Nghề điêu khắc gỗ truyền thống ở Xuân Phương

09:12, 10/12/2013

Cùng với nghề thêu tranh ở thôn Phú Nhai, xã Xuân Phương (Xuân Trường) còn có nghề điêu khắc gỗ truyền thống ở các thôn Trà Đông, Trà Đoài. Theo các cụ cao niên, nghề chạm khắc gỗ của xã có bề dày truyền thống trên 100 năm với các loại sản phẩm chủ yếu là: tượng, tòa thờ, kiệu thờ phục vụ sinh hoạt tôn giáo với nguyên liệu chính là các loại gỗ de, dổi, mít… Nét tinh túy nhất của nghề chạm khắc gỗ Trà Đông, Trà Đoài là các công đoạn sản xuất chính (vẽ mẫu, đục, đẽo, chạm, khắc, đánh bóng, phun sơn, thếp vàng, bạc) đều được làm thủ công.

Sản xuất các sản phẩm điêu khắc gỗ tại cơ sở Quốc Chẩn, xóm 1, xã Xuân Phương.
Sản xuất các sản phẩm điêu khắc gỗ tại cơ sở Quốc Chẩn, xóm 1, xã Xuân Phương.

Ông Trần Ngọc Tuyền, năm nay 66 tuổi là người chuyên vẽ các mẫu cho biết: Với những mẫu thông thường, chỉ cần từ 10-12 ngày là hoàn thành, nhưng có mẫu cầu kỳ phải mất 18-20 ngày mới xong. Bởi các sản phẩm tòa, kiệu thờ có hàng nghìn chi tiết, hoa văn, hình khối không chỉ đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cao mà quan trọng là người vẽ phải có óc thẩm mĩ, tài hoa kết hợp với kinh nghiệm tích luỹ của người thợ lành nghề. Từ những bản vẽ thiết kế tổng thể tỉ lệ 1:10, người thợ phải vẽ lại trên giấy thành “phôi” mẫu với tỉ lệ 1:1, vẽ lại trên mặt gỗ rồi mới bắt đầu tạo hình với các kỹ thuật cao như: khoét sâu, chạm nổi, “kênh bông” (đục moi) chi tiết. Hoàn thành phần tạo hình thô, sản phẩm cần qua bàn tay của những thợ cả giàu kinh nghiệm “chuốt” lại để làm nổi bật các đường nét, góc cạnh rồi mới đến công đoạn đánh giấy ráp làm nhẵn. Làm nhẵn bề mặt xong phải ráp từng phần lại theo mẫu rồi mới thực hiện công đoạn quét sơn lót, sơn PU hoặc thếp vàng, bạc, hoặc phủ “hòe” (một loại sơn có màu vàng cánh gián đặc trưng dùng cho các đồ thờ cúng). Các công đoạn sản xuất đều công phu, tỉ mỉ nhưng quan trọng và tinh tế nhất là khâu thếp vàng, bạc. Sau khi hoàn thành tất cả các công đoạn gia công, “hàng mộc” phải qua một lần “khò” để đốt hết các dăm gỗ nhỏ và thật khô rồi được quét từ 2-3 lớp sơn lót, phủ 1 lớp sơn “cầm” sau đó mới đưa vào thếp. Vàng, bạc để thếp là loại chuyên dụng, được dát thật mỏng, khi thếp không những phải tỉ mỉ, kiên nhẫn mà nhất thiết phải tránh gió, nhẹ tay để giảm tối đa hao hụt nguyên liệu gây lãng phí và ảnh hưởng đến thẩm mĩ của sản phẩm. Không chỉ cầu kỳ trong sản phẩm tòa, kiệu thờ, các sản phẩm tượng của làng nghề cũng rất công phu với hai dòng chính là tượng rỗng sơn các màu và tượng đặc sơn PU. Ngoài các nguyên liệu phụ trợ như sơn (chống mối mọt, chống trầy xước), người thợ làng nghề còn có những “bí quyết” riêng để giảm thiểu tối đa tác hại của thời tiết, tăng độ bền cho sản phẩm, giúp vận chuyển dễ dàng. Nhờ kết hợp giữa tinh hoa và kinh nghiệm hàng trăm năm của làng nghề, các sản phẩm điêu khắc gỗ của thôn Trà Đông, Trà Đoài được tiêu thụ mạnh trong cả nước. Làng nghề hiện có 20 cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở thu hút từ 3-7 lao động, trong đó có 5 cơ sở thu hút từ 10-15 lao động là hộ các ông: Trần Ngọc Chẩn, Trần Văn Hiện, Hoàng Sơn Nam, Phan Văn Chung, Hoàng Văn Đồng… Để phát triển làng nghề bền vững, các hộ làm nghề đã có sự phân công chuyên môn hóa theo từng công đoạn sản xuất như: hộ các ông Chẩn, Nam, Đồng chuyên gia công phần mộc; hộ các ông Tuyền, Chung chuyên sơn, thếp sản phẩm. Các hộ này cũng là “đầu mối” tạo việc làm, nhận truyền dạy nghề cho lớp trẻ trong thôn, trong xã. Ông Trần Văn Chẩn, chủ cơ sở Quốc Chẩn, xóm 1 cho biết: Điêu khắc gỗ là nghề gia truyền, đến ông đã là đời thứ 5. Cơ sở của ông hiện có 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng và gần 10 hộ nhận gia công sản phẩm tại gia đình với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/hộ/tháng. Các sản phẩm điêu khắc gỗ của cơ sở Quốc Chẩn hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh… Cơ sở sản xuất của ông Chẩn hiện đang giữ “kỷ lục” của làng nghề với các sản phẩm: bộ tòa thờ sơn son thếp vàng cao 15m, rộng 10m, dùng 5m3 gỗ và 20 lao động làm liên tục trong 1 tháng và bức tượng đặc cao 3m.

Nghề điêu khắc gỗ truyền thống của các thôn Trà Đông, Trà Đoài cùng với nghề thêu ren đã góp phần nâng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề, dịch vụ chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất của xã. Để tạo điều kiện hỗ trợ các làng nghề truyền thống phát triển bền vững, xã Xuân Phương đã quy hoạch 4,4ha đất tại xóm 1 và xóm Bắc để tạo mặt bằng thu hút các hộ làm nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, nghề thêu truyền thống đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề. Xã đã thành lập tổ quản lý làng nghề truyền thống phối hợp với các đoàn thể để liên kết giúp nhau trong sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com