Những làng hoa đón Tết

08:02, 03/02/2014

Những ngày giáp Tết, nhịp sống ở các làng hoa trong tỉnh như: Nam Mỹ, Nam Toàn (Nam Trực); Nam Vân, Nam Phong (TP Nam Định); Mỹ Tân (Mỹ Lộc); Hải Xuân, Hải Hưng (Hải Hậu); Yên Quang (Ý Yên)... trở nên sôi động. Trên những con đường làng tấp nập những chuyến xe ra vào bên các vườn hoa, ruộng hoa. Tiếng nói cười giữa người bán, người mua cứ rộn rã không dứt.

Về làng hoa xã Nam Toàn và cảm nhận được nơi đây mùa xuân như đến sớm. Trên khắp các cánh đồng, vườn nhà đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa. Nhiều năm nay, nghề trồng hoa trở thành nguồn thu nhập chính của nông dân trong xã. Khoảng những năm 1990, hoa trà bắt đầu được du nhập về Nam Toàn và nhanh chóng khẳng định vị thế, mang lại cho người trồng nguồn thu nhập cao. Hoa trà trồng ở Nam Toàn phong phú đủ loại như: bạch trà, trà thâm lựu, trà cung đình, trà phấn hồng, trà phấn sen, trà phấn Nhật, trà thâm viền… Người trồng hoa trà khá vất vả, bởi mỗi năm trà chỉ đơm hoa một vụ và thường nở trước Tết, phải có kinh nghiệm chăm bón riêng để “điều khiển” trà nở hoa đúng Tết thì mới có thu. Gia đình anh Hoàng Văn Kiên, ở xóm 1, trồng gần 2 sào hoa trà. Trò chuyện với chúng tôi, anh Kiên cho biết, để có một chậu trà đẹp phải chăm sóc, nâng niu đến vài ba năm, đặc biệt là bạch trà. Trà thường được chơi với 2 loại cây: cây to và cây nhỏ. Cây càng to, lâu năm, bông hoa nhiều cánh và cân đối, giá bán càng cao, có thể lên đến 1,2-1,5 triệu đồng/gốc. Những năm đầu tiên, người trồng phải vặt bỏ nụ để nuôi cành. Sang năm thứ 3, đến khoảng tháng 10 âm lịch, người trồng để lại nụ trà, tập trung chăm sóc để trà kịp ra hoa đón Tết. Theo kinh nghiệm của người trồng trà ở Nam Toàn, những năm tiết trời lạnh sớm, phải chăm sóc sớm, bởi cây hoa trà có rễ tơ, lụa mỏng và rất nhạy cảm nên thường ít sử dụng phân hóa học mà dùng phân hữu cơ từ xác động vật, hay đỗ tương ngâm nước kỹ đến khi không còn mùi hôi thì đem ra tưới. Những ngày nắng nóng, ngay từ buổi sáng sớm, người trồng trà phải phun nước ướt đẫm toàn bộ cây trà; làm dàn lưới ni-lon để tạo bóng râm mát, tránh cho cây trà bị cháy lá, héo nụ. Dân gian có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà” bởi trà cũng là loại cây khó trồng, việc chăm sóc phải lắm công phu, nhiều “mẹo”, nên hoa trà được người sành chơi cây cảnh xếp vào dòng “kỳ hoa, dị thảo”. Người chơi trà phải là người yêu thích sự thanh tao, yêu cái đẹp, điềm tĩnh, mang cốt cách của bậc đế vương. Trà khó trồng nên đắt, không phải ai cũng có điều kiện mua chơi. Ngày nay, khi kinh nghiệm trồng đã được phổ biến, đời sống của người dân được nâng cao, ngoài đào, quất truyền thống, hoa trà ngày càng phổ biến trong danh sách các loại hoa, cây cảnh ngày xuân. Nhiều người dụng công, ngay từ tháng 11 âm lịch đã đến tận vườn chọn cây, ngã giá. Với giá hoa trà giao động từ 150-200 nghìn đồng/cây, mỗi năm gia đình anh Kiên có nguồn thu nhập 40-50 triệu đồng. Một số gia đình trồng nhiều như anh Bùi Văn Diểu ở xóm 1, xã Nam Toàn trồng hơn 5 sào hoa trà, dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ đã bán 100 gốc trà cây to, đạt doanh thu gần 150 triệu đồng. Trà Nam Toàn đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa...

Anh Trần Văn Phú, xóm Bắc, xã Hải Xuân (Hải Hậu) chăm sóc hoa phục vụ Tết.
Anh Trần Văn Phú, xóm Bắc, xã Hải Xuân (Hải Hậu) chăm sóc hoa phục vụ Tết.

Rời làng hoa trà Nam Toàn, xuôi theo Quốc lộ 10, chúng tôi về xã Yên Quang (Ý Yên). Những năm gần đây, người trồng hoa xã Yên Quang chuyên cung ứng các loại cúc trắng, cúc vàng, hoa hồng, thược dược, hoa ly… cho các thị trường: Ninh Bình,  Hà Nội. Với địa thế vùng bãi bồi ven sông Đáy, nghề trồng hoa đã thu hút hơn 30 hộ dân tham gia canh tác với diện tích trên 3ha. Nhiều hộ đã có thu nhập cao nhờ trồng hoa như gia đình anh Bùi Văn Tư, chị Nguyễn Thị Hà, Trịnh Thị Xuyến, Bùi Thị Vân, ở thôn 6... Mỗi sào hoa cúc, hoa hồng… mang lại nguồn thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi vụ cho người trồng hoa. Sắc hoa Yên Quang đang tô điểm sắc màu no ấm cho các gia đình khi Tết đến, Xuân về. Nghề trồng hoa góp phần làm cho đời sống của người dân Yên Quang ngày càng khấm khá.

Về vùng chân sóng Hải Hậu, đến làng hoa xã Hải Xuân, trước mắt chúng tôi là những luống cúc đủ các màu vàng tươi, trắng tuyết. Xã Hải Xuân có 2 làng trồng hoa là xóm Bắc và xóm Trung... Xóm Bắc trồng chủ yếu là hoa cúc với diện tích gần 6ha. Nhiều hộ trồng nhiều 4-6 sào, như hộ các ông: Phạm Văn Mạnh, Nguyễn Văn Tác, Phạm Thanh Hiển, Nguyễn Văn Hậu, anh Trần Văn Phú... Càng gần Tết, gia đình anh Phú càng bận rộn bởi vừa trồng hoa, nhà anh vừa là đại lý thu gom hoa trong xã để cung ứng cho thị trường Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... Anh Phú cho biết: “Mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, nhưng mỗi tháng người trồng hoa xã Hải Xuân vẫn đảm bảo cung ứng cho thị trường 200 nghìn bông hoa cúc, với giá từ 1.500-2.000 đồng/bông”. Để hoa cúc nở đúng dịp Tết, người trồng hoa Hải Xuân đã “xuống giống” cúc bông (dài ngày) từ tháng 9 âm lịch; cúc xinh (ngắn ngày) từ tháng 10 âm lịch. Một sào hoa cúc, hoa hồng cho thu nhập 17-20 triệu đồng/vụ. Những năm gần đây, người trồng hoa Hải Xuân đưa thêm giống hoa ly về trồng thử nghiệm. Hoa ly là loài hoa “cao cấp” đang được thị trường ưa chuộng, giá bán khá cao từ 40 đến 50 nghìn đồng/cành nên cũng đem lại cho người trồng một khoản thu nhập khá. Năm tới, xã Hải Xuân dự định sẽ mở rộng diện tích trồng hoa ly nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Sắc hoa Hải Xuân không chỉ làm đẹp cho địa phương mà đang được đưa đến mọi vùng quê của Tổ quốc. Người làng hoa Hải Xuân vẫn mong ước: “Biết đâu hoa lên Móng Cái lại được xuất ngoại sang Trung Quốc”(?) Đó cũng là hy vọng, là cơ hội phát triển mới người trồng hoa Hải Xuân hướng tới. Năm 2013, làng hoa Hải Xuân đã được UBND huyện Hải Hậu công nhận làng nghề.

Xuân đang về rực rỡ trên những làng hoa!

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com