Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, công tác đo lường, các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ… ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường không chỉ góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mà còn tác động tích cực đến an sinh xã hội, đảm bảo công bằng cho người sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Theo số liệu thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC), toàn tỉnh hiện có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; gần 200 chợ, trung tâm thương mại và hơn 900 nghìn phương tiện các loại thuộc diện phải kiểm định, hiệu chuẩn. Với chức năng là cơ quan trực tiếp giúp Sở KH và CN thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TĐC, Chi cục TĐC đã bám sát sự chỉ đạo của ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TĐC. Đồng thời tham mưu với Sở KH và CN trình UBND tỉnh ban hành quy định quản lý đo lường trên địa bàn tỉnh và xây dựng đề án phát triển TĐC giai đoạn 2007-2015. Tổ chức thực hiện và bảo vệ thành công đề tài “Điều tra tiềm lực các phòng thử nghiệm hiệu chuẩn. Đề xuất các giải pháp hợp tác và sử dụng hệ thống thử nghiệm, hiệu chuẩn trên địa bàn tỉnh Nam Định” làm cơ sở để phát triển và khai thác hệ thống thử nghiệm, hiệu chuẩn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TĐC, trong năm 2013, Chi cục đã tổ chức kiểm tra theo chuyên đề về đo lường, phép đo trong thương mại, kiểm tra chất lượng và ghi nhãn sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện cân đo trên địa bàn... Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm về đo lường và chất lượng như: sản phẩm có các chỉ tiêu kỹ thuật không đúng như đăng ký; trọng lượng sản phẩm thực tế ít hơn so với thông tin trên bao bì..., kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, góp phần đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Chi cục đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời tổ chức tiếp nhận hồ sơ, công bố hợp chuẩn, hợp quy cho một số sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất như sản phẩm nông sản chế biến, thiết bị giáo dục và đồ chơi trẻ em, vật liệu xây dựng theo quy định. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng quản lý về đăng kiểm phương tiện đo, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm, hàng hóa và hướng dẫn thực hiện công bố hợp quy đối với các sản phẩm hàng hóa theo quy định. Để đáp ứng yêu cầu công tác TĐC, phục vụ yêu cầu phát triển của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng xã hội, Chi cục tranh thủ các nguồn hỗ trợ, các chương trình, dự án nâng cao tiềm lực TĐC. Chi cục đã tập trung đào tạo bổ sung, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; đề xuất UBND tỉnh đầu tư trang thiết bị phù hợp với nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn của địa phương. Trong năm 2013, Chi cục đã hoàn thành Trung tâm Kỹ thuật TĐC để thực hiện các dịch vụ công về lĩnh vực TĐC sản phẩm, hàng hóa, phục vụ công tác quản lý Nhà nước; cung ứng các dịch vụ về TĐC phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trung tâm Kỹ thuật TĐC được đầu tư trên 20 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm năng lực kiểm định ở 7 lĩnh vực: kiểm tra chất lượng xăng, dầu; thử nghiệm thiết bị điện, điện tử; đo lường nhiệt; thử nghiệm chất lượng phân bón, thức ăn chăn nuôi, VSATTP; kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị an toàn bức xạ; kiểm tra tuổi vàng và các phương tiện vận chuyển, hệ thống chuẩn lưu động phục vụ công tác kiểm định, đo lường, hiệu chuẩn tại hiện trường... Với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ, Trung tâm có khả năng đáp ứng yêu cầu kiểm tra nhanh trị số octane, cetane trong xăng, dầu; thử nghiệm một số chỉ tiêu an toàn cho các thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng; kiểm định hiệu chuẩn thiết bị đo nhiệt, độ ẩm, X-quang, kiểm tra tuổi vàng và kiểm định dư lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số hóa chất độc hại trong môi trường, trên thực phẩm, phân bón, sản phẩm dệt may. Trung tâm đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn chất lượng sản phẩm tại chỗ của nhiều doanh nghiệp về chỉ số cơ lý, hóa, sinh... góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển, bảo quản mẫu hàng hóa. Tiêu biểu như kiểm soát chất lượng, các chỉ số thành phần trong nguyên liệu thuốc nam cho các doanh nghiệp dược phẩm; kiểm soát chỉ số kỹ thuật trong sản xuất các sản phẩm nước đóng chai, nông, thủy sản chế biến của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tháng 1-2014, Chi cục tiếp tục được UBND tỉnh cho triển khai dự án “Đầu tư nâng cao năng lực hoạt động TĐC tỉnh Nam Định giai đoạn 2” với tổng mức kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng nhằm bảo đảm đồng bộ trang thiết bị đủ khả năng kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo thuộc các lĩnh vực: Khối lượng; dung tích - lưu lượng; điện - điện tử; độ dài; áp suất… Tăng cường trang thiết bị kỹ thuật thử nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá đủ điều kiện để được công nhận phòng thử nghiệm VILAS theo tiêu chuẩn TCVN/ISO/IEC17025 thuộc các lĩnh vực: điện - điện tử; xăng, dầu... Đủ khả năng kiểm định cân tải trọng ô tô từ 80 đến 150 tấn; xây dựng trạm kiểm định xi-téc ô tô; mở rộng năng lực kiểm định công tơ điện tử; kiểm định áp kế pít-tông, áp kế điện tử, thiết bị chuyển đổi áp suất, thiết bị đặt mức áp suất; kiểm định, thử nghiệm được biến áp đo lường, biến áp điện lực, biến dòng sơ cấp từ 0,1 đến 5.000A; kiểm định phương tiện đo điện trở tiếp đất, điện trở cách điện và hiệu chuẩn các thước đo, thước cặp, thước vặn dùng trong nhà máy đến 0,1mm. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đầu tư mở rộng các lĩnh vực thử nghiệm chất lượng xăng, dầu theo QCVN 01:2009/BKHCN, thử nghiệm hóa, vi sinh, thử nghiệm chất lượng phân bón, thức ăn chăn nuôi, VSATTP.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Chi cục trưởng Chi cục TĐC cho biết: Được đầu tư trang thiết bị kiểm định hiệu chuẩn hiện đại, ngoài việc làm tốt công tác kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo trong thương mại hàng hoá, kiểm tra chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, đặc biệt là hàng hoá xuất nhập khẩu, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu về đo lường, thử nghiệm của các doanh nghiệp và nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá, Trung tâm Kỹ thuật TĐC còn phục vụ các hoạt động pháp lý như: giám định tư pháp, trọng tài kinh tế và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ tích cực cho việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Hiện tại, Chi cục TĐC đang nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ kiểm định và hiệu chuẩn; xây dựng và mở rộng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn TCVN/ISO/IEC17025 để được công nhận là tổ chức có năng lực hiệu chuẩn đảm bảo kiểm định được trên 80% các phương tiện đo lường nằm trong danh mục phải kiểm định đang được sử dụng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận./.
Nguyễn Hương