Đặc sắc sản phẩm mộc mỹ nghệ ở làng nghề Bình Minh

05:01, 29/01/2014

Về làng nghề mộc mỹ nghệ, khảm trai Bình Minh, xã Hải Minh (Hải Hậu) đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được nhịp điệu hối hả trong sản xuất của người thợ với những tiếng đục, chạm lách cách đều đặn nhịp nhàng.

Làng nghề mộc mỹ nghệ, khảm trai Bình Minh hiện có 64 hộ làm nghề, mỗi hộ thường có từ 7-10 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có 8 hộ đầu tư sản xuất quy mô lớn, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động như hộ các ông: Nguyễn Văn Mão, Nguyễn Văn Long, Phạm Văn Dũng, Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Văn Thuận… Hằng năm, các hộ sản xuất trong làng nghề có thu nhập từ 200-500 triệu đồng, riêng 8 hộ sản xuất lớn có thu nhập từ 750 triệu đến 1 tỷ đồng. Nét đặc trưng của làng nghề mộc truyền thống Bình Minh là nghệ thuật sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ giả cổ. Để làm các bộ sản phẩm mỹ nghệ giả cổ từ đồ dùng sinh hoạt (bàn, ghế, giường, tủ, sập) đến trang trí đồ thờ tự (hoành phi, câu đối, cuốn thư), ngoài yêu cầu về kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm…, người thợ còn phải am hiểu lịch sử, văn hoá đặc trưng của các thời kỳ lịch sử gắn với mỗi sản phẩm. Điều làm nên sự khác biệt của sản phẩm mộc mỹ nghệ của làng nghề ngoài sự tinh xảo, tài hoa trong từng đường chạm, nét khắc trên sản phẩm làng nghề, còn có đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề chuyên khảm trai, khảm ốc ở 18 hộ chuyên nghề. Các bộ bàn, ghế, tủ chè, sập gụ, hoành phi, câu đối… giả cổ được chạm, khảm trang trí họa tiết tinh vi với các chủ đề, tích cổ thể hiện các triết lý của cuộc sống và quy luật vận hành của thiên nhiên được cha ông đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử như: ngũ phúc, sĩ - nông - công - thương, tứ bình, tứ quý, vinh quy bái tổ... đã góp phần làm nên thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Bình Minh. Đáp ứng thị hiếu khách hàng, vật liệu khảm được thay đổi từ vỏ trai sang vỏ ốc biển bởi sự đa dạng về màu sắc, chất lượng khảm cao hơn và giá trị công lao động cũng cao hơn. Các công đoạn của nghề chạm, khảm không chỉ đòi hỏi tỉ mỉ, cẩn thận mà còn thể hiện sự tài hoa, tinh tế của người thợ.

Chạm, khảm trên các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Ngọc Kỷ, làng nghề Bình Minh.
Chạm, khảm trên các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Ngọc Kỷ,
làng nghề Bình Minh.

Sau khi sáng tác mẫu, người thợ phải áp lên các mảnh vỏ ốc nguyên liệu để tạo hình bằng các công đoạn mài, cưa, đục mảnh. Khi đã tạo hình xong lại áp mẫu lên trên đồ gỗ để “chạm moi” xuống từ 2-3mm theo hình mẫu. Hoàn thành xong các bước trên mới đến công đoạn khảm ốc vào gỗ, dùng sơn ta để dính. Sau cùng là công đoạn gia công, đánh giấy ráp lại toàn bộ sản phẩm. Sản phẩm chạm, khảm vỏ ốc sau khi hoàn thành bắt buộc phải đạt được các yếu tố: vỏ ốc phải “lên màu” (xanh, vàng chanh hoặc đỏ) khi có ánh sáng phản chiếu, các đường nét phải liền mạch, sắc cạnh nhưng vẫn mềm mại, hài hòa. Với nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, tinh tế nên các hộ chuyên khảm vỏ ốc ở làng nghề Bình Minh thường làm nghề theo từng gia đình, hoặc từng nhóm nhỏ gồm thợ cả, thợ giũa - tách, thợ chạm và thợ phụ… với quy mô từ 5-7 lao động. Anh Nguyễn Văn Thảo, chủ cơ sở khảm ốc cho biết: Nguyên liệu vỏ ốc dùng để khảm lên sản phẩm là các loại ốc xanh, ốc đỏ được nhập từ nước ngoài. Ốc xanh có giá từ 50-70 triệu đồng/kg, ốc đỏ có giá từ 50 triệu đồng/kg trở lên. Sau khi được khảm ốc, giá trị mỗi sản phẩm thường được nâng lên từ 5-10 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng/sản phẩm. Đơn cử như bộ bàn ghế kiểu đời Minh 7 món nếu không khảm chỉ có giá hơn 20 triệu đồng/bộ nhưng nếu được khảm ốc xanh lên mặt bàn, tựa tràng kỷ… có giá lên tới 40 triệu đồng/bộ. Ngoài hộ anh Thảo, ở làng nghề Bình Minh còn có một số hộ chạm, khảm tay nghề cao thường nhận được các hợp đồng trị giá hàng trăm triệu đồng như hộ các anh: Nguyễn Văn Kỷ, Nguyễn Văn Sáu… Anh Nguyễn Văn Kỷ, chủ cơ sở chạm, khảm Ngọc Kỷ cho biết: Cơ sở của anh chuyên nhận khảm vỏ ốc cho các sản phẩm mộc mỹ nghệ giả cổ như: các loại sập gụ, tủ chè… Mỗi tháng cơ sở có doanh thu từ 400-500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với mức thu nhập từ 150-180 nghìn đồng/người/ngày. Sản phẩm có trị giá lớn nhất mà cơ sở của anh đã làm là hợp đồng chạm, khảm bộ tủ chè linh chi gỗ trắc giả cổ trị giá trên 1 tỷ đồng. Để hoàn thành sản phẩm này, 6 lao động của cơ sở phải làm liên tục trong vòng 2 tháng, sử dụng 1,2kg vỏ ốc cao cấp, hơn 1.000 mảnh ốc chi tiết, 2 cánh tủ là tranh tích “vinh quy bái tổ”; lèo khảm lá nho, bệ khảm hoa sen, hoa hồng; hồi khảm hoa cúc… Anh Nguyễn Văn Thuận, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Lý - Thuận cho biết: Hiện tại cơ sở của anh có 15 lao động thường xuyên và 30 hộ nhận gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng. Bình quân hằng tháng, cơ sở của anh xuất bán được khoảng 30-35 bộ sản phẩm các loại từ: giường, tủ, sập gụ, tủ chè, bàn, ghế đến tranh, ảnh, hoành phi, câu đối, cuốn thư… Với tài hoa và kinh nghiệm lâu năm của người thợ, các sản phẩm của làng nghề mộc mỹ nghệ, khảm trai Bình Minh không chỉ cung ứng sản phẩm cho thị trường nội tỉnh mà đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước.

Làng nghề mộc mỹ nghệ, khảm trai Bình Minh hiện thu hút gần 700 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động thời vụ, chủ yếu là người địa phương. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động, làng nghề đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ của xã Hải Minh đạt trên 411 tỷ đồng, chiếm 84,25% cơ cấu kinh tế toàn xã, bình quân thu nhập đầu người đạt 27,8 triệu đồng/người/năm./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com