Tạo điều kiện để nông dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất nông nghiệp

08:04, 18/04/2014

Qua hơn ba năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần của Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, dư nợ cho vay tính đến thời điểm hiện tại trong toàn tỉnh đạt khoảng 12 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ tín dụng; tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình hằng năm đạt trên 20%, luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn. Nguồn vốn cho vay được giải ngân đến hàng trăm nghìn hộ nông dân đã tạo điều kiện để các gia đình có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh xã hội...

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu về vốn của người dân nông thôn còn rất lớn thì khả năng đáp ứng từ phía các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ý kiến của nhiều nông dân, không dễ để vay được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Ông Trần Văn Kề, một nông dân ở đội 10, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) cho biết: “Để có vốn thực hiện dự án nuôi cá, tôi phải thế chấp quyền sử dụng đất tại một ngân hàng. Sau đó, khi tôi tiếp tục có nhu cầu vay vốn cho người con trai đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc thì các ngân hàng đều không cho vay”. Để được vay tín chấp, theo quy định tại Nghị định 41, tổ chức tín dụng có thể xem xét cho vay tín chấp đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình trên cơ sở có sự đảm bảo của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Mặt khác, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị định 41 của Chính phủ nhưng nếu xét theo mức dư nợ tín chấp khoảng 2.800 tỷ đồng thì mới chiếm khoảng 23% tổng dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, đang có khoảng 47 nghìn hộ vay thông qua tổ vay vốn do Hội Nông dân tỉnh tín chấp, mức vay tín chấp bình quân đạt gần 60 triệu đồng/hộ không hơn nhiều so với mức Ngân hàng CSXH cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách. Nguồn vốn Ngân hàng CSXH cho vay đối với các hộ nông dân trên địa bàn nông thôn chiếm thị phần khoảng 17%, với dư nợ khoảng 2 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đối tượng khách hàng lại là những hộ gặp khó khăn trong cuộc sống. Do vậy, những hộ nông dân không thuộc diện này (chiếm một tỷ lệ cao) khó có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp và không cần tài sản thế chấp từ phía Ngân hàng CSXH. Mặt khác, theo quy định khách hàng được vay không có tài sản đảm bảo phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tại một tổ chức tín dụng nên nỗi lo tay trắng luôn đeo bám người nông dân bởi rủi ro trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp là không nhỏ. Về phía các ngân hàng, xét ở góc độ kinh doanh thuần túy bất kể là khách hàng nào, muốn tiếp cận được nguồn vốn thì phải chứng minh được khả năng trả nợ, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả... Vì vậy, không phải ngân hàng e ngại cho vay đối với tất cả các khách hàng nói chung và người nông dân nói riêng mà đây là nguyên tắc phải thực hiện để đảm bảo tính an toàn của nguồn vốn. Đồng chí Phạm Huy Cận, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT tỉnh cho biết: “Đối với khách hàng là người nông dân, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng họ rất có ý thức trả nợ, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nợ quá hạn là những rủi ro khách quan như thiên tai, dịch bệnh … Bảo hiểm nông nghiệp mới được triển khai thí điểm không thu hút được người dân tham gia vì chưa thực sự là “công cụ” phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và các tổ chức tín dụng”.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Ngày 17-3-2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 08/2014/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp, nông thôn với mức trần lãi suất là 8%/năm, mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Trước đó, ngày 1-1-2014 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp có hiệu lực, là cơ hội lớn cho người nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Để nông dân tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, các tổ chức tín dụng cần xem xét đa dạng hóa các món vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay; việc cho vay cần linh động phù hợp với điều kiện sản xuất như theo mùa vụ, cho vay theo hạn mức tín dụng, nâng mức cho vay… Tăng cường thẩm định và cho vay những món vay nhỏ lẻ để tạo điều kiện cho nông dân có khoản vay, giải quyết đời sống trong lúc khó khăn. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn vốn cho vay, bảo đảm đúng đối tượng và đúng mục đích, hạn chế thất thoát, lãng phí, góp phần hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thu mua nông sản, từ đó tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đồng thời có cơ chế giảm nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay đối với các hộ, cá nhân, tổ chức có phương án sản xuất, kinh doanh tốt nhưng gặp rủi ro khách quan. Cho vay trung hạn và dài hạn với những lĩnh vực sản xuất phải đầu tư ban đầu lớn. Các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để tăng cường triển khai công tác tín chấp cho nông dân vay vốn, nâng mức vay không phải thế chấp tài sản; phối hợp với ngân hàng để tổ chức tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn; chú trọng thu hút, tập hợp thêm thành viên vào tổ vay vốn, gắn nội dung sinh hoạt của tổ với hoạt động của Hội, nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ đối với người nông dân về KHKT, khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp. Các sở, ban, ngành cần nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chú trọng các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh để đưa ra các mô hình sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng yên tâm đầu tư vốn./.

Quang Lộc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com