Hiện nay trên địa bàn Thành phố Nam Định có trên 1.200 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 60.000 lao động. Đa số các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho công tác ATVSLĐ-PCCN, trang bị bảo hộ lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp đã giảm quy mô sản xuất và chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác ATVSLĐ-PCCN.
Hằng năm, thành phố và các phường, xã dành hàng trăm triệu đồng cho công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ATVSLĐ-PCCN đến các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động với các hình thức phong phú. Trong Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 năm 2014, thành phố đã căng, treo gần 500 pa-nô, áp phích, khẩu hiệu; phát gần 1.000 buổi phát thanh; tổ chức tuyên truyền miệng về chủ đề ATVSLĐ-PCCN đến người sử dụng lao động và người lao động. Qua đó, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ-PCCN của người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN thành phố đã thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và công tác ATVSLĐ-PCCN tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trọng điểm. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chủ động tuyên truyền cho người lao động về ATVSLĐ-PCCN; tổ chức rà soát, xây dựng, bổ sung quy trình ATVSLĐ, phương án PCCC; kiện toàn hội đồng bảo hộ lao động và củng cố mạng lưới ATLĐ. Đầu tư kinh phí cho công tác ATVSLĐ-PCCN: trang bị bảo hộ lao động cá nhân như quần áo, mũ, khẩu trang, kính và các thiết bị bảo hộ cho công nhân; tổ chức tập huấn công tác bảo hộ lao động, huấn luyện công tác ATLĐ và phương án PCCC. Nhiều cơ sở sản xuất đã mua sắm các loại máy móc hỗ trợ, giảm cường độ lao động cho công nhân, khuyến khích cán bộ, CNVCLĐ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe, tăng thu nhập, giảm thiểu tai nạn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Một số đơn vị đã tổ chức hội nghị để người sử dụng lao động và người lao động ký cam kết thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN; tiến hành tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động và công tác ATLĐ, qua đó phát hiện và khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tổ chức đi thăm, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, phát hiện và điều trị cho người bị bệnh nghề nghiệp…
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh) kiểm tra các phương tiện chữa cháy tại Cty CP Vận tải và thương mại Nam Sơn, CCN An Xá (TP Nam Định). |
Các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN như: Cty TNHH Thương mại Phúc Thái, Cty TNHH Thanh Ngân, Cty CP Vận tải và thương mại Nam Sơn, Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Cty Dịch vụ kinh doanh và quản lý chợ Nam Định… Cty CP Vận tải và thương mại Nam Sơn (CCN An Xá) sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: vận tải, khách sạn, trạm dừng nghỉ, kinh doanh xăng dầu. Hiện Cty có 45 lao động. Để đảm bảo an toàn PCCN, Cty xây dựng 2 bể chứa nước với tổng dung tích 38m3, bể cát 40m3, bình chữa cháy và các phương tiện, thiết bị PCCC… Người lao động được cung cấp đầy đủ các dụng cụ thiết bị bảo hộ lao động; được học tập các quy định về ATVSLĐ, nhất là PCCN và được huấn luyện kỹ năng, phương án PCCC nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động và tài sản của Cty. Cty TNHH Thanh Ngân (CCN An Xá) chuyên sản xuất bao bì PE thành lập năm 2007. Để đảm bảo an toàn cho người lao động, ngay từ khi đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất, Cty đã đầu tư 150 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị, phương tiện bảo đảm ATVSLĐ-PCCN. Hằng năm đều đầu tư thêm khoảng 20 triệu đồng để bổ sung và tổ chức cho người lao động học tập các quy định về ATLĐ; huấn luyện các kỹ năng ATVSLĐ, phòng cháy và tập luyện phương án chữa cháy. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của người sử dụng lao động và người lao động, công tác ATVSLĐ-PCCN trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Nam Định trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại một số thiếu sót, hạn chế. Nhận thức về công tác ATVSLĐ-PCCN của đội ngũ cán bộ một số phường, xã và doanh nghiệp còn chưa đầy đủ, còn tư tưởng chủ quan, xem nhẹ công tác này, chưa phát huy vai trò cũng như hiệu lực, hiệu quả trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, chặt chẽ; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, còn mang tính hình thức. Một số doanh nghiệp còn khoán trắng trách nhiệm thực hiện ATVSLĐ cho người lao động; trang thiết bị bảo hộ lao động, PCCC còn thiếu, chưa được đầu tư đúng mức; hệ thống nội quy, biển báo về ATLĐ và PCCC chưa đúng quy định. Người lao động ở một số doanh nghiệp chưa được tập huấn đầy đủ về kỹ năng ATVSLĐ-PCCN. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động… Để tiếp tục đẩy mạnh công tác ATVSLĐ-PCCN, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN thành phố tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ-PCCN đối với sự an toàn, sức khỏe, tính mạng người lao động và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp; tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện ATVSLĐ của doanh nghiệp và người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chức năng quản lý Nhà nước của các phường, xã và các ngành chức năng trong công tác ATVSLĐ-PCCN. Thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ-PCCN cho người sử dụng lao động và người lao động; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về ATVSLĐ-PCCN./.
Bài và ảnh: Minh Tân