Phát huy vai trò của HTX trong chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất

07:04, 19/04/2014

Đóng vai trò là cầu nối giữa xã viên, bà con nông dân với Nhà nước, các doanh nghiệp, ngoài việc đảm nhiệm tốt các khâu dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, các HTX đã tập trung tổ chức hoạt động khuyến nông, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Cán bộ HTXDVNN Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) hướng dẫn xã viên sử dụng thuốc BVTV.
Cán bộ HTXDVNN Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) hướng dẫn xã viên sử dụng thuốc BVTV.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển giao KHKT mới vào sản xuất, các HTXDVNN, HTX diêm nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, Trạm Khuyến nông huyện, doanh nghiệp nghiên cứu, đánh giá đặc điểm thổ nhưỡng, trình độ thâm canh, tập quán canh tác của nông dân và các yếu tố thị trường liên quan, lựa chọn những tiến bộ KHKT phù hợp nhất để chuyển giao cho xã viên áp dụng vào sản xuất thông qua các hình thức tổ chức hội thảo, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn. Trung bình mỗi năm, các HTX trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khoảng 600 lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT cho xã viên. Từ năm 2013 đến nay, các HTX đã tổ chức trên 700 lớp tập huấn phổ biến quy trình kỹ thuật sản xuất cho bà con xã viên như: Sử dụng máy cấy với công nghệ mạ khay, mạ nền cứng; quy trình gieo lúa bằng công cụ sạ hàng; gieo trồng cây cải dầu, đỗ tương, bí xanh vụ đông; sử dụng các loại phân bón đa dinh dưỡng mới như DAP Đình Vũ, NPK Lào Cai, Lactofol; chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái, chăn nuôi an toàn sinh học; tập huấn nuôi cá hồng Mỹ, nuôi cá sủ đất… cho trên 55 nghìn lượt xã viên. Các HTX cũng đã xây dựng gần 400 mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất. Ở từng địa phương, các HTX xây dựng những mô hình trình diễn theo thế mạnh như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP, nhân giống cá hồng Mỹ, cá sủ đất, quy trình cải tạo ao, đầm trong nuôi thủy sản ở huyện Giao Thủy; ở huyện Hải Hậu với các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp cho năng suất cao, nuôi cá lăng chấm, trồng khoai tây đông trên đất 2 lúa bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rạ; ở huyện Nghĩa Hưng với mô hình trồng đậu tương, bí xanh, bí ngô đông trên đất 2 lúa bằng phương pháp làm đất tối thiểu; ở các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên và Thành phố Nam Định với các mô hình khảo nghiệm trình diễn giống lúa mới giống TBR25, DQ11, mô hình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa (tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế và giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV), trồng hoa ly, hoa tuylip, phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái, chăn nuôi an toàn sinh học; công nghệ chuồng kín, sử dụng máng ăn tự động, xử lý chất thải bằng công nghệ bi-ô-ga và đưa nhiều con giống đặc sản vào chăn nuôi như tắc kè, cá sấu, hươu... Qua các buổi tập huấn, hội thảo và các mô hình trình diễn kỹ thuật, khảo nghiệm, đã nâng cao nhận thức, trình độ canh tác của xã viên. Trong công tác BVTV, các HTXDVNN đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện chăm bón đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thời điểm, đúng kỹ thuật, đúng thuốc, đúng liều lượng) vừa bảo đảm cây trồng phát triển tốt, vừa hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giảm công lao động và góp phần bảo vệ sự cân bằng của môi trường, sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng. Tại huyện Hải Hậu, sau khi áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong chăm bón lúa, từ năm 2010 đến 2013 ước tính đã giảm 6,5 tấn thuốc BVTV. Đối với người chăn nuôi, các HTX vận động xã viên chăn nuôi tập trung, áp dụng quy trình an toàn dịch bệnh, sử dụng đệm lót sinh thái đảm bảo cho đàn vật nuôi phát triển tốt, tiết kiệm chi phí thuốc thú y và công chăm sóc tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Điển hình trong việc chuyển giao và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất là các HTXDVNN Hải Đường, Hải Tây, Hải Tân (Hải Hậu); Minh Tân, Trung Thành (Vụ Bản); Thị trấn Quỹ Nhất, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng); Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Nam Thái (Nam Trực); Yên Đồng, Yên Cường, Yên Phú (Ý Yên)... Tại xã Hải Tân (Hải Hậu), HTXDVNN đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa, cây màu vụ đông, sử dụng phân bón, thuốc BVTV và chăn nuôi cho nông dân. Trong giai đoạn 2011-2013, ngoài việc hướng dẫn xã viên áp dụng những quy trình thâm canh, sử dụng thuốc BVTV theo kế hoạch, được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông Việt Nam (Viện KHCN Việt Nam), HTXDVNN Hải Tân đã thực hiện thành công 3 đề án lớn phục vụ sản xuất là: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, nhân giống cây cải dầu trên đất 2 lúa. Xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích 60ha và đưa giống lúa chất lượng cao ĐS1 vào gieo cấy trên diện tích 10ha làm nguyên liệu xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Những mô hình này đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Hải Tân, đạt giá trị kinh tế cao. Đồng chí Trần Hoài Anh, Chủ nhiệm HTX cho biết: "Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, Ban quản trị HTX còn phải làm tốt việc lựa chọn mô hình, kỹ thuật chuyển giao phù hợp với điều kiện canh tác, thực hiện tốt các khâu như tổ chức sản xuất, đảm bảo chất lượng nông sản, tìm kiếm nguồn tiêu thụ nông sản ổn định để xã viên yên tâm áp dụng”. Cùng với việc hỗ trợ nông dân chuyển giao KHKT vào sản xuất, trong năm 2013, mô hình HTX KHCN do Đoàn Thanh niên huyện Xuân Trường thành lập đã tạo ra bước phát triển mới trong công tác chuyển giao, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KHKT cho xã viên. Với mục tiêu khép kín quy trình ứng tiến bộ KHKT vào sản xuất từ khâu chế tạo đến vận hành thực tế, HTX có nhiệm vụ tìm hiểu thị trường, phát triển các ý tưởng sáng tạo thành các đề tài thực tiễn để tổ chức tư vấn, cung cấp cho khách hàng theo dịch vụ thỏa thuận. Mô hình thu hút những thanh niên có chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học trên địa bàn huyện cùng góp vốn hoạt động. Đến nay, nhiều đề tài khoa học đã được các thành viên của HTX KHCN Xuân Trường thực hiện thành công như: Chế tạo máy đóng bịch nấm; chế tạo máy thu gom và băm rơm, rạ làm thức ăn chăn nuôi hoặc sử dụng chế phẩm sinh học ủ làm phân bón và chế tạo máy nghiền thức ăn chăn nuôi.

Để đảm nhiệm tốt vai trò chuyển giao tiến bộ KHKT nhằm tạo được đột phá trong phát triển sản xuất ở nông thôn, thời gian tới, các HTX cần có biện pháp khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ HTX, đồng thời tạo nguồn đầu tư tiềm lực con người, cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm điều kiện tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao giá trị lao động của xã viên./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com