Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2013 doanh thu từ sinh vật cảnh (SVC) của tỉnh ước đạt khoảng 200 tỷ đồng. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, trong nước, kết quả đó là sự cố gắng rất lớn của các cấp Hội SVC trong việc đổi mới hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Ninh, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) giới thiệu cây cảnh cho khách mua hàng đón Tết Giáp Ngọ 2014. |
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, năm 2013, các cấp Hội SVC trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về phát triển kinh tế SVC; Hội SVC tỉnh đã thẩm định, đề nghị Trung ương Hội SVC Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân SVC cho 4 người, tiến hành 2 đợt phong tặng nghệ nhân SVC cho 58 người, nâng tổng số nghệ nhân SVC tỉnh lên 136 người; thành lập CLB nghệ nhân SVC tỉnh, tạo thuận lợi trong công tác truyền nghề, lưu giữ các giá trị văn hóa nghề của quê hương và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm SVC đa dạng, giàu giá trị về văn hóa, kinh tế. Hội SVC tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội thảo SVC toàn quốc tại huyện Giao Thủy để tìm đầu ra cho sản phẩm SVC, nhất là thị trường xuất khẩu đã thu hút đông đảo các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia. Ngoài ra, Hội SVC tỉnh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Bắc Bộ mở lớp đào tạo giáo viên dạy nghề SVC; một số Hội SVC huyện, thành phố còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề địa phương tổ chức dạy nghề cho hàng nghìn hội viên. Để thúc đẩy quá trình giao thương, Hội SVC Thành phố Nam Định và các huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu tổ chức các đợt trưng bày cây cảnh phục vụ các lễ hội, ngày Tết, ngày truyền thống của địa phương; tổ chức cho hội viên tham gia triển lãm SVC các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên), tăng cường giao lưu với các CLB cây cảnh nghệ thuật các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang… Bằng nhiều biện pháp kịp thời và định hướng của các cấp Hội SVC, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhiều đơn vị, cá nhân đã tìm được hướng phát triển. Làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 vẫn ngút ngàn màu xanh của những cây sanh, si, tùng la hán và nhộn nhịp khách hàng vào, ra... Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội SVC xã Điền Xá cho biết, năm 2013, lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê - Hội chợ hoa xuân xã Điền Xá gặp khó khăn, tuy thời gian tổ chức dài hơn, số lượng cây hoa, cây cảnh cũng nhiều hơn các năm trước nhưng doanh thu từ bán cây cảnh trong lễ hội chỉ đạt khoảng 1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các năm trước, doanh số cây cảnh cả năm của xã đạt khoảng 30 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng. Trước khó khăn trên, được sự định hướng kịp thời của Hội SVC xã, cùng với việc lưu giữ các sản phẩm cây thế, bon-sai truyền thống, nhiều hộ dân đã tập trung phát triển trồng các loại cây trang trí, cây bóng mát... cung ứng cho thị trường theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài cây cỏ nhung Nhật được trồng từ nhiều năm trước, hiện nay trên địa bàn xã có thêm 10ha trồng các cây tía tô, hoa sam Nhật Bản, dâu tây, cẩm tú mai, dạ thảo; gần 15ha đất trồng các loại cây bóng mát nhập ngoại và trong nước như cây tràm hoa vàng ở Nam Bộ, cây sao đen ở Trung Bộ, cây dụ, hoa ban đỏ ở Tây Bắc, cây Osaka (Nhật Bản), cây hoàng nam (Ấn Độ)… tập trung chủ yếu ở các xóm 1, 3, 6, 9. Mặc dù, không có giá trị kinh tế cao như sản xuất, kinh doanh cây thế, cây bon-sai nhưng cây trang trí, cây bóng mát cũng cho thu nhập khá, duy trì việc làm cho hàng trăm lao động. Ở huyện Hải Hậu, thời cao điểm có 80% số hộ dân trong huyện tham gia trồng hoa, cây cảnh với diện tích trồng đạt khoảng 1.000ha. Trước thực trạng khó khăn của thị trường SVC, Hội SVC huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức dạy nghề cho hội viên và nông dân; tổ chức hội chợ SVC… Ông Lại Văn Thân, Chủ tịch Hội SVC huyện cho biết: Được truyền nghề theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, nhiều người dân đã được trang bị kiến thức chọn giống, nhân giống, chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế để phát triển các cây cảnh có giá trị cao. Từ năm 2012 đến nay, tổ giáo viên dạy nghề SVC đã phối hợp với Hội SVC các xã, thị trấn, Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức khoảng 20 lớp dạy nghề thu hút trên 1.000 người tham dự. Qua các lớp học, nhiều người đã nâng cao kỹ thuật, tay nghề chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh nghệ thuật, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Nhờ vậy, doanh thu từ hoa, cây cảnh năm 2013 của huyện đạt 50 tỷ đồng. Cùng với sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm của các làng nghề, các địa phương, nhiều nghệ nhân SVC trong tỉnh đã tìm tòi, sáng tạo các loại cây cảnh độc đáo, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nghệ nhân SVC Nguyễn Đăng Ninh ở xóm 2 xã Nam Toàn (Nam Trực) đã lựa chọn sản xuất các cây cảnh “độc đáo” như cây phật thủ, cây ngũ quả. Ông đã đi nhiều nơi, gặp nhiều nghệ nhân SVC để tìm hiểu, học tập cách làm. Đến nay, vườn cây cảnh của nhà ông đã có 250 cây phật thủ. Theo giá thị trường hiện tại, loại cây này được bán với giá trung bình 1-1,5 triệu đồng/chậu. Riêng 50 chậu cây ngũ quả được tạo thành bởi thân cây bưởi và 5 loại quả: cam, chanh, quất, bưởi, phật thủ có chiều cao 1,5m, tán rộng 1,2-1,5m có giá 5 triệu đồng/chậu đang được khách hàng ưa chuộng.
Năm 2014, dự đoán thị trường SVC sẽ khởi sắc khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Vì vậy, các địa phương, Hội SVC các cấp trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp dạy nghề, ứng dụng tiến bộ KHKT trong nhân giống, trồng, chăm sóc cây cảnh; đẩy mạnh phong trào tìm tòi, sáng tạo các loại cây cảnh, cây thế đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần đưa SVC phát triển thành ngành kinh tế vững chắc, mang lại hiệu quả cao./.
Bài và ảnh: Đức Thiện