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Tổ chức tốt hoạt động thanh toán qua NHNN đảm bảo nhanh, chính xác, an toàn, chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ ATM nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế tối đa tình trạng ATM hết tiền, mất điện… Triển khai thực hiện Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31-12-2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt, cung ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cả về số lượng lẫn cơ cấu các loại tiền cho các TCTD và Kho bạc Nhà nước, bảo đảm an toàn hoạt động ngân quỹ từ NHNN đến các TCTD. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chủ trương chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam về hoạt động ngân hàng để doanh nghiệp và người dân hiểu và phối hợp thực hiện đúng. Các TCTD trên địa bàn rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh để nhìn nhận đúng những tồn tại, hạn chế, từ đó xác định chính xác kế hoạch hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và nhu cầu sử dụng vốn hằng ngày để đảm bảo thanh khoản và thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được giao. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng, trong đó lưu ý tăng trưởng dư nợ cho vay phân đều hằng tháng kể từ tháng 4-2014, không để dồn vào những tháng cuối năm. Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và quy định của NHNN như cho vay hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, chăn nuôi, thủy sản; chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chính sách cho vay hộ cận nghèo… Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo quy định của pháp luật như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, áp dụng điều kiện và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đúng quy định của NHNN, giảm lãi suất của các khoản vay cũ. Thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất, áp dụng các mức lãi suất huy động vốn theo quy định của NHNN tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN. Áp dụng các mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động vốn và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng. Tiếp tục triển khai đồng bộ, khẩn trương các giải pháp cơ cấu lại về tài chính, quản trị điều hành, chất lượng tài sản có và nguồn vốn theo các chỉ tiêu được giao. Tích cực xử lý nợ xấu bằng các giải pháp cơ cấu lại nợ, thu hồi từ khách hàng, xử lý tài sản đảm bảo, mua bán nợ, sử dụng nguồn vốn dự phòng rủi ro./.
Bài và ảnh: Quang Lộc