Trên địa bàn tỉnh ta có 213 chợ, 6 trung tâm thương mại, siêu thị; 233 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, phân bố ở những khu vực trọng điểm và rải đều ở các phường, xã với trên 1.100 doanh nghiệp kinh doanh. Mặc dù dự báo nhu cầu tiêu dùng và mua sắm hàng hóa của người dân trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 có thể tăng từ 20-25% so với ngày thường và giá các loại hàng hóa cũng có xu hướng tăng theo, nhưng đến thời điểm này tình hình thị trường của tỉnh vẫn ổn định, không có tình trạng tăng giá, găm hàng.
Để chủ động ổn định thị trường cuối năm, Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của tỉnh (BCĐ 127) đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Trên cơ sở kế hoạch của BCĐ 127 tỉnh, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại; chú trọng công tác phòng ngừa, điều tra xác minh và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, buôn bán, vận chuyển các mặt hàng có sức mua lớn vào dịp cuối năm như: rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm các loại, động vật, sản phẩm động vật, gia cầm, quần áo may sẵn...; đặc biệt là: pháo nổ, đèn trời, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực. Đồng thời, tăng cường kiểm tra về đo lường, chất lượng hàng hóa, ghi nhãn và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các chợ trung tâm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng lậu. Là cơ quan thường trực trong việc ổn định thị trường phục vụ Tết nên ngay từ đầu tháng 10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ theo dõi, bám sát thị trường, thực hiện quản lý chặt chẽ địa bàn và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, ngoài việc tổng hợp, lập sổ bộ theo dõi hoạt động của gần 4.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn, trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Chi cục đã tiến hành rà soát, yêu cầu ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng lậu, hàng hóa vi phạm tiêu chuẩn VSATTP, chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... đối với tất cả các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh lớn ở trung tâm 10 huyện, thành phố. Thông qua hoạt động quản lý chặt địa bàn, lực lượng QLTT không chỉ phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm mà còn tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo ngành có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết của nhân dân, ngăn chặn hiện tượng găm hàng, gây khan hiếm hàng hóa giả tạo, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng tới thị trường. Tập trung cao độ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh và các phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lưu thông trên địa bàn về các điều kiện kinh doanh như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, cung ứng dịch vụ; có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; việc thực hiện các quy định liên quan đến giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc gia cầm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng cấm... Riêng các mặt hàng bình ổn giá như xăng, dầu, ga... lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm soát chống bán phá giá hoặc tăng giá so với quy định, đầu cơ tích trữ hàng hóa để đẩy giá lên cao gây bất ổn thị trường. Trên cơ sở đó, lực lượng QLTT phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành liên tiếp tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát ở cả 2 mảng thị trường nội địa và trên các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ; kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận thương mại như: sản xuất, kinh doanh các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá quá mức, găm hàng gây “sốt” hàng, tăng giá của các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường... Trong quý IV năm 2013, Chi cục QLTT đã kiểm tra trên 1.000 lượt, xử lý 750 vụ, phạt vi phạm hành chính và hàng hoá tịch thu trị giá gần 1 tỷ đồng. Đồng chí Đỗ Đức Dương, Phó Trưởng BCĐ 127 tỉnh cho biết: “Để giữ ổn định thị trường, lực lượng chức năng đã chủ động nắm chắc diễn biến thị trường, xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách có trọng tâm, trọng điểm; chủ động đề xuất và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nên cả năm 2013, tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không có những biến động lớn và đột xuất. Đây là yếu tố quan trọng giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác kiểm soát và QLTT thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Càng gần đến Tết, thị trường nói chung và các hoạt động kinh doanh, mua bán nói riêng càng trở nên sôi động, tấp nập hơn và cũng là dịp để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính. Do đó, từ 15-12-2013 đến 15-2-2014, cơ quan QLTT tập trung 100% lực lượng, làm việc liên tục kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; triển khai nhiều đợt kiểm tra ở khu vực nông thôn để xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng”. Cùng với lực lượng QLTT, các ngành Công an, Biên phòng, Y tế, KH và CN cũng đồng loạt triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để bảo đảm ổn định thị trường những ngày áp Tết, đồng thời phối hợp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng kiểm tra chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất, giao thương trên thị trường.
Bên cạnh việc chủ động tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường của các ngành chức năng thì người tiêu dùng cần chủ động tự bảo vệ quyền lợi khi mua sắm bằng cách tìm hiểu kỹ về sản phẩm, không lựa chọn hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc… và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi gian lận thương mại, góp phần bảo đảm giữ ổn định thị trường./.
Nguyễn Hương