Vụ mùa năm 2013, bám sát kế hoạch sản xuất của Ban Nông nghiệp xã về cơ cấu giống và quy trình kỹ thuật sản xuất của địa phương, HTXDVNN Nam Mỹ (Nam Trực) đã phối hợp với 5 đội sản xuất vận động, hướng dẫn xã viên thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn với quy trình gieo cấy giống lúa BT7. Để xây dựng mô hình này, HTX phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh mở hội nghị tập huấn cho các hộ xã viên tham gia mô hình, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa theo quy trình VietGap; phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn xã viên thực hiện áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật… Nhờ đó, năng suất lúa tại cánh đồng mẫu lớn tăng 10-15%/sào so với phương pháp cấy truyền thống. Trong dịch vụ bảo vệ thực vật, diệt chuột, HTX thường xuyên thông báo và đôn đốc xã viên sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”; dùng mồi bả chuột, tập trung đánh vào đầu vụ 3-4 đợt nên đã hạn chế được tình trạng chuột phá hoại cây trồng. Trong vụ xuân 2013, HTX đã tập trung nạo vét sông CT2.5, kết hợp đào đắp gần 1,2km đường giao thông nội đồng, nạo vét kênh Chùa Sông dẫn vào trạm bơm Cầu Ổi dài 772m, với khối lượng gần 5.000m3 bùn, đất; sửa chữa nâng cấp đập cầu Gián; vệ sinh, làm cỏ hệ thống mương máng nội đồng... Ngoài ra, để tăng nguồn thu, HTX tổ chức điều hành tốt các dịch vụ thỏa thuận. Đối với dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, HTX căn cứ vào kế hoạch đăng ký, hợp đồng mua phân bón, thóc giống của các đội sản xuất để ký hợp đồng với các Cty về số lượng, đảm bảo ổn định giá cả trong suốt vụ. Kinh nghiệm của HTX là bám sát kế hoạch sản xuất của Ban Nông nghiệp xã để quản lý, điều hành các dịch vụ đảm bảo nguyên tắc “lấy thu, bù chi”, đồng thời bảo toàn và tăng trưởng nguồn vốn của HTX.
Cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp của HTXDVNN Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) luôn là địa chỉ tin cậy của xã viên. |
Để làm tốt các dịch vụ phục vụ sản xuất của xã viên, HTXDVNN Minh Thành, xã Minh Thuận (Vụ Bản) đã thực hiện phân công các tổ chuyên môn kỹ thuật phụ trách 5 xóm chủ động phối hợp với cán bộ Phòng NN và PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện bám sát đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh để hướng dẫn xã viên. Hằng vụ, HTX đã cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vi sinh và hóa học, hướng dẫn xã viên kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, tổ chức đánh bắt chuột, đảm bảo an toàn cho cây trồng đạt năng suất cao. HTX cũng chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và kế hoạch tài chính nhằm hỗ trợ xã viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác. Đến nay, nhiều cánh đồng của xã Minh Thuận cho thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/ha/năm. Phát huy vai trò “bà đỡ” đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã viên, HTX đang tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tiêu thụ nông sản cho xã viên; khuyến khích xã viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng công nghệ cao, bền vững.
Với nguồn vốn ổn định, HTXDVNN Quyết Thắng, xã Yên Lương (Ý Yên) đủ năng lực nhận xây dựng các công trình ở địa phương như: kiên cố hóa kênh mương cấp 2, 3; trạm bơm, xây dựng đường giao thông nông thôn…, góp phần tăng thu cho HTX. Cán bộ quản lý HTX đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám “đứng mũi chịu sào”, năng động, đổi mới phương thức hoạt động kinh doanh, linh hoạt trong sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường. Với việc tổ chức nhân sự hợp lý, chủ động xây dựng và hoạch định phương án sản xuất, kinh doanh, HTX “ăn nên làm ra”, uy tín ngày càng được củng cố, là mô hình để nhiều HTXDVNN học hỏi, rút kinh nghiệm, để tìm hướng phát triển. Ở HTXDVNN xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), chủ nhiệm Kim Thiên Tứ, cho biết: “Để duy trì và phát triển các dịch vụ, HTX đã tập trung tạo dựng uy tín, đảm bảo chất lượng dịch vụ theo đúng cam kết, giá cả hợp lý cho xã viên”. Bình quân mỗi vụ, HTX bán từ 20-30 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật; mỗi vụ cung ứng từ 60-70 tấn giống lúa chất lượng cao các loại...
Đến nay, mỗi HTXDVNN với thế mạnh riêng đã lựa chọn được hướng sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất, từng bước nâng dần hiệu quả kinh tế. Hầu hết các HTXDVNN đều hướng dẫn, tổ chức cho xã viên, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tổ chức các dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, nhất là các dịch vụ tưới tiêu, bảo vệ thực vật, thú y, vật tư nông nghiệp. Nhiều HTX đã mở rộng hoạt động dịch vụ như làm đất, bảo vệ đồng ruộng và tiêu thụ nông sản, dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường… Nhiều HTX đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt xây dựng hệ thống điện, thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn