Thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; căn cứ văn bản thỏa thuận liên ngành số 7099/TTLN ngày 19-10-2010 giữa Trung ương HND Việt Nam và Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) Việt Nam, HND tỉnh đã phối hợp với chi nhánh Agribank tỉnh và Agribank Bắc Nam Định, xây dựng thỏa thuận liên ngành, cụ thể hóa việc tín chấp của tổ chức HND để cho các hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định 41 về chính sách cho hộ nông dân vay vốn, đồng thời tiếp tục vận động tập hợp nông dân tham gia vào tổ vay vốn và tiết kiệm (VV-TK). Các cấp Hội đã tổ chức rà soát, kiện toàn tổ trưởng các tổ VV-TK để thực hiện tốt quy chế, lựa chọn thành viên bảo đảm cho vay đúng đối tượng, công khai, dân chủ và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Hằng năm, HND và chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT tỉnh đều phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, điều hành và kỹ năng tín dụng, hướng dẫn cho các chủ dự án ở cơ sở về quy trình, thủ tục, những văn bản mới, cập nhật thông tin tới các tổ VV-TK, thường xuyên rút kinh nghiệm và điều chỉnh, giải quyết những vấn đề phát sinh. Công tác kiểm tra giám sát hoạt động vay vốn cũng được các cấp Hội duy trì với nhiều hình thức nhằm tăng cường trách nhiệm của cán bộ HND các cấp trong việc triển khai các nội dung của thỏa thuận liên ngành, kịp thời uốn nắn những sai sót và giải quyết những vấn đề nổi cộm trong hoạt động vay vốn. Với những biện pháp phối hợp tích cực, chặt chẽ, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41 và thỏa thuận liên ngành, HND các cấp đã vận động thành lập và kiện toàn được 2.502 tổ VV-TK ở chi HND thôn, xóm với trên 50 nghìn thành viên tham gia sinh hoạt. Thông qua các tổ VV-TK, đến hết năm 2013, tổng dư nợ tín chấp qua hệ thống tổ chức HND của 2 chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đạt 2.774 tỷ đồng, cho 46.935 hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế, tăng 238 tỷ đồng so với năm 2012. Kết quả kiểm tra, rà soát hằng năm cho thấy, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Các tổ VV-TK hoạt động hiệu quả, trong đó có 20% số tổ đạt loại tốt, 70% tổ loại khá.
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng NN và PTNT, gia đình anh Nguyễn Văn Huân, thôn Trung Khu, xã Yên Phong (Ý Yên) đầu tư nuôi cá truyền thống cho thu nhập cao. |
Để nông dân sử dụng vốn có hiệu quả, HND các cấp thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm sản xuất; tổ chức tham quan, học tập các mô hình, cách làm hay. Hằng năm, HND các cấp phối hợp với các ngành chức năng, các trung tâm khuyến nông, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp tổ chức 2.400-2.500 buổi tập huấn cho trên 200 nghìn lượt cán bộ, hội viên. Chỉ đạo HND các huyện, thành phố và các cơ sở Hội tổ chức xây dựng các mô hình cá nhân vay vốn từ Agribank sản xuất, kinh doanh (SXKD) có hiệu quả để nhân ra diện rộng. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã có 166.699 hộ đăng ký hộ SXKD giỏi, số hộ đạt là 160.684 hộ bằng 39,9% so với hộ nông dân; trong đó hộ SXKD giỏi đạt cấp Trung ương có 2.009 hộ, cấp tỉnh có 8.034 hộ, cấp huyện 48.205 hộ, cấp cơ sở có 102.436 hộ. Thông qua phong trào đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nông dân, từ đó tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai, đầu tư cho sản xuất, hình thành các làng nghề, các trang trại, gia trại ngày càng phát triển. Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều hộ nông dân được vay vốn đã phát huy hiệu quả trong SXKD như các ông: Nguyễn Hữu Trung, xã Tân Thành (Vụ Bản); Trần Văn Hài, xã Trực Hùng (Trực Ninh); Trần Văn Túc, xã Nam Thanh (Nam Trực); Mai Văn Lý, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản); Phan Văn Khấn, xã Hải Phúc (Hải Hậu)...
Sau 3 năm triển khai Nghị định 41 của Chính phủ và văn bản thỏa thuận giữa Trung ương HND Việt Nam và Agribank Việt Nam, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã thực sự đi vào cuộc sống, tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân. Tuy nhiên, việc huy động vốn tiết kiệm trong dân cư qua tổ VV-TK còn ở mức độ thấp; tổ chức sinh hoạt tổ VV-TK và tuyên truyền, vận động nông dân chưa thường xuyên nên chưa thu hút nhiều thành viên tham gia. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ VV-TK và kiểm tra việc sử dụng vốn vay chưa thường xuyên. Theo Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14-6-2010 của NHNN về hướng dẫn thực hiện Nghị định 41 thì các đối tượng là các hộ, chủ trang trại được hưởng chính sách này phải cư trú và có cơ sở SXKD trên địa bàn nông thôn. Như vậy, các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp ở 15 thị trấn và một số phường có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta cũng là hội viên nông dân nhưng chưa tiếp cận được vốn vay từ Agribank theo hình thức tín chấp qua tổ chức HND. Bên cạnh đó do SXKD của một số hộ dân còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng giữa doanh nghiệp, người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng của nông dân. Để phát huy hiệu quả chính sách tín dụng, các cơ quan chức năng nên xem xét bổ sung cho đối tượng hộ nông dân ở các thị trấn được tiếp cận với chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 41. Bên cạnh đó, Agribank cần đa dạng các nguồn vốn vay, kể cả nguồn vốn vay phi nông nghiệp, đồng thời áp dụng các chính sách cho vay thuận tiện với thủ tục hồ sơ đảm bảo theo yêu cầu nhưng cần đơn giản, dễ hiểu để nông dân dễ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
Bài và ảnh: Vũ Hoàng