Những cây vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao

08:12, 02/12/2013

Trong khi các cánh đồng trồng cây vụ đông ở các địa phương trong tỉnh mới bén rễ thì tại xã Hải Tây (Hải Hậu), nhiều thương lái đã tấp nập kéo về mua cà chua đưa đi Thanh Hóa, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… tiêu thụ. Ở xã Hải Tây, sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa đã trở thành tập quán của nông dân, do đem lại nguồn thu gấp nhiều lần so với cấy lúa. Vụ đông năm nay, toàn xã trồng 100ha cây cà chua ở cả 16 xóm. Hiện nay, cà chua bán tại ruộng được khoảng 8-9 nghìn đồng/kg. Như vậy, một sào thu hoạch được 1,5 tấn quả, doanh thu 12-13,5 triệu đồng; trừ chi phí vật tư, giống, lấy công làm lãi mỗi sào được trên chục triệu đồng. Vụ này nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng từ cây cà chua đông, như hộ ông: Vũ Văn Hải (xóm 1), Nguyễn Văn Hòa (xóm 15), Nguyễn Văn Ký (xóm 5), Lê Tiến Phi (xóm 2)… Ở Trực Hùng (Trực Ninh), vụ đông năm nay nông dân trồng 30ha dưa chuột bao tử không làm giàn, để dưa bò trên mặt ruộng phủ rạ. Xác định yếu tố thời vụ quyết định tới thắng lợi đối với cây dưa chuột, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chủ động gieo ươm giống dưa chuột trong vườn và vào bầu sớm. Đến ngày 15-10-2013, toàn bộ diện tích dưa chuột bao tử đã được trồng xong. Trước đó, xã liên kết với Cty TNHH Cường Tân cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Cây dưa chuột bao tử là cây vụ đông cho giá trị kinh tế cao, trung bình mỗi sào thu được từ 4-5 tạ quả. Với giá thu mua theo hợp đồng là 7.000 đồng/kg, doanh thu 2,8-3,5 triệu đồng/sào, trừ chi phí, lãi 1,5 triệu đồng/sào. Vụ đông năm nay, gia đình anh Đoàn Văn Trung trồng 5 mẫu dưa chuột bao tử, vừa qua, gia đình anh thu hái được 500kg dưa lứa quả đầu tiên, thu về 3,5 triệu đồng. Anh Trung cho biết: sau mỗi lần thu hái, anh lại hòa phân NPK tưới cho cây để kéo dài thời gian thu hoạch quả. Nếu thời tiết thuận lợi thì vụ này gia đình anh thu lãi 70-80 triệu đồng.

Cây cà chua trên đất 2 lúa ở xã Hải Tây (Hải Hậu).
Cây cà chua trên đất 2 lúa ở xã Hải Tây (Hải Hậu).

Hiện nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Điển hình là các cánh đồng trồng khoai tây chất lượng cao tại xã Nam Hùng, Nam Giang (Nam Trực); Thành Lợi, Liên Minh (Vụ Bản); Yên Đồng, Yên Cường, Yên Nhân (Ý Yên); Giao Phong, Giao Yến (Giao Thủy)… cho năng suất bình quân khoảng 140 tạ/ha, thu lãi 33 triệu đồng/ha. Cây cà chua cũng là một trong những cây chủ lực của tỉnh, với diện tích trong vụ đông này gần 800ha để cung cấp cho các doanh nghiệp như Nhà máy Chế biến cà chua Hải Phòng, Tổng Cty Rau quả Hà Nội, Cty Chế biến thực phẩm Đồng Giao (Ninh Bình), Cty TNHH Bao bì kim loại CFC Nam Định và hệ thống siêu thị bán lẻ tại các thành phố lớn trên cả nước. Vụ đông năm nay, tại các vùng chuyên canh cây cà chua có tiếng là Hải Tân, Hải Tây, Hải Xuân (Hải Hậu); Nam Điền, Quỹ Nhất, Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… đều tập trung trồng các giống chất lượng như: Savior, Perfect 89, TN005, TN006, C155; cà chua quả bi Thúy Hồng, TN060. Đây là những giống cà chua ít hạt, chắc thịt, cứng quả, dễ vận chuyển và bảo quản, có độ đường cao, phù hợp tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu và ăn tươi. Theo tính toán, năng suất trung bình của cây cà chua trên đồng đất tỉnh ta đạt 25-30 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập 125,43 triệu đồng/ha, trong khi chi phí cho 1ha chỉ khoảng 76,5 triệu đồng. Vài năm gần đây, cây bí xanh và cây đậu tương “lên ngôi” trong phát triển vụ đông hàng hóa trên đất 2 lúa của tỉnh. Bí xanh dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, năng suất có thể đạt từ 20-25 tấn/ha. Hạch toán kinh tế trong vụ đông năm 2012 cho thấy, chi phí đầu tư sản xuất bí xanh thấp (tiền giống và vật tư 32,54 triệu đồng/ha), trong khi tổng giá trị thu nhập đạt gần 85 triệu đồng/ha. Đến nay, diện tích trồng bí xanh đông trong toàn tỉnh đã lên tới 1.341ha tập trung tại các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng); Hải Tân, Hải Toàn (Hải Hậu)… Cây đậu tương đang trở thành cây trồng chính trong vụ đông của các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Châu, Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng); Xuân Kiên, Xuân Ninh (Xuân Trường)… Vụ đông này, toàn tỉnh trồng 1.525ha cây đậu tương đông. Nhằm đa dạng hóa cây trồng, trong ba năm qua, tỉnh xây dựng, phát triển mô hình trồng dưa chuột xuất khẩu tại Trực Hùng, Trực Thái, Trực Nội (Trực Ninh) và Yên Cường, Yên Thành (Ý Yên), tổng giá trị thu nhập đạt 82,5 triệu đồng/ha.

Hiệu quả sản xuất đã thấy rõ, nhưng trên thực tế diện tích vụ đông những năm qua ở tỉnh ta hầu như chỉ tập trung tại các xã, HTXDVNN có vùng đồng màu hoặc một số địa phương có truyền thống thâm canh cao, mà chưa phát triển đều khắp trong toàn tỉnh. Một số địa phương chưa tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống và thời vụ sản xuất nhằm tạo quỹ đất cho vụ đông, thậm chí có nơi mặc dù có quỹ đất nhưng không chú trọng phát triển cây vụ đông. Công tác quy hoạch vùng sản xuất vụ đông, đảm bảo tưới, tiêu chủ động chưa được thực hiện tốt. Diện tích sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún. Nhiều loại cây có hiệu quả kinh tế cao, dễ làm, sản phẩm dễ tiêu thụ và có điều kiện mở rộng như bí xanh, khoai tây, rau sớm… nhưng diện tích còn ít. Số lượng các doanh nghiệp, HTXDVNN hoặc tổ hợp tác tham gia tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông chưa nhiều nên các sản phẩm rau, quả khó tiêu thụ, giá thấp ở cuối vụ. Để tháo gỡ những khó khăn trên, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tạo quỹ đất và thời gian để mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, đặc biệt đối với diện tích trồng đậu tương, bí xanh, khoai tây trên đất 2 lúa. Thực hiện đa dạng cây trồng, đa thời vụ, ưu tiên phát triển các loại cây trồng dễ làm, có thị trường tiêu thụ ổn định và cho hiệu quả kinh tế khá. Quy hoạch hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com