Sử dụng hiệu quả nguồn rơm, rạ sau thu hoạch

08:01, 24/01/2014

Với trên 75 nghìn ha đất trồng lúa hai vụ/năm, ước tính mỗi năm tỉnh ta có khoảng 1,2 triệu tấn rơm, rạ tồn dư sau thu hoạch. Để tận dụng nguồn rơm rạ, bên cạnh việc áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến ủ thành phân hữu cơ, làm nguyên liệu trồng nấm thì hiện tại rơm, rạ đang được người dân vùng đồng màu và một số địa phương có nghề đan truyền thống sử dụng vào việc chăm bón, bảo vệ cây trồng, sản xuất những vật dụng dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Đây là xu hướng tích cực vừa tiện dụng, tiết kiệm chi phí, lại không gây ô nhiễm môi trường và những hệ lụy khác.

Nông dân xã Hải Tân (Hải Hậu) sử dụng rơm, rạ che phủ rau màu.
Nông dân xã Hải Tân (Hải Hậu) sử dụng rơm, rạ che phủ rau màu.

Xã Tân Thành (Vụ Bản) là địa phương có truyền thống thâm canh các loại rau màu với tổng diện tích  42,5ha, chưa kể diện tích đất gò, vườn và diện tích đất tận dụng trong khu dân cư. Trung bình một năm, xã cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau xanh các loại. Với kinh nghiệm canh tác rau màu lâu năm, bà con nông dân nơi đây luôn sử dụng rơm, rạ làm phân hữu cơ và làm vật liệu thay thế các loại giấy ni lông, lưới màu… để che phủ mặt luống sau khi gieo trồng vì chi phí thấp, lại có tính bảo ôn che cho cây và là nguồn bổ sung phân hữu cơ cho cây trồng phát triển. Rơm, rạ sau khi thu hoạch được người dân nơi đây cắt ngắn khoảng 2-3cm dùng để che phủ luống sau khi đã gieo hạt rau giống và cắt dài khoảng 20-25cm để che phủ đối với diện tích trồng cây rau thương phẩm vừa giữ ấm và ngăn nước mưa tác động trực tiếp vào cây mầm, vừa che mát giúp cho hạt giống nảy mầm bình thường trong điều kiện nắng nóng. Với ruộng trồng rau thương phẩm, sau khi làm đất, người làm vườn phủ một lớp rơm rạ kín luống rau, sau đó cấy cây rau non giữa lớp rạ, tưới đủ ẩm. Lớp rạ giúp đất xung quanh cây rau con mới cấy luôn tơi xốp, đủ ẩm, không bị xói mòn hoặc bị nghẹt khi gặp mưa to, nắng rát, giúp cây rau phát triển tốt. Chị Nguyễn Thị Thu, xóm 3 xã Tân Thành cho biết: “Rơm, rạ tích trữ từ 4-5 sào lúa của gia đình dùng để che phủ 3 sào rau màu được 2-3 lứa là sẽ hoai mục hết. Một năm, nhà tôi gieo trồng khoảng 8-9 lứa rau, nên cần lượng rơm, rạ phục vụ sản xuất rất lớn. Hàng trăm hộ trồng màu trong xã cũng có nhu cầu sử dụng rơm, rạ nên đến mùa gặt, chúng tôi tranh thủ đi gom rơm, rạ ở các xã lân cận về phơi, đánh đống, che đậy cẩn thận để dùng dần và cung ứng lại cho những hộ không có điều kiện đi thu gom với giá thỏa thuận. Việc sử dụng rơm rạ phục vụ sản xuất rau màu, tái tạo chất mùn hữu cơ, làm tơi xốp đất góp phần nâng cao năng suất cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rau xã Tân Thành mà còn ở nhiều vùng chuyên canh rau màu của các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Giao Thủy…

Cùng với sử dụng rơm, rạ trong sản xuất nông nghiệp, nghề đan chổi rơm ở các xã Nghĩa An (Nam Trực), Hải Minh (Hải Hậu), Mỹ Thành, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Hoàng Nam, Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng)… ngày càng phát triển do người tiêu dùng nhận thấy “giá trị” của chổi rơm sau một thời gian dài sử dụng các loại chổi bằng cước, sợi nhựa. Không “rầm rộ” như những nghề khác nhưng nghề làm chổi rơm đã giải quyết được cả 3 yếu tố là chi phí đầu tư thấp, nguồn nguyên liệu tại chỗ và tận dụng được hầu hết lao động lúc nông nhàn… Những năm gần đây thị trường tiêu thụ thuận lợi nên nghề đan chổi rơm nhanh chóng được nhân rộng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Tại xã Hải Minh (Hải Hậu) hiện có hơn 300 hộ dân trong xã đang gắn bó với nghề đan chổi rơm. Bác Trần Văn Nhưng, xóm 2, xã Hải Minh cho biết: “Xưa kia, chúng tôi chỉ kén rơm nếp, rơm tám có nóng dài, dẻo dai và thơm để bó chổi. Rơm bó chổi phải được bảo quản kỹ tránh ẩm, mốc, mục nát và để “dành” dùng cả năm, khi nào dùng đến mới mang ra chuốt bỏ phần áo ngoài và vò, bó, vặn sao cho chổi vừa chắc, vừa bền lại không bị gẫy rụng trong quá trình sử dụng. Nhưng gần đây, nhu cầu tiêu dùng của người dân lớn, chúng tôi đã phải dùng cả rơm vụ xuân để bó chổi. Số hộ làm chổi cũng nhân nhanh ra các xóm ở trong xã với lượng tiêu thụ hàng chục tấn rơm, rạ mỗi năm. Để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, người dân làng nghề đã phải đi thu gom rơm, rạ ở các huyện lân cận và các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Dịch vụ cung ứng rơm, rạ cho các hộ dân làm nghề cũng được hình thành với giá 80-100 nghìn đồng/sào rơm nếp, 40-50 nghìn đồng/sào rơm tẻ”. Ngoài làng nghề đan chổi xã Hải Minh, các làng nghề khác cũng sử dụng một lượng lớn rơm, rạ và đang có xu hướng sử dụng nguồn nguyên liệu khác như lõi, áo, râu ngô chế tác hàng thủ công mỹ nghệ tiêu dùng như bện thành búp bê, giỏ xách, hộp quà… phục vụ thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Khi rơm, rạ thành “của để dành” và trở thành nguyên liệu để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com