Nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xây dựng NTM, Huyện uỷ Hải Hậu đã ban hành Quyết định số 37/QĐ-HU ngày 22-11-2010 về xây dựng và phát triển làng nghề. Mục tiêu đề ra là phấn đấu đến năm 2015, mỗi xã, thị trấn trong huyện có ít nhất một làng nghề, mỗi làng nghề có một loại sản phẩm đặc trưng, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương.
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại làng nghề Bình Minh, xã Hải Minh. |
Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương xây dựng kế hoạch, lộ trình; phối hợp với Trung tâm Khuyến công quốc gia khu vực I (Bộ Công thương), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề cho người lao động. Phòng TN và MT huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề thủ tục thuê, chuyển nhượng mặt bằng, các biện pháp bảo vệ môi trường. Phòng Tài chính và các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH huyện tham mưu với UBND huyện cơ chế hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng làng nghề, phát triển nghề mới theo quy định của Nhà nước, tạo điều kiện cho các cơ sở, hộ sản xuất trong các làng nghề được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Phòng Công thương huyện hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn địa điểm, ngành nghề, vùng nguyên liệu, thị trường; phân công cán bộ phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương theo hướng quy hoạch xây dựng NTM. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay trên địa bàn huyện có 37 làng nghề được UBND tỉnh và huyện ra quyết định công nhận. Trong đó, năm 2011 có 18 làng nghề; năm 2012 có 9 làng nghề, năm 2013 có 10 làng nghề được UBND huyện công nhận đủ các tiêu chí làng nghề theo quy định của Bộ NN và PTNT. Với các ngành nghề chủ yếu là: sinh vật cảnh, sản xuất mộc mỹ nghệ, dệt chiếu, sản xuất bánh kẹo, dệt lưới cước và kéo sợi PE, các làng nghề của huyện đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 10 nghìn lao động nông thôn. Nhiều lao động có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm đã trở thành “hạt nhân” tích cực trong việc truyền nghề, đào tạo và nhân cấy nghề mới ở các địa phương. Trong 3 năm qua, huyện Hải Hậu đã xét duyệt và quyết định công nhận 22 nghệ nhân làng nghề tiêu biểu. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình phát triển làng nghề giai đoạn 2011-2015 của huyện Hải Hậu đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở các địa phương. Quỹ đất đã được quy hoạch gọn theo vùng sản xuất tập trung; hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đã được cải thiện và nâng cấp để phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa của các làng nghề. Từ chương trình phát triển làng nghề, đến nay, toàn huyện có 31/35 xã xây dựng NTM có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm trên 15% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Cơ cấu các ngành kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch tích cực: Năm 2013, tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản còn 31,1% (giảm 4%); ngành công nghiệp, xây dựng đạt 38,3% (tăng 2,2%); ngành dịch vụ, thương mại, du lịch đạt 30,6% (tăng 1,6%)... so với năm 2012.
Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện chương trình phát triển làng nghề giai đoạn 2011-2015, huyện Hải Hậu vẫn còn một số khó khăn: Nhiều sản phẩm của các làng nghề có giá trị hàng hoá thấp, sức cạnh tranh chưa cao, chưa xây dựng được nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Các làng nghề dệt chiếu, sinh vật cảnh gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Những năm trước, làng nghề dệt chiếu An Đạo, xã Hải An có trên 40ha trồng cói nguyên liệu để cung ứng cho hàng trăm dàn dệt chiếu thì đến nay chỉ còn khoảng 10 mẫu và hơn 100 dàn dệt chiếu. Đặc biệt, nhiều làng nghề sinh vật cảnh của huyện chưa tạo được kênh tiêu thụ ổn định nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vai trò của các ban điều hành hoạt động làng nghề tại các địa phương chưa được phát huy, công tác phối hợp của ban điều hành với cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thống nhất, các hoạt động còn đơn điệu và không đổi mới nên hiệu quả tác động thúc đẩy phát triển sản xuất tại các làng nghề còn thấp. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, công nghệ sản xuất chưa đồng bộ, hiện đại nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề chưa cao. Trình độ tay nghề của người lao động, trình độ quản lý của chủ cơ sở sản xuất còn thấp, chủ yếu phát triển nghề theo phương thức cha truyền con nối dẫn đến sự kết hợp giữa kinh nghiệm với ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất còn hạn chế; tính sáng tạo, đổi mới trong sản xuất chưa cao. Các hộ, HTX và doanh nghiệp trong làng nghề còn gặp trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên khó khăn trong vốn đầu tư phát triển. Chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá về làng nghề, ngành nghề nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự liên kết bền vững giữa các cơ sở, các làng nghề... Để duy trì, khai thác tối đa tiềm năng của các làng nghề theo hướng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, huyện Hải Hậu cần có các giải pháp hữu hiệu giúp các làng nghề tháo gỡ khó khăn./.
Bài và ảnh: Thành Trung