Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 75 nghìn ha lúa. Do ảnh hưởng của các đợt mưa rét kéo dài từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3-2014, ở nhiều địa phương có diện tích lúa cấy và sạ bị chết lớn, nên bà con nông dân phải gieo cấy lại và dặm tỉa bổ sung. Tỷ lệ lúa lai vẫn được giữ khoảng 30% tổng diện tích gieo cấy, tập trung vào các giống: D.ưu 527, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, TH3-3, Nam Dương 99, CT16. Lúa thuần tập trung vào các giống: Bắc Thơm số 7, Nam Định 5, DQ11, nếp 87, nếp 97, Thiên Trường 750, QR2, RVT. Hiện các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa xuân.
Có mặt tại cánh đồng lúa của xã Xuân Ninh (Xuân Trường), chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thơm đang bón phân đợt 2 cho lúa. Trong câu chuyện với chị, chúng tôi được biết, vụ xuân này, gia đình chị cấy 5 sào lúa TBR1, do rét đậm kéo dài nên lúa phát triển chậm hơn năm trước. Khi thời tiết nắng ấm trở lại, chị tranh thủ ra đồng dặm tỉa lại những diện tích bị khuyết, bón thúc để lúa phát triển kịp thời, đẻ nhánh tập trung. Đồng chí Vũ Tuấn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: Ngay từ đầu vụ xuân, UBND huyện đã phân công cán bộ Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV huyện trực tiếp xuống các xã, thị trấn để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nông dân từ khâu gieo sạ, cấy lúa đến khâu chăm sóc, dặm tỉa, bảo vệ lúa xuân… Đối với những ruộng lúa có tỷ lệ chết thấp, huyện chỉ đạo cấy dặm ngay để đảm bảo mật độ, đồng thời thường xuyên giữ mức nước nông để lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Những diện tích lúa bị chết nhiều, không có khả năng phục hồi, huyện khuyến cáo nông dân dùng các giống ngắn ngày để gieo bổ sung hoặc chuyển sang gieo sạ; tiến hành chăm sóc lúa tích cực bằng các biện pháp phù hợp đối với từng diện tích, đảm bảo hoàn thành bón thúc đợt 1 trước ngày 15-3-2014. Bằng các biện pháp chỉ đạo tích cực và sự chủ động của các HTX, xã viên, đến nay hầu hết diện tích lúa của huyện phát triển tốt.
Nông dân xã Nam Toàn (Nam Trực) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân. |
Để đảm bảo vụ xuân thắng lợi trong điều kiện thời tiết đầu vụ bất lợi, ngay khi thời tiết nắng ấm, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đã ra đồng tập trung tỉa dặm, bón phân, chăm sóc cho các cây trồng phục hồi, sinh trưởng, phát triển tốt. Tranh thủ thời gian, lách thời tiết, các hộ nông dân đã tập trung bón thúc đợt 1. Cùng với việc bón thúc, bà con nông dân kết hợp với làm cỏ sục bùn, phá váng để tiêu diệt cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng của cây lúa, giúp giải phóng khí độc tích tụ trong đất, cung cấp oxy giúp lúa phát triển tốt bộ rễ cũng như tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tránh hiện tượng mất dinh dưỡng do rửa trôi và bay hơi. Thời tiết diễn biến thuận lợi dần nên lúa xuân phát triển nhanh. Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác điều tiết nước trong thời kỳ lúa đẻ nhánh và giúp các địa phương chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Đến nay, toàn tỉnh có 85% diện tích lúa tốt, đẻ đủ số dảnh theo yêu cầu. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 12% diện tích lúa xấu, đẻ nhánh kém và nhiều diện tích đang có biểu hiện thừa đạm (lá dài, có màu xanh lướt). Để tăng độ đồng đều và sức chống chịu của cây lúa, khắc phục tác hại của tình trạng thừa đạm, hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, các địa phương đang tiến hành kiểm tra, đánh giá và phân loại các trà lúa để có biện pháp chỉ đạo chăm sóc bổ sung phù hợp. Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương hoàn thành bón phân ka-li cho lúa, đảm bảo tổng lượng phân ka-li đạt 5-6 kg/sào. Sở NN và PTNT khuyến cáo nông dân bón vá, bón bổ sung phân đạm và ka-li cho những diện tích lúa còn xấu với lượng bón 2kg đạm urê và 2-3kg ka-li cho mỗi sào. Ngừng bón đạm cho những diện tích lúa tốt và tuyệt đối không bón thêm phân đạm cho những diện tích đang bị nhiễm đạo ôn. Vụ xuân năm nay, bà Đới Thị Nhung, xã viên HTXDVNN Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực) gieo sạ 3 sào lúa Bắc Thơm số 7. Nhờ có kinh nghiệm gieo sạ nên gia đình bà đã chủ động giữ mực nước nông để chống rét cho lúa. Ngay sau khi lúa bén rễ hồi xanh, bà đưa nước vào láng mặt ruộng, kết hợp bón 3kg đạm urê/sào và dặm tỉa đảm bảo 100-120 khóm/m2. Hiện, giàn lúa của gia đình bà phát triển đồng đều, đẻ nhánh khỏe. Từ ngày 15-4-2014, các địa phương trong tỉnh bắt đầu rút nước lộ ruộng cho những diện tích lúa tốt; thời gian lộ ruộng liên tục từ 10-12 ngày (không áp dụng cho những diện tích lúa còn xấu và những diện tích lúa vùng ven biển bị nhiễm chua, mặn).
Trong thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tốt công tác kiểm tra, dự tính, dự báo sâu bệnh trên các trà lúa xuân; hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt chú trọng kiểm tra, phòng trừ các bệnh: đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ và rầy lứa 2; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thị trường kinh doanh cung ứng thuốc BVTV, chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh thuốc BVTV cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng những loại thuốc theo đúng quy định và hướng dẫn của Chi cục BVTV tỉnh để giành năng suất cao trong vụ xuân năm nay./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh