Hiện, toàn tỉnh có 129 làng nghề, với hơn 52 nghìn hộ, 302 cơ sở sản xuất, thu hút hơn 135 nghìn lao động, nhiều làng có tỷ lệ lao động trong các ngành nghề chiếm 80-90% lao động địa phương. Những năm qua, các làng nghề phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng NTM và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tại các làng nghề của tỉnh hiện cũng đang phát sinh các yếu tố nguy hiểm, độc hại như bụi, tiếng ồn, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ.
Nhiều lao động ở làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) chưa sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân khi sản xuất. |
Các làng nghề với các mô hình Cty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, hoạt động sản xuất ngay tại nhà ở hoặc nằm trong khu dân cư, xưởng sản xuất tạm bợ, thiếu ánh sáng, vật liệu sản xuất và sản phẩm để lộn xộn trong xưởng, tiềm ẩn nguy cơ gây va chạm, cản trở di chuyển. Việc tổ chức sản xuất, lao động không hợp lý. Hầu hết các làng nghề sản xuất thủ công có thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, máy móc sử dụng không đảm bảo an toàn, nhiều thiết bị đang vận hành không có tài liệu hướng dẫn sử dụng an toàn. Không ít cơ sở còn sử dụng các loại máy tự chế, tự lắp ráp, chắp vá từ các bộ phận của máy cũ. Tại các làng nghề, lao động thủ công chiếm 70-80% và có tới 80% các khâu trong dây chuyền sản xuất, người lao động phải làm việc nặng nhọc, vất vả, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại. Tuy nhiên, rất ít chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động như: quần áo, khẩu trang, kính, mũ, găng tay… Một số ít cơ sở đã trang bị bảo hộ lao động nhưng người lao động không sử dụng, do đó tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động. Các làng nghề phát triển tự phát, các doanh nghiệp, hộ sản xuất lại muốn giảm tối đa kinh phí đầu tư và tối đa hóa lợi nhuận nên thường không quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, né tránh thực hiện các trách nhiệm pháp lý về môi trường, ATVSLĐ. Hầu hết các cơ sở sản xuất không trang bị hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong xưởng sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa có bộ phận làm công tác ATVSLĐ. Việc huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn mang tính hình thức. Nhiều người lao động làm việc tại các làng nghề theo mùa vụ, được đào tạo nghề theo kiểu truyền miệng “cầm tay chỉ việc”, nên chưa có nhận thức về ATVSLĐ mà chỉ chú ý học các thao tác kỹ thuật vận hành thiết bị. Do thiếu hiểu biết và không có hợp đồng lao động nên khi xảy ra tai nạn lao động, họ không được hưởng chế độ nào, phải tự lo các khoản chi phí. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề cũng ở mức báo động, điển hình là các làng nghề mây tre đan Yên Tiến (Ý Yên), cơ khí đúc Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực), cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường)… sử dụng lượng lớn các hóa chất độc hại như axit, sút, dung dịch mạ, dung môi hữu cơ, sơn màu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động và nhân dân địa phương. Theo đánh giá của Sở TN và MT qua đợt kiểm tra tại 63 làng nghề mới đây, các loại hình sản xuất cơ khí, dệt may, tẩy nhuộm, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Kết quả quan trắc cho thấy, thông số BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa), COD (nhu cầu oxy hóa học) tại nhiều làng nghề vượt ngưỡng cho phép.
Nhằm đẩy mạnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ tại các làng nghề, thời gian qua, BCĐ Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề thực hiện ATVSLĐ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ-PCCN, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; thiết lập mô hình quản lý ATVSLĐ tại các làng nghề. Tăng cường chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp đối với lĩnh vực ATVSLĐ tại các làng nghề. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử phạt nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Các địa phương khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phải gắn với mục tiêu, biện pháp cải thiện môi trường, đảm bảo ATVSLĐ-PCCN, chăm lo sức khỏe cho người lao động./.
Bài và ảnh: Minh Tân