Điện lực Trực Ninh chung sức xây dựng NTM

08:04, 29/04/2014

Điện lực Trực Ninh được giao nhiệm vụ quản lý vận hành, kinh doanh điện năng trên địa bàn 21 xã, thị trấn, với tổng số gần 67.000 khách hàng là các hộ gia đình, các cơ quan, doanh nghiệp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện trên địa bàn huyện được tăng cường đầu tư với 3 trạm trung gian Cổ Lễ, Trực Nội, Trực Đại, tổng công suất 27.500kVA; 156 trạm biến áp phân phối, tổng công suất 40.345kVA; hơn 1.050km đường dây hạ thế, gần 260km đường dây trung thế cùng hàng trăm bộ tụ bù, chống sét van, máy cắt các loại phân bổ rải rác trên hệ thống phân phối điện.

Sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện tại xã Trung Đông.
Sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện tại xã Trung Đông.

Thực hiện chiến lược hiện đại hoá hệ thống điện bằng nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, những năm qua lưới điện trên địa bàn Trực Ninh liên tục được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng yêu cầu sử dụng ngày càng cao của các đối tượng khách hàng. Dự án đầu tư cải tạo tối thiểu lưới điện nông thôn thực hiện năm 2010 tại tất cả các xã, thị trấn ngay sau khi hoàn thành tiếp nhận toàn bộ hệ thống điện nông thôn từ các HTX dịch vụ. Ngành Điện đã tập trung thay mới toàn bộ công tơ điện đạt quy chuẩn về đo lường chất lượng và hòm hộp đựng công tơ đồng nhất; bổ sung, thay thế các tuyến dây và cột điện nứt vỡ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như thiết bị điện với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Dự án cải tạo lưới điện phân phối nông thôn (RD) tập trung thi công trong năm 2011 với kinh phí hơn 10 tỷ đồng, lắp đặt bổ sung 21 trạm biến áp phân phối tại các xóm, thôn nằm cách xa khu trung tâm xã, thị trấn. Dự án chống quá tải lưới điện nông thôn triển khai năm 2012 với mục tiêu nâng cấp lưới điện đầu nguồn tại 2 Thị trấn Cổ Lễ, Cát Thành và 7 xã: Trực Đạo, Trung Đông, Phương Định, Trực Nội, Trực Hưng, Trực Khang, Trực Thuận. Nhờ các dự án đầu tư, cải tạo trên, hệ thống lưới điện ở huyện Trực Ninh đã cơ bản khắc phục nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn trong vận hành như đứt dây, đổ cột, rơi sứ khi có dòng điện quá tải, hoặc mưa dông bất ngờ. Sau các gói đầu tư này, từ năm 2013, Điện lực Trực Ninh tiếp tục thực hiện các dự án nhằm hoàn thiện lưới điện nông thôn bảo đảm an toàn, vững chắc như hệ thống điện ở thành phố. Dự án DEP giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2013 bằng nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ, thi công tại 9 xã, thị trấn trong huyện, bao gồm thay mới toàn bộ các tuyến đường dây tải điện trục chính từ dây trần sang loại cáp vặn xoắn có vỏ bọc, đồng thời ken dày hệ thống cột điện hạ thế bảo đảm chiều cao an toàn. Dự án DEP giai đoạn 2 triển khai năm 2014 tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống điện tại 5 xã đang được ngành Điện giao tuyến để các đơn vị thi công theo tiến độ kế hoạch. Đối với 7 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 gồm: Trực Hùng, Trực Nội, Trực Đại, Trực Hưng, Trực Thanh, Trung Đông, Việt Hùng, ngành Điện đã có thêm các chính sách quản lý, đầu tư nhằm hỗ trợ cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết: Sau khi bàn giao hệ thống điện cho Điện lực Trực Ninh quản lý, hệ thống điện tại địa phương đã được quy hoạch lại kết hợp với mức đầu tư kinh phí lớn nên đang đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện dân dụng và sản xuất. Hiện tại, Việt Hùng có 10 trạm biến áp phân phối điện phân bổ đều tại 2 HTX Trực Bình, Trực Tĩnh. Hơn 200 cơ sở dùng điện 3 pha phục vụ sản xuất cơ khí, xay xát tại các xóm Bình Minh, Nam Cường, Đồng Tiến nay đã khá yên tâm vì điện áp luôn ổn định, không còn hiện tượng tụt áp xuống dưới 100V gây khó khăn cho vận hành động cơ như trước đây. Tại làng văn hoá Thái Lãng, xã Trực Nội, hệ thống cột điện công cộng được kéo thẳng hàng, cao vút dọc các tuyến đường bê tông tạo nên diện mạo không gian mới.

Trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM, hệ thống điện nằm trong tiêu chí thứ 4 với 2 nội dung lớn đó là hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành Điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trung bình từ 98% trở lên. Nhờ tích cực đầu tư, có trọng tâm đến nay tất cả các xã xây dựng NTM của huyện Trực Ninh đều đã đạt tiêu chí về điện với tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 99,51%. Quá trình điện khí hoá nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp khoảng gần 40% vào cơ cấu GDP qua việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa bàn huyện. Tuy nhiên, để kinh tế - xã hội ở Trực Ninh phát triển bền vững, cấp uỷ, chính quyền cơ sở cần làm tốt công tác quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá, CN-TTCN, dịch vụ theo các tiêu chí mà Chính phủ, UBND tỉnh quy định để ngành Điện chuẩn bị kinh phí đầu tư, xây dựng hệ thống điện hiện đại hơn trong tương lai, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu điện với chất lượng ổn định, an toàn trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com