Là một trong ba trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện Hải Hậu, người dân có kinh nghiệm giao thương, buôn bán nên Thị trấn Cồn có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa thương mại, dịch vụ (TMDV) trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Xác định TMDV là thế mạnh để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, những năm qua, Đảng ủy, UBND Thị trấn Cồn đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích nhân dân tăng cường giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển đa dạng các ngành nghề dịch vụ; xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển TMDV và tín chấp cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất… Từ năm 2011 đến nay, thị trấn đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp chợ, làm mới và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông, xây dựng khu xử lý rác thải… với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật thuận lợi cho người dân sản xuất, kinh doanh và phát triển dịch vụ. Thị trấn còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính, mặt bằng và giữ vững an ninh trật tự để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; khuyến khích những hộ dân có nghề truyền thống, có vị trí gần mặt đường, gần chợ mở rộng các loại hình kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của 2 ngân hàng tại địa bàn đạt trên 40 tỷ đồng. Được khuyến khích phát triển TMDV, nhiều hộ đã đầu tư mở rộng quy mô và hình thức kinh doanh, tạo điều kiện thông thương hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương và các xã lân cận. Nhiều hộ làm nông nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi sang làm TMDV. Ngoài ra, nhiều hộ ở các địa phương lân cận cũng đăng ký tham gia kinh doanh tại thị trấn, góp phần đưa doanh thu từ TMDV của thị trấn ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Đến nay trên địa bàn thị trấn có gần 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh, 8 Cty TNHH, Cty CP sản xuất, kinh doanh tại chợ Cồn và dọc theo các trục đường chính của thị trấn. Trong đó, có hàng trăm cơ sở kinh doanh hàng công nghệ phẩm, tạp hóa, 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, 20 cơ sở dịch vụ ăn uống, 5 cơ sở kinh doanh vàng bạc, đồ trang sức, ngoại tệ... và nhiều dịch vụ thiết yếu khác phục vụ đời sống dân sinh. Tại chợ Cồn, thị trấn đã đầu tư nâng cấp đường giao thông khu vực xung quanh chợ; nâng cấp, xây mới các công trình phụ trợ như khu bãi gửi xe, khu trung chuyển hàng hóa, hệ thống cấp, thoát nước, tường bao, nhà vệ sinh... và tổ chức chợ khoa học, sắp xếp vị trí bày bán hàng hóa theo từng ngành hàng, vừa thuận tiện cho việc mua bán vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ đó, đã thu hút gần 500 hộ kinh doanh, với nhiều mặt hàng thiết yếu như hàng công nghệ phẩm, nông thủy sản, vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, thiết bị nội thất, hàng may mặc… phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thị trấn và 9 xã phía nam huyện. Cùng với việc khuyến khích TMDV phát triển, thị trấn còn định hướng cho nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương cung ứng cho thị trường. Hỗ trợ dạy nghề, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; khuyến khích thành lập hiệp hội, CLB nghề nghiệp và tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Năm 2013, doanh thu từ sản xuất CN-TTCN, TMDV của thị trấn ước đạt hơn 100 tỷ đồng, chiếm trên 65% tổng thu nhập của thị trấn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm hơn 2% so với năm 2012.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, sản xuất CN-TTCN, TMDV chiếm 85-90% tỷ trọng cơ cấu kinh tế, ngoài việc tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về mặt thủ tục vay vốn, khuyến khích nhân dân mở rộng sản xuất, tạo sản phẩm chủ lực thu hút giao lưu thương mại phát triển, Thị trấn Cồn tập trung tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về kinh doanh thương mại, vận động các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động. Chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên địa bàn để bảo vệ sản xuất, người tiêu dùng và thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Nguyễn Hương