Những năm gần đây, trên nền tảng phát triển của công nghiệp dệt - may, với lợi thế về nguồn lao động, ngành công nghiệp da giày của tỉnh đã có bước phát triển mới, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất CN-TTCN của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của nhiều địa phương.
Sản xuất các sản phẩm từ da nhân tạo tại Cty TNHH Yamani Dynasty, CCN Nam Hồng (Nam Trực). |
Năm 2010, Cty CP Xây dựng và Giày da Hồng Việt, CCN Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường) đã đầu tư 18 tỷ đồng phát triển cơ sở sản xuất mũ giày xuất khẩu; hơn 300 máy may công nghiệp và các loại máy chuyên dụng đều nhập khẩu từ Hàn Quốc. Đến nay, Cty đã hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với 9 dây chuyền may, cắt và in. Bình quân mỗi tháng, Cty sản xuất được trên 60 nghìn sản phẩm giày thể thao, xăng-đan, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động. Để chủ động về nhân lực theo kế hoạch sản xuất, năm 2012 Cty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp I (Bộ Công thương) tổ chức dạy nghề may mũ giày xuất khẩu cho hàng trăm lao động ở các xã, thị trấn trong huyện. Sau 3 tháng tổ chức dạy nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”, hầu hết người học nghề đã thuần thục những kỹ thuật khó như cắt, may, dán thân giày, mũ giày, bảo đảm tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu. Những lao động đạt yêu cầu về tay nghề đã được tuyển vào làm việc tại Cty với mức thu nhập 3,2-5 triệu đồng/người/tháng. Để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năm 2014, Cty tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền đúc đế giày từ hạt nhựa theo tiêu chuẩn và công nghệ Hàn Quốc. Dự kiến trong quý II-2014, dây chuyền sẽ hoàn thành đi vào hoạt động, Cty sẽ hoàn thiện toàn bộ sản phẩm da giày xuất khẩu. Qua nghiên cứu thị trường, Cty CP Cơ khí và Thương mại Nam Hà, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đã đầu tư lắp đặt dây chuyền, thiết bị gia công mũ giày xuất khẩu. Đến nay, Cty đã có 4 xưởng may mũ giày hoạt động ổn định, mỗi tháng sản xuất được từ 50-60 nghìn sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường: Đức, Pháp, Hồng Kông (Trung Quốc), tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động với mức thu nhập từ 3,2-3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các doanh nghiệp trong tỉnh, ngành công nghiệp da giày cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2011, Cty TNHH Yamani Dynasty của Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư 14 triệu USD xây dựng nhà máy với quy mô công suất hơn 950 nghìn sản phẩm/năm tại CCN Nam Hồng (Nam Trực). Sản phẩm gồm các loại: túi xách, ví, thắt lưng… xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Năm 2013, Cty TNHH Yamani Dynasty tiếp tục đầu tư 25 triệu USD để mở rộng thêm quy mô 4 xưởng sản xuất, với tổng diện tích gần 24 nghìn m2/79 nghìn m2 của dự án gồm 21 chuyền may và các bộ phận phục vụ, hoàn thiện. Năm 2013, Cty đã sản xuất được trên 1,3 triệu sản phẩm từ da nhân tạo, trong đó trên 60% sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, phần còn lại được xuất sang các nước EU, Nhật Bản, tạo việc làm cho 2.700 lao động. Năm 2014, Cty phấn đấu sản xuất được 2,6 triệu sản phẩm. Để chủ động nguồn lao động phục vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh, Cty thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề miễn phí và cam kết tuyển dụng sau khóa học với những người đạt yêu cầu tay nghề. Người lao động học nghề tại Cty được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng, khi được tuyển dụng sẽ có mức thu nhập từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ngoài các doanh nghiệp sản xuất, gia công các sản phẩm ngành da giày, hiện trên địa bàn Thành phố Nam Định còn có hàng trăm cơ sở, hộ cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm da giày phục vụ tiêu dùng nội địa. Năm 2012, Cty TNHH Thái Hòa (TP Nam Định) chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm da giày đã đầu tư hàng tỷ đồng mở cửa hàng kinh doanh sản phẩm. Ngoài các sản phẩm giày, dép tự sản xuất, Cty nhập nhiều loại sản phẩm của các cơ sở sản xuất ở Hà Nội, Hải Phòng… để cung ứng cho thị trường. Với hệ thống trên 100 đại lý trong tỉnh và trên 50 đại lý tại các tỉnh, thành phố trong nước, mỗi ngày Cty xuất ra thị trường từ 8-10 nghìn sản phẩm các loại.
Theo Sở Công thương, tỉnh ta có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất da giày. Các doanh nghiệp ngành da giày của tỉnh hiện đều ký được hợp đồng dài hạn, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Phát triển ngành công nghiệp da giày sẽ góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất toàn phần, hạn chế tỷ lệ gia công để tăng giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người lao động là vấn đề mà ngành chức năng và các doanh nghiệp cần quan tâm, tránh lãng phí các ưu đãi của tỉnh trong khuyến khích đầu tư, nhất là ưu đãi về đất đai, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung