Hiện nay, toàn tỉnh có 93 HTX phi nông nghiệp đang hoạt động, bao gồm 41 Quỹ tín dụng nhân dân, 40 HTX giao thông vận tải, 50 HTX CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, xây dựng và môi trường. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, chất lượng các HTX phi nông nghiệp đã nâng lên rõ rệt, đa số các HTX đều làm ăn có hiệu quả và có lãi. Mức tham gia góp vốn của các xã viên đã được nâng cao, đạt bình quân 15-20 triệu đồng/cổ đông, xã viên; nhiều HTX đã có số vốn lên tới 500-700 triệu đồng, cá biệt có HTX đã có số vốn góp lên tới hàng tỷ đồng. Các HTX phi nông nghiệp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
HTX Dệt may Hoàng Mai, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho trên 80 lao động với mức thu nhập từ 2,7-4 triệu đồng/người/tháng. |
HTX dệt may Hoàng Mai có trụ sở tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) thành lập từ năm 2009 với 19 thành viên góp vốn. HTX chuyên nhận may các sản phẩm quần áo đồng phục, áo bảo hộ lao động… cho các Cty may tại Hà Nội, Đà Nẵng… Ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 20 lao động với 30 máy may. Với chính sách thu hút lao động như thưởng chuyên cần, khoán công…, đến nay, HTX đã thu hút và tạo việc làm cho 80 lao động với mức thu nhập từ 2,7 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Tháng 12-2013, HTX đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất với quy mô 250m2, nâng diện tích nhà xưởng sản xuất lên gần 500m2. Năm 2013 doanh thu của HTX đạt 2,5 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX dệt may Hoàng Mai cho biết, HTX đang cần thêm vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động tại xã và các địa phương lân cận: HTX dệt may Hoàng Anh, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) thành lập tháng 11-2011 với số vốn ban đầu là 1,7 tỷ đồng do 17 cổ đông đóng góp. Ngày đầu thành lập, HTX gặp không ít khó khăn do diện tích sản xuất chật hẹp, lại nằm sâu trong khu dân cư số 5. HTX đã vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng. Đến nay, HTX đã mở rộng mặt bằng sản xuất lên 650m2. Ngoài chế độ tiền lương đầy đủ, HTX còn có các chính sách phúc lợi, thưởng, tặng quà, bồi dưỡng vào các dịp ngày lễ, tết để động viên xã viên, người lao động. Nhờ đó, từ một cơ sở may mặc nhỏ, đến nay HTX dệt may Hoàng Anh đã có 100 máy may, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi tháng, HTX xuất xưởng trên 50 nghìn sản phẩm áo dệt kim đông xuân. Sản phẩm của HTX được xuất khẩu uỷ thác qua các doanh nghiệp tại Hà Nội sang thị trường EU và Ăng-gô-la. Năm 2013 doanh thu của HTX đạt hơn 4 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2014, doanh thu ước đạt gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh các HTX hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, những năm qua, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương là các HTX vận tải với tổng số 40 HTX giao thông vận tải thủy, bộ. Các HTX vận tải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng phương tiện. Trong đó, có 6 HTX vận tải hành khách đường bộ với tổng số phương tiện trên 260 xe (chiếm 34,4% tổng số đầu phương tiện vận tải khách trong tỉnh). HTX vận tải đường bộ Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đã đầu tư nâng cấp Bến xe Quỹ Nhất từ cuối tháng 12-2010. Các HTX vận tải hoạt động chủ yếu làm dịch vụ cho xã viên về bến bãi, luồng tuyến,… Với chi phí dịch vụ mang tính cạnh tranh tạo điều kiện cho các thành viên hoạt động.
Tuy nhiên, với việc tự chủ về tài chính nên các HTX phi nông nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể nhưng lại thiếu hướng dẫn thực hiện nên chưa được hiện thực hoá; các HTX phi nông nghiệp vẫn khó tiếp cận được các nguồn vốn vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại. Nguyên nhân chủ yếu do các HTX phi nông nghiệp không có tài sản thế chấp vay vốn. Nhu cầu vay vốn đầu tư của các HTX phi nông nghiệp rất cao trong khi nguồn lực nội tại hạn chế, lại chưa có các kênh tài chính tín dụng dành cho nhóm đối tượng này (chẳng hạn Quỹ hỗ trợ HTX) nên chỉ dựa vào tiền góp của thành viên. Do đó HTX không chủ động được nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều HTX phi nông nghiệp vẫn còn thiếu chiến lược phát triển “dài hơi”, thiếu các chính sách hỗ trợ, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường, giáo dục pháp luật… Tình trạng một số HTX phi nông nghiệp cùng ngành nghề không tìm được “tiếng nói chung”, cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến kìm hãm lẫn nhau, làm giảm khả năng liên doanh, hợp tác, mở rộng thị trường vẫn xảy ra.
Để tháo gỡ khó khăn về quản lý, vốn, tài sản, lợi nhuận và phân phối lại lợi nhuận, các HTX phi nông nghiệp cần quan tâm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Đối với quản lý doanh thu, chi phí cần có phương pháp hạch toán rõ ràng ngay từ đầu. Các chi phí trực tiếp, gián tiếp, giá thành dịch vụ phải minh bạch, cụ thể đối với từng ngành nghề kinh doanh và công bố công khai trước đại hội xã viên thường niên. Các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với HTX phi nông nghiệp thông qua kiểm tra, giám sát các HTX trong việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước nhưng không can thiệp sâu vào hoạt động của HTX. Tạo cơ chế để các doanh nghiệp Nhà nước mở rộng liên doanh, liên kết, ủy thác bao tiêu sản phẩm thông qua các chương trình dự án, khuyến khích xã viên góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất để tăng thêm vốn kinh doanh cho HTX. Về lâu dài cần xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng cho hệ thống HTX đi liền với chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, tổ chức giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy mô hình HTX phi nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Toàn