Xã Yên Dương (Ý Yên) là địa phương có tiềm năng và truyền thống thâm canh cây màu vụ đông với khoảng 200ha. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn mang tính tự phát, đầu ra cho sản phẩm hầu hết tiêu thụ qua thương lái, dẫn tới tình trạng “được mùa, mất giá”, hiệu quả sản xuất không cao. Trước thực trạng trên vụ đông năm 2013, xã Yên Dương đã liên kết với Cty TNHH Ớt Việt Nam thực hiện mô hình tiêu thụ sản phẩm ớt xuất khẩu, nhằm hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa cho nông dân.
Kiểm tra, phát hiện sâu bệnh trên cây ớt ở xã Yên Dương. |
Mô hình sản xuất ớt xuất khẩu của xã có quy mô 4ha, với trên 50 hộ tham gia. Theo thoả thuận, Cty đầu tư ứng trước hạt giống, thuốc trừ sâu bệnh; phân công cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân từ kỹ thuật làm đất, cách gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến khi kết thúc vụ thu hoạch và đảm nhận thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá 5.000 đồng/kg; nếu thị trường có biến động giá tăng, Cty sẽ có văn bản điều chỉnh từng đợt cụ thể, làm cơ sở để xã thanh toán. Xã có trách nhiệm ký hợp đồng sản xuất với từng hộ nông dân tham gia và tổ chức sản xuất, đảm bảo các điều kiện tưới, tiêu nước và tuân thủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn; quản lý chặt chẽ sản phẩm, đảm bảo người trồng giao hết sản phẩm cho Cty. Để bảo đảm thành công, Cty TNHH Ớt Việt Nam tổ chức hội thảo, đưa cán bộ kỹ thuật về khảo sát, đánh giá các điều kiện về tưới, tiêu, thổ nhưỡng, giao thông, phong tục tập quán sản xuất của nông dân để có phương án đầu tư hiệu quả nhất. Trước vụ gieo trồng, xã phối hợp với Cty xây dựng vùng sản xuất, tổ chức tập huấn kỹ thuật ngay trên đồng ruộng cho các hộ nông dân tham gia. Giống ớt được trồng là giống ớt lai số 7 của Trung Quốc. Đây là giống ớt có thể cho thu hoạch sớm hơn các giống ớt bình thường từ 10-15 ngày và thời gian thu hoạch kéo dài; nếu chăm bón đúng kỹ thuật, năng suất sẽ cao hơn hẳn các giống ớt quả to như ớt số 20 của miền Nam, hoặc các giống ớt của Hàn Quốc, Đài Loan… Xã tổ chức gieo hạt giống tập trung, giao cho 3 hộ nông dân có kinh nghiệm gieo hạt giống là hộ ông Trần Văn Bốn, thôn Vũ Xuyên, bà Nguyễn Thị Hòa và Phạm Thị Thêu ở thôn Cẩm gieo tập trung tại vườn ươm. Sau khi gieo 15-20 ngày, các hộ đăng ký trồng trực tiếp đến nhận cây giống để đem ra ruộng trồng. Đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Dương cho biết, các hộ nông dân trong xã đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Ngay từ khâu làm đất, các hộ đã cày bừa kỹ và làm sạch cỏ dại, lên luống với mặt luống rộng 70cm, cao 30cm, rãnh đi lại 30cm, trên luống bổ rạch 2 hàng, đảm bảo hàng cách hàng 35-40cm. Sau đó, các hộ rải đều phân chuồng trộn với phân NPK và lấp lớp đất dày 3cm để trồng với mật độ cây cách cây 25-30cm, mỗi sào trồng 1.200-1.400 cây, khi trồng xong tiến hành phủ kín rạ để giữ ẩm cho đất và ngăn cỏ dại mọc. Ông Nguyễn Văn Vị, thôn Cẩm cho biết, những vụ đông trước, gia đình ông thường trồng cải bắp, tuy nhiên giá bán thất thường, đầu ra không ổn định. Vụ đông năm nay, ông tham gia trồng cây ớt xuất khẩu với diện tích 1,5 sào. Được cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật tận tình và có sự hỗ trợ của xã nên gia đình ông rất yên tâm. Khác với các cây trồng khác, khi trồng cây ớt lai số 7 của Trung Quốc đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, quá trình trồng phải bón đầy đủ lượng phân hữu cơ và phân NPK. Trong phòng trừ sâu bệnh cho ớt, yêu cầu phòng là chính vì lượng quả trên cây nhiều, nếu bị sâu bệnh phá hại rồi mới phun trừ thì ngọn cây không thể phát triển được. Vì thế, cán bộ Cty cùng với cán bộ xã thường xuyên thăm ruộng và kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây, phát hiện sâu bệnh để đôn đốc bà con nông dân phun thuốc phòng sâu bệnh kịp thời. Để sản phẩm ớt đạt tiêu chuẩn, đúng quy cách chất lượng, khi thu hoạch, các hộ nông dân phải đảm bảo quả ớt tươi, chín đỏ đều tự nhiên, không sâu bệnh, không dập nát, vặt sạch đài cuống, thu hái ngày nào giao trong ngày đó cho Cty.
Trên cơ sở ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong vụ đông này, xã Yên Dương sẽ xem xét, đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng và phát triển một số mô hình liên kết sản xuất đối với những loại cây khác trên địa bàn trong các vụ sau, từng bước hình thành phương thức sản xuất, kinh doanh mới, đem lại thu nhập cao cho nông dân./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh