Quản lý, thu hồi nợ thuế được Cục Thuế tỉnh xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên kết quả quản lý, thu hồi nợ đọng thuế chưa đạt yêu cầu đề ra.
Cán bộ Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh) rà soát hồ sơ và xử lý những doanh nghiệp có nợ đọng thuế. |
Đến hết tháng 11 năm 2013, toàn tỉnh đã thu hồi được hơn 124 tỷ đồng nợ đọng thuế, đạt 47,9% kế hoạch, số nợ mới tăng 178 tỷ đồng. Tổng số nợ đọng thuế của hơn 2 nghìn doanh nghiệp toàn tỉnh là 440,9 tỷ đồng, giảm 1% so với số thuế nợ đọng cùng kỳ, tăng 13% so với nợ đọng tại thời điểm cuối năm 2012. Trong tháng 11, ngành Thuế đã tổ chức làm việc với 37 doanh nghiệp nợ đọng thuế, thu thập, xác minh thông tin của 5 doanh nghiệp nợ đọng thuế lớn, ban hành 3.494 lượt thông báo với số tiền phạt nộp chậm là 4,6 tỷ đồng, ban hành 207 lượt thông báo về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế trên số nợ 128 tỷ đồng, ban hành 13 quyết định cưỡng chế nợ thuế. Ước tháng 11 toàn tỉnh thu được 6,6 tỷ đồng, đạt 38,8% kế hoạch. Hầu hết công tác thu hồi nợ thuế tại các Chi cục đạt thấp so với kế hoạch được giao như Chi cục Thuế Thành phố Nam Định đạt 41% kế hoạch, Giao Thủy đạt 21% kế hoạch, Trực Ninh đạt 26,4% kế hoạch, Phòng Quản lý nợ (Cục Thuế tỉnh) đạt 31,1% kế hoạch. Tại một số đơn vị, số thuế nợ đọng có xu hướng tăng lên như huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường… Một số doanh nghiệp có tiền nợ đọng thuế lớn (gồm cả tiền phạt chậm nộp) như: Cty TNHH Đức Phương (TP Nam Định) nợ 56,794 tỷ đồng, Cty CP Công nghiệp tàu thủy Cát Tường, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) nợ 50,039 tỷ đồng, Cty CP Vận tải và thương mại Minh Tuấn, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) nợ 15,346 tỷ đồng… Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc Cty CP Vận tải Phú Long (TP Nam Định) cho biết: “Kinh tế khó khăn dẫn đến tiến độ xây dựng nhiều công trình chậm hơn, khách hàng chiếm dụng vốn của doanh nghiệp kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù vẫn nhận thức được nghĩa vụ nộp thuế nhưng doanh nghiệp gần như không có cách nào khác là phải nợ thuế”. Nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn, không nộp được dẫn đến bị phạt nộp chậm khiến khoản nợ đọng thuế gia tăng nhanh, doanh nghiệp khó khăn chồng chất, cố tình chây ỳ, không chịu nộp thuế. Ông Đỗ Tuấn Hiệp, Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình nghiệp vụ, từ việc gửi thông báo yêu cầu doanh nghiệp thanh toán nợ thuế, mời doanh nghiệp đến làm việc, yêu cầu cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng nhưng nhiều doanh nghiệp cố tình né tránh, chưa hợp tác với cơ quan thuế. Do hiện nay vẫn chưa có một chế tài có hiệu lực đủ mạnh để xử lý doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế. Ngoài ra, công tác phối hợp với ngành Ngân hàng để thu hồi nợ cũng gặp nhiều khó khăn do ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh nên cũng muốn bảo vệ khách hàng, cần đảm bảo an toàn nguồn vốn cho các doanh nghiệp vay.
Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu thu hồi nợ đọng thuế theo kế hoạch, ngoài việc chủ động tham mưu với UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đôn đốc, nhắc nhở thu nợ đọng thuế, Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế huyện, thành phố đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với doanh nghiệp; tổ chức làm việc trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài và yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra lộ trình thanh toán nợ, trường hợp nào không thực hiện được sẽ áp dụng các bước cưỡng chế nợ thuế. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, nhất là công tác thu hồi nợ đọng thuế, đẩy mạnh hoạt động và phát huy hiệu quả của Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu ngân sách tỉnh và cơ quan Thuế các cấp. Xử lý kịp thời đối với các khoản nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013; tích cực thực hiện các biện pháp đôn đốc thu để thu hồi nợ đọng, xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác quản lý nợ nhằm hạn chế phát sinh nợ mới. Tiến hành rà soát lại các khoản nợ, phân loại các khoản nợ khó thu, nợ có khả năng thu để tập trung đôn đốc kịp thời. Giao chỉ tiêu thu nợ tới từng đơn vị, từng cán bộ thuế; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ đọng thuế. Ban hành đủ thông báo nợ và thông báo phạt chậm nộp, ban hành quyết định cưỡng chế đối với các doanh nghiệp có số nợ thuế trên 90 ngày và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp này. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về một số doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhưng cố tình chây ỳ. Thường xuyên xác minh các thông tin về các doanh nghiệp đang có nợ đọng thuế, đặc biệt là thông tin liên quan đến tài chính của doanh nghiệp để thực hiện kịp thời các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Chủ động đối chiếu số nợ và hỗ trợ các Chi cục Thuế áp dụng các giải pháp thu nợ, nỗ lực hoàn thành mục tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2013./.
Bài và ảnh: Quang Lộc