Kiểm toán năng lượng là biện pháp thiết thực, cần áp dụng trong hệ thống máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN nhằm kiểm soát tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Nhờ thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, mỗi năm Tổng Cty CP Dệt may Nam Định tiết kiệm được trên 2,5 tỷ đồng. |
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cuối năm 2013, Sở Công thương đã phối hợp với Trung tâm Phát triển CCN An Xá (TP Nam Định) tổ chức tập huấn Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 100 người đại diện cho trên 80 doanh nghiệp trong tỉnh. Qua tập huấn, các doanh nghiệp đã được giới thiệu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được các chuyên gia của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cung cấp thông tin về hiện trạng, khả năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cung cấp mẫu kiểm toán năng lượng doanh nghiệp theo Thông tư số 09/2012/TT-BCT ngày 20-4-2012 của Bộ Công thương. Sau tập huấn, Cty TNHH Thắng Lợi chuyên sản xuất các sản phẩm thép chịu nhiệt, thép hợp kim, thép chế tạo… đã tổ chức tự kiểm toán năng lượng, xác định những khu vực, thiết bị sử dụng lãng phí năng lượng (điện, nước, nguyên liệu) và triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Nhờ đó, trong quý I năm 2014, Cty đã tiết kiệm được gần 100 triệu đồng tiền điện… Trước đó, Sở Công thương tổ chức các hội nghị phổ biến, tuyên truyền về các quy định tiết kiệm năng lượng cho 250 đại diện doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn cho 53 doanh nghiệp và hỗ trợ thực hiện kiểm toán năng lượng cho một số doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm như: Cty CP Bia NaDa, Cty CP Honlei Việt Nam (TP Nam Định), Cty CP Cơ khí và thương mại Nam Hà (Nghĩa Hưng)… Sau khi được Sở Công thương hỗ trợ kiểm toán năng lượng, các doanh nghiệp đã áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng nên mỗi tháng tiết kiệm được từ 15-40% chi phí phải trả cho tiêu hao năng lượng sản xuất. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là xu thế tất yếu, là biện pháp tối ưu để giảm thiểu chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì thế, ngoài các doanh nghiệp được Sở Công thương hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện kiểm toán năng lượng và triển khai áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Sau kiểm toán năng lượng, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã đầu tư khoảng 5,5 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, mỗi năm tiết kiệm được 2,5 tỷ đồng tiền điện... Cty CP Dệt lụa Nam Định đã đầu tư trên 4 tỷ đồng lắp đặt máy biến tần ở cả 4 nhà máy thành viên gồm các nhà máy: sợi, dệt, nhuộm, xe. Nhờ tiết kiệm được 10-15% điện năng, đến năm 2013, Cty đã tiết kiệm trên 4 tỷ đồng từ chi phí về điện…
Hiệu quả kinh tế của việc kiểm toán năng lượng đã được kiểm nghiệm từ thực tế nhưng theo Sở Công thương, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa coi trọng việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; kể cả các doanh nghiệp đặc thù, tiêu hao năng lượng sản xuất lớn như các doanh nghiệp ngành dệt may, cơ khí, sản xuất và chế biến lâm sản… Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa quan tâm đến kiểm toán năng lượng và ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng là do doanh nghiệp còn tư tưởng cho rằng lượng điện năng tiết kiệm được là không đáng kể so với chi phí đầu tư. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết được lợi ích của kiểm toán năng lượng, ngại thay đổi quy trình vận hành, đổi ca, đổi giờ làm việc… Có doanh nghiệp lo ngại khi ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ phải “khai báo” với đơn vị kiểm toán năng lượng về quy trình sản xuất, thông tin kỹ thuật công nghệ, lượng và chất nhiên liệu lộ “bí mật” kinh doanh... Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tài chính có hạn nên không đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị đồng bộ… Ông Trịnh Năng Lượng, Giám đốc Cty TNHH Năng Lượng, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) cho rằng, với kinh phí thấp nhất 50 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán năng lượng, sau kiểm toán lại phải đầu tư thêm một khoản kinh phí nữa để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng khiến các doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn, trong các làng nghề gặp khó khăn. Vì thế, mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến nhưng kiểm toán năng lượng và tiết kiệm năng lượng vẫn là “bài toán” khó đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để góp phần đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2013) của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ khó khăn để các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng./.
Bài và ảnh: Thành Trung