Gánh những mùa tháng 4

08:04, 18/04/2014

Hằng năm, vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, bông loa kèn được hưởng chút dư vị ấm nắng của trời đất sau dằng dặc rét mướt của đông, bung nở sắc trắng rực rỡ khắp phố phường. Len lỏi ngõ phố, bông kèn khoe sắc tinh khôi, đẹp đến… nao lòng. Khi tháng 4 vừa kết thúc, người trồng hoa cẩn thận gom góp những củ kèn, đợi trồng mùa sau. Với họ, bông kèn trắng điểm những nhụy vàng mượt như nhung rũ ngang đám lá xanh mướt mát đang trở thành… một lợi ích kinh tế.

Trồng kèn… đơn giản

Vụ kèn năm nay, anh Đoàn Xuân Thiện, xóm Mỹ Tiến 2, xã  Nam Phong (TP Nam Định) trồng 4 sào kèn, ít hơn năm ngoái 1 sào. Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, anh “dẫn đầu xu hướng” ở Nam Phong, ngoài trồng kèn ta, trồng thêm hai loại… kèn tây là kèn Hà Lan và kèn Tàu. Có kinh nghiệm trồng kèn hơn chục năm, anh cho biết, kèn là loại hoa đơn giản, dễ trồng, ít sâu bệnh và không tốn quá nhiều công chăm sóc. Để kèn nở đúng mùa vụ, bông to, cành mập, người trồng cần hiểu rõ đặc tính của các loại kèn. Anh Thiện liệt kê cách ươm giống cho từng loại: “Tháng 9 hằng năm, người trồng kèn ta bắt đầu “lôi” những củ kèn từ vụ trước để trong góc vườn, góc nhà râm mát trồng xuống đất. Sau những ngày ủ thu, ủ đông, củ kèn bật dậy và cho hoa vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4. Tháng 6, những cây kèn chỉ còn… củ, người ta lại đào lên lần nữa để giành ươm giống. Đối với giống kèn Tàu, quy trình bao gồm, tháng 11 đào củ, tháng Giêng thì đem trồng, tháng 4 cho thu hoạch, tháng 6 đào củ, xử lý củ thêm 1 tháng nữa thì trồng, tháng 10 tiếp tục thu hoạch vụ kèn thứ 2 trong năm. Quy trình này cũng được áp dụng cho “công nghệ” trồng kèn Hà Lan”. Do có “vòng đời” tương đối khác nhau nên đặc điểm của từng loại kèn cũng khác nhau. Theo anh Thiện, kèn ta khi nở bông thường nhỏ hơn, cụp xuống gần với lá. Kèn Tàu và đặc biệt là kèn Hà Lan, lúc nở, bông vươn cao gần giống bông hoa ly, nụ hoa to gấp đôi kèn ta. Kèn ta có thể chịu được rét, kèn Tàu thì ngược lại, thích hợp với thời tiết ấm nóng. Trong khoảng thời gian từ khi ươm củ, kèn ta thường phát triển chậm hơn các loại kèn tây. Tuy vậy, kèn ta không đòi hỏi chế độ chăm sóc cầu kỳ như kèn tây. Anh Thiện chia sẻ thêm: “Trồng kèn tây cũng như nuôi… gà công nghiệp. Gà mau lớn thì đương nhiên cũng gặp nhiều dịch bệnh, chế độ cho ăn phải kỹ càng hơn. Do đó quy trình bón phân, làm cỏ cho kèn tây sẽ “kỹ” hơn kèn ta. Tuy nhiên, do kèn ta thường chậm lớn nên cỏ cũng nhanh mọc hơn, dễ lấn át ruộng kèn. Vì thế, khi trồng kèn ta phải chú ý làm cỏ cho hoa liên tục. Để trồng kèn đạt năng suất tốt nhất, cũng theo anh Thiện, nên trồng với mật độ 30 cây/m2”.

Hoa loa kèn theo chân những người bán rong len lỏi mọi ngõ ngách trong thành phố.
Hoa loa kèn theo chân những người bán rong len lỏi mọi ngõ ngách trong thành phố.

Tuy có một số đặc điểm khác biệt nhưng về cơ bản trồng kèn... không khó so với nhiều loại hoa khác. Sau khi làm đất, người trồng hoa dùng phân NPK hoặc phân gà ủ mục để bón. Khi cây hoa cao khoảng 25-30 phân thì dùng phân đạm “thúc” một lần nữa. Trong quá trình cây hoa phát triển cần chú ý phun thuốc định kỳ chống nấm, chống sâu… “So với các loại hoa cúc, hoa hồng được trồng phổ biến, hoa kèn tương đối… dễ tính và có sức kháng sâu bệnh tốt hơn. Chính vì thế, chúng tôi ít phải phun thuốc trừ sâu cho hoa. Điều này có lợi cho sức khỏe con người khi ít phải tiếp xúc với các chất độc hại, giữ cho đất trồng đỡ nhiễm độc”, anh Thiện chia sẻ.

Trên những cánh đồng trồng hoa kèn hiện nay, người nông dân có nhiều cách để “kích” hoa nở sớm. Để hoa kèn nở nhanh, phục vụ nhu cầu chơi hoa, dân trồng hoa có thể lắp thêm hệ thống bóng điện kích hoa nở rộ. Họ cũng thận trọng nghiên cứu quy trình trồng củ kèn sớm hoặc chậm lại so với thời điểm “truyền thống” nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hoa nở. Vài năm trở lại đây, do những ứng dụng KHKT, phương pháp trồng, chăm sóc kèn… hiệu quả của những nhà vườn trong tỉnh, dân chơi hoa kèn có thể mua được loại hoa này quanh năm, thay vì chỉ bắt gặp kèn vào những dịp tháng 3, tháng 4.

Hoa kèn, giá trị kinh tế

Vườn kèn ta 1 sào của gia đình ông Nguyễn Hữu Nam, xóm Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) hiện đã bán khoảng vài nghìn bông. Trước khi chúng tôi đến, ông Nam vừa xuất 1.000 bông. Bắt đầu chớm nở lác đác từ cuối tháng ba, rộ lên trong nửa tháng 4, ông Nam ước tính, 1 sào kèn của gia đình năm nay cho khoảng 1 vạn bông. Ông Nam nhẩm tính, lấy cất tại vườn, “đếm bông tính tiền” bình quân 1.000 đồng/bông, sau khi trừ mọi chi phí, sào hoa của ông sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng. “Như vậy là hoa kèn cho giá trị kinh tế tương đối khá so với các loại hoa khác. Chân mỗi luống kèn, tôi còn cấy thêm các loại rau sạch như xà lách, rau muống… để bán và phục vụ nhu cầu ăn hằng ngày cho gia đình. Đó cũng là cách để chúng tôi hạn chế cỏ dại mọc. Ngoài bán phần “ngọn”, tôi còn bán được cả phần củ giống. Giá mỗi cân củ kèn trong vườn nhà tôi đã được đặt từ bây giờ với giá 35-40 nghìn đồng”, ông Nam cho biết. 

4 sào kèn Tàu của anh Thiện hiện đã ra những nụ đầu mùa. Vì kèn Tàu thích hợp với thời tiết ấm nóng và để “tránh” vụ kèn ta, anh Thiện tính thời điểm trồng để cho hoa nở muộn hơn. Những năm trở lại đây, khi mà giá kèn tương đối ổn định, trên diện tích đất trồng kèn anh thường thu về khoảng 100 triệu đồng/năm “giá kèn Tàu cao gấp đôi kèn ta, năm ngoái thương lái vào tận vườn tôi lấy cất, giá 20.000 đồng/chục. Tính ra, với 5 sào kèn Tàu, tôi thu được 100 triệu đồng/vụ. Năm nay, giá bán không chênh lệch bao nhiêu, tuy nhiên do trồng ít hơn, tôi dự đoán được khoảng được 80 triệu đồng. Vụ kèn như vậy cũng là thắng lợi. Từ hoa kèn, tôi có thêm vốn để đầu tư “dài hơi” cho những dự định như trồng lan hồ điệp, bưởi Diễn đã ấp ủ từ lâu”…

Người trồng hoa yêu thích loa kèn bởi cây hoa này có nhiều ưu thế hơn so với nhiều cây hoa khác. Vì vậy, hiện nay diện tích trồng kèn tại nhiều vùng trong tỉnh ta đã được “nhân” lên tương đối. Theo anh Thiện, xã Nam Phong xóm nào cũng có nhà trồng hoa kèn, ít thì mỗi xóm 2 nhà, nhiều thì lên tới chục nhà. Hoa kèn được trồng nhiều hơn cả vẫn là vùng Hải Hậu. Vì hoa kèn có thời gian nở rất ngắn nên thị trường loa kèn hầu như… không phải lo. Cũng theo anh Thiện, hoa kèn ít phải bán đi đâu, chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh là chủ yếu. Vào đợt kèn nở rộ, “ưu ái” lắm cho những khách hàng quen, anh mới chuyển chút ít vào Thanh Hóa. Hoa nở đến đâu, thương lái trong tỉnh đã xuống “khuân” về đến đó. Hoặc là các bà, các mẹ, các cô, các chị… trong nhà, chiều chiều chất kèn lên xe thong dong vào phố. Đứng ở góc đường, góc chợ, những bông kèn vẫn hút được khách, trở thành loại hoa yêu thích được bày trang trọng tại phòng khách hay góc phòng.

Những năm 1984-1985, theo trí nhớ của anh Thiện, cả xã Nam Phong nhà nhà trồng hoa kèn. Hoa kèn thời điểm đó vô cùng được yêu thích, là mặt hàng xuất khẩu đi các nước Đông Âu và Liên Xô. Những người trồng kèn như anh Thiện bây giờ hiện cũng đang “nghiên cứu” thử nghiệm nhiều cách trồng kèn mới. Để nhân giống kèn Tàu với năng suất, chất lượng tốt hơn, anh thử nghiệm cách trồng bằng hạt: “Tôi đã đi Đà Lạt tham quan các mô hình trồng kèn, trong đó họ trồng thành công giống kèn Tàu bằng cách gieo hạt. Gieo hoa kèn bằng hạt, khi hoa nở bông to, cánh hoa đều nhau, đẹp tuyệt vời, tôi thích vô cùng. Sau vụ kèn này, tôi cũng thí điểm xem sao”, anh Thiện hào hứng chia sẻ.

Được coi như “biểu tượng của tháng 4”, mùa hoa loa kèn về làm bừng sáng những ruộng hoa, ngõ phố. Sắc trắng của hoa kèn có sức “nóng” làm “mát” bất cứ đôi mắt nào ngắm nhìn. Hoa kèn, vì vậy chinh phục mọi người chơi đủ các lứa tuổi. Những người có tuổi nhìn ngắm loại hoa này để cảm nhận một sự tinh khôi, mới mẻ nhưng cũng hết sức tĩnh lặng. Những người trẻ thì hồ hởi mỗi khi mùa hoa kèn về, vội vã kéo nhau xuống vườn hoa kèn “chụp ảnh kỷ niệm”. Người trồng kèn thì mong thời tiết thuận hòa, cây khỏe, nụ kèn to, giá cả ổn định… Cứ như vậy, mỗi mùa kèn mang theo một dư vị, âm vang riêng cho mỗi người. Cứ như vậy, hoa kèn… gánh những mùa tháng 4 rất riêng./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com