Nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình HTX

08:04, 11/04/2014

Trong quá trình chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các ngành chức năng, các HTX trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, từng bước thích ứng với cơ chế mới, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện tại, cả 305 HTXDVNN trong tỉnh đều tổ chức được các dịch vụ then chốt như: tưới tiêu nước, bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông. Nhiều HTX đã tổ chức các dịch vụ sản xuất mới trên cánh đồng mẫu lớn và tiếp tục nâng cao chất lượng, quy mô các dịch vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ phát triển ngành nghề, dịch vụ cung ứng nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường, bảo quản giống bằng kho lạnh, tín dụng nội bộ, trồng hoa, cây cảnh. Điển hình như HTXDVNN Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), ngoài các dịch vụ thỏa thuận và bắt buộc phục vụ sản xuất nông nghiệp, HTX còn tổ chức được một số dịch vụ ngành nghề như sản xuất hương thơm, nghề đan chiếu cói xuất khẩu. HTX liên kết với Cơ sở chiếu cói xuất khẩu Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) nhận bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Đến nay, 2 tổ dịch vụ này đã thu hút và tạo việc làm cho trên 60 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/người/tháng. Các HTX CN-TTCN, thương mại và dịch vụ đã góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển các làng nghề, nhất là các nghề dệt, may, mộc, thủ công mỹ nghệ, tham gia giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Vốn quỹ trong nhiều HTX được cải thiện đáng kể thông qua huy động vốn từ xã viên, liên doanh liên kết sản xuất, tích lũy từ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên do vốn quỹ hạn chế, khó khăn trong tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để vay vốn nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất của các HTX còn rất khó khăn. Trong lĩnh vực GTVT hiện nay có 12 HTX đang hoạt động. Điển hình là HTX vận tải đường bộ Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đã không ngừng tăng số đầu xe, mở rộng số tuyến vận tải tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Hiện nay, HTX có 70 đầu xe từ 29 đến 51 chỗ ngồi, chạy ở 27 tuyến cố định tới các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Mặc dù giá xăng, dầu có nhiều biến động nhưng các HTX đã giữ nguyên mức giá theo quy định, đồng thời gia tăng nhiều tuyến đường mới, mở rộng địa bàn phục vụ, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các đầu xe. HTX hỗ trợ xã viên về thủ tục hành chính, thực hiện vai trò quản lý phổ biến các chính sách mới của Nhà nước về HTX vận tải đường bộ cho xã viên và người lao động nắm được để thực hiện, đồng thời giải quyết kịp thời vướng mắc của xã viên, tạo sự đoàn kết gắn bó trong nội bộ HTX. Lực lượng, phương tiện của các HTX vận tải hành khách đã đảm bảo hoạt động vận tải khách trên 103 tuyến trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu giao lưu, đi lại của người dân.

Tuy nhiên, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm; trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ còn yếu; đa số HTX chưa có chiến lược lâu dài và phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chưa vận hành tích cực theo cơ chế thị trường. Việc mở rộng thêm các ngành nghề dịch vụ mới như: chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được HTX chú trọng; các mô hình HTX điển hình chậm được nhân rộng... Tình trạng các HTX thiếu vốn, hạn chế về năng lực tổ chức các hoạt động dịch vụ và sản xuất nên chưa thể cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Hầu hết trụ sở các HTX phi nông nghiệp đặt tại nhà của thành viên Ban quản trị HTX. Các HTX chưa thực hiện việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hoặc có những kế hoạch chưa phù hợp. Do lợi nhuận tích lũy thấp nên các chế độ phục vụ, lợi ích mang lại cho xã viên chưa được nhiều nên kém hấp dẫn. Đội ngũ cán bộ HTX có xu hướng tăng dần về độ tuổi bình quân, hạn chế về năng lực trình độ; không ít cán bộ HTX nông nghiệp còn trong độ tuổi làm việc cầm chừng theo sự phân công của cấp ủy địa phương, tư tưởng trông chờ để được điều chuyển sang làm việc khác. Quá trình chuyển đổi HTX chưa thực hiện việc xã viên góp vốn điều lệ, dẫn đến HTX hoạt động còn thụ động, đơn điệu, chỉ điều hành được một số dịch vụ thiết yếu trên đồng ruộng; không ít Ban quản trị HTXDVNN chưa theo kịp với sự thay đổi và phát triển của thị trường. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX chưa được triển khai đầy đủ, kịp thời, chính sách đối với cán bộ quản lý HTX chưa được quan tâm đáp ứng nên cán bộ HTX chưa yên tâm làm việc.

Để phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác theo hướng mở rộng quy mô, đa dạng hình thức, trong đó lấy HTX làm nòng cốt; tập trung phát triển sản xuất, nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tập thể trong quá trình hội nhập..., các cấp, các ngành cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ về: thuế, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế địa phương. Các ngành chức năng, các địa phương cần tham mưu chính sách, cơ chế hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể mới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, miễn giảm thuế cho HTX...

Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com