Ngày 2-1-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2003/QĐ-TTg về nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, các loài động, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; giáo dục môi trường cho cộng đồng và phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy đã phối hợp với các Hạt Kiểm lâm, chính quyền các xã vùng đệm và BĐBP chủ động kiểm soát, hạn chế tình trạng chặt phá rừng trái phép và xâm hại tài nguyên môi trường VQG; tổ chức dọn vệ sinh định kỳ để đảm bảo các yêu cầu về phòng ngừa sâu bệnh và phòng chống cháy rừng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ để giữ vững diện tích rừng hiện có và áp dụng các biện pháp thích hợp để phục hồi rừng, mở rộng diện tích trồng rừng mới theo kế hoạch hằng năm, đồng thời tích cực xây dựng, triển khai quy chế quản lý khai thác nguồn lợi ngao giống tại cửa sông Hồng; cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn; chia sẻ lợi ích thủy sản dưới tán rừng ngập mặn..., góp phần thực hiện chiến lược sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn tài nguyên vùng bãi bồi khu vực VQG Xuân Thủy.
Mô hình trồng nấm sò ở hộ ông Vũ Phương Thảo ở xóm 24, xã Giao An thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ. |
Cùng với các hoạt động quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, từ năm 2007, Ban quản lý VQG Xuân Thuỷ đã hợp tác với Viện Nghiên cứu phát triển duyên hải (CORIN) trong Chương trình liên minh đất ngập nước quốc tế (WAP) triển khai tạo lập nhiều dự án sinh kế mới cho cộng đồng địa phương. Dự án đã thử nghiệm mô hình trồng nấm cho 4 hộ thuộc 3 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Hương (Giao Thủy). Ông Vũ Phương Thảo ở xóm 24, xã Giao An cho biết: “Trồng nấm sử dụng rơm rạ vừa cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cấy lúa, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ sau mùa gặt, tạo sinh kế bền vững cho nông dân”. Từ thành công ban đầu, mô hình tiếp tục được nhân rộng ra gần 70 hộ ở các xã vùng đệm. Một số mô hình được hỗ trợ xây dựng lán trại, giống nấm và đào tạo kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò và nấm linh chi được chuyển giao đến từng hội viên. Cuối năm 2008, HTX trồng nấm đã được thành lập để tổ chức sản xuất thống nhất trên địa bàn các xã dự án. Hiện tại, hầu hết các hộ dân đều trồng nấm sò và mộc nhĩ. Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch nên nhiều hộ đã có thu nhập cao. Anh Vũ Nguyên Thu ở xóm 24, xã Giao Thiện thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm; anh Đinh Công Huỳnh ở xóm 19, xã Giao Thiện, bình quân 1 năm chỉ làm 1 vụ cũng thu được hơn 20 triệu đồng. HTX còn hướng dẫn xã viên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phế phẩm của nghề trồng nấm như: mùn, bả nấm… để sản xuất phân vi sinh bón cho cây trồng. Cùng với phát triển nghề trồng nấm, dự án còn triển khai mô hình nuôi ong cho các hội viên Hội CCB cụm Ba Lạt. Dự án đã tổ chức tập huấn kỹ năng nhân đàn, trang bị thêm các phương tiện thiết yếu, vận động bổ sung các tổ ong. Từ trên 20 tổ ong của 4 hộ ban đầu, đến nay CLB nuôi ong đã thu hút hơn 36 người tham gia. Điển hình như gia đình ông Tài ở xã Giao An thu hoạch mật đạt gần 200kg/năm. Ông Tài cho biết, hiện tại mỗi gia đình đều nuôi từ 2 đến 3 đàn ong; bình quân mỗi đàn thu được từ 10-12kg mật, có giá từ 160-200 nghìn đồng/kg. Như vậy, trung bình mỗi hộ nuôi ong thu được từ 16-20 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhân dân địa phương có thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ các mô hình nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Trong đó hiệu quả nhất là khai thác các loài tôm, cua, cá tự nhiên ở vùng triều; mô hình nuôi ngao quảng canh ở cuối Cồn Lu - Cồn Ngạn, nuôi ngao thương phẩm ở xã Giao Xuân. Các mô hình du lịch cộng đồng do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) triển khai ở khu vực xã Giao Xuân cũng là một sinh kế hiệu quả bền vững. Người dân địa phương sau khi được trang bị các kỹ năng cơ bản, được hỗ trợ cải tạo nhà ở tham gia làm du lịch, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Với mục tiêu xây dựng VQG Xuân Thuỷ trở thành điểm trình diễn về kết hợp hài hoà giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, đồng thời là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế, thời gian tới, Ban quản lý VQG Xuân Thuỷ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại ở khu vực trung tâm, đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương phát huy hiệu quả cao nhất các dự án về phát triển cộng đồng. Tổ chức các đợt tập huấn và cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo tồn thiên nhiên. Tăng cường cộng tác, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững môi trường sinh thái cũng như cuộc sống người dân ở các xã thuộc vùng đệm./.
Bài và ảnh: Trần Gia