Biện pháp hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

08:05, 30/05/2014

Kết quả qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại 96 xã, thị trấn tham gia chương trình NTM giai đoạn 2010-2015 đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường nông thôn. Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch và hợp vệ sinh năm 2012 đạt 90,4%, năm 2013 đạt 92%. Tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh theo chuẩn tăng từ 63% năm 2010 lên 85% năm 2013. Đến nay, toàn tỉnh có 47 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí số 17; 33 xã, thị trấn đã cơ bản đạt tiêu chí số 17. Tuy nhiên, vẫn còn 18 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 chưa đạt tiêu chí số 17 (tiêu chí về môi trường). Tỷ lệ số hộ dân nông thôn được dùng nước sạch trên toàn tỉnh còn thấp. Toàn tỉnh mới có 99/209 xã, thị trấn được cấp nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung với số lượng trên 809.600 người dân. Riêng ở 3 huyện ven biển, số xã đã được cấp nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn thấp, trong đó huyện Hải Hậu mới có 3/35 xã, thị trấn; Nghĩa Hưng mới có 3/25 xã, thị trấn; Giao Thủy mới có 10/22 xã, thị trấn. Công tác thu gom, xử lý rác, nước thải chưa tốt, nhất là ở các khu đông dân cư và làng nghề. Tỷ lệ thu gom rác thải trung bình tại các huyện mới đạt trên 65%, có 3 huyện đạt trên 70% là Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Tỷ lệ rác thải được xử lý an toàn, đúng quy định còn hạn chế mà chủ yếu mới chôn lấp thủ công dẫn đến mối nguy môi trường từ nước rỉ rác, mùi, tiếng ồn... ở địa bàn xung quanh khu bãi rác tập trung. Bên cạnh đó, việc thực hiện chỉ tiêu môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng còn nhiều khó khăn do tính tự giác chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí đầu tư cho công tác BVMT ở nông thôn chưa đảm bảo, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, ý thức về bảo đảm vệ sinh, BVMT trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân chưa cao, còn chủ quan trong nhận thức về tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục tình trạng trên, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương cần có các chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác BVMT, huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp vào các hoạt động cải tạo, BVMT bền vững… Sở TN và MT sẽ tăng cường kiểm tra và xử phạt hành vi xả thải gây ô nhiễm đến khu vực nông thôn và vùng sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả quy hoạch BVMT; khắc phục ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước ở vùng nông thôn; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình BVMT vùng nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường năng lực quản lý môi trường cấp huyện, xã để nâng cao hiệu quả BVMT. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện công tác BVMT và phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, không để người dân đổ rác bừa bãi dọc các tuyến đường, dòng sông, bờ đê, nơi công cộng; hướng dẫn việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, nâng cao chất lượng xử lý tại bãi chôn lấp rác thải quy mô xã. Tập trung phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố khuyến khích các địa phương đẩy mạnh áp dụng biện pháp xử lý rác thải bằng lò đốt. Phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, giám sát hoạt động BVMT của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vùng nông thôn; triển khai việc thu phí BVMT đối với nước thải tại các hộ, cơ sở sản xuất trong các làng nghề và quyết liệt hoàn thành việc lập và thực hiện phương án di dời các hộ, cơ sở sản xuất vào CCN tập trung đối với các làng nghề đã quy hoạch hoặc đã có CCN để di dời, kiên quyết không để hộ, cơ sở sản xuất đã có quyết định di dời hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tồn tại trong khu dân cư. Ngành NN và PTNT đang tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm môi trường theo kế hoạch thực hiện chiến lược BVMT tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động BVMT trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản như: hướng dẫn xử lý và tiêu hủy các chất thải trong hoạt động nông nghiệp gồm: dụng cụ, bao bì đựng phân bón, hóa chất BVTV; quản lý chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, từng bước giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón hóa học; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại hóa chất BVTV, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015./.

Thanh Thúy



Bảng giá sắt phế liệu hôm nay

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com