Khôi phục và phát triển các làng nghề nón truyền thống

09:12, 03/12/2013

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều làng nghề làm nón truyền thống, như: làng Đào Khê, xã Nghĩa Châu; làng Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng); làng Mạc Sơn, xã Yên Trung (Ý Yên)... Ngoài tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, các làng nghề làm nón còn góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương.

Làm nón ở hộ ông Phạm Văn Trường, xóm 9, làng nghề truyền thống Đào Khê Hạ, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).
Làm nón ở hộ ông Phạm Văn Trường, xóm 9, làng nghề truyền thống Đào Khê Hạ, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).

Đồng chí Vũ Kim Cách, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Châu cho biết: Đến nay, nghề làm nón đã phát triển ở cả 19 xóm của xã. Làng Đào Khê xưa giờ đã phát triển thành 2 làng Đào Khê Thượng, Đào Khê Hạ. Toàn xã có 2.560 hộ thì có tới 70% số hộ làm nón. Ước tính mỗi năm, toàn xã sản xuất được từ 160-165 nghìn sản phẩm nón lá các loại để cung ứng cho thị trường; doanh thu từ nghề làm nón ước đạt từ 20-22 tỷ đồng, chiếm 24-26% tổng thu nhập của toàn xã. Chợ làng Đào Khê thường họp từ sáng sớm và chỉ bán nón lá cùng các nguyên phụ liệu làm nón (mo nứa, lá nón, cước, chỉ…). Chợ nón Đào Khê không chỉ là nơi để người làng đến bán sản phẩm, mua nguyên liệu phục vụ sản xuất mà còn là điểm trung chuyển cung cấp nguyên liệu cho những hộ làm nghề của các xã: Hoàng Nam, Nghĩa Thịnh, Thị trấn Quỹ Nhất… Để làm ra một chiếc nón, ngoài tài hoa và kinh nghiệm của người làm nghề, toàn bộ nguyên phụ liệu đều được nhập từ địa phương khác: nứa từ Thanh Hóa, Lạng Sơn; lá nón từ Hà Tĩnh, cước từ Hải Phòng... Hiện nay, ở xã Nghĩa Châu đã hình thành hệ thống cơ sở chuyên cung cấp nguyên phụ liệu theo từng công đoạn của nghề làm nón. Làng Đào Khê Hạ có hộ các ông: Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Trường, chuyên cung ứng lá nón; Chu Văn Bài chuyên cung ứng nứa; Nguyễn Văn Thắng (xóm 10), Vũ Văn Viết (xóm 14) chuyên cung ứng vành nón; Nguyễn Văn Toàn (xóm 19) chuyên cung ứng vành con, cước khâu, chỉ khâu ni-lon bọc… Làng Đào Khê Thượng đã hình thành một số đại lý chuyên thu gom sản phẩm của hộ các ông: Ninh Văn Phượng, xóm 15; Phạm Văn Thùy, Lê Văn Quang đều ở xóm 14… Xuất phát từ làng Đào Khê, nghề làm nón đã theo chân người làng phát triển ở nhiều địa phương khác như: xã Hoàng Nam, Thị trấn Quỹ Nhất, các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Trung… Thôn Phù Sa Thượng, xã Hoàng Nam hiện có khoảng 500 hộ, với 2.000 khẩu. Ngoài làm nông nghiệp, nghề làm nón lá thu hút hơn 50% số hộ trong thôn tham gia, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Người làm nghề nón lá ở thôn Phù Sa Thượng mua nguyên liệu ở chợ Đào Khê về sản xuất, sản phẩm làm ra một phần phục vụ nhu cầu tại chỗ, phần còn lại được các đại lý thu gom xuất đi các nơi.

Không chỉ ở huyện Nghĩa Hưng, hiện nay trong tỉnh có nhiều địa phương có nghề làm nón phát triển như các xã Xuân Bắc (Xuân Trường); Yên Trung (Ý Yên). Cùng với thêu ren, làm nón là nghề truyền thống ở các thôn: Trung, Nhuộng và Mạc Sơn của xã Yên Trung sau một thời gian trầm lắng, với sự “vào cuộc” của chính quyền địa phương, đến nay nghề làm nón truyền thống ở xã đã được phục hồi và phát triển. Thực hiện đề án phát triển làng nghề truyền thống, UBND xã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; tổ chức tập huấn kỹ thuật, khuyến khích tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức các lớp dạy nghề làm nón theo phương pháp cầm tay chỉ việc; đồng thời tín chấp với các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho gần 1.000 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng. Để nâng cao kỹ thuật làm nón, sau khi được truyền dạy nghề, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động đi tham quan, học hỏi thêm kỹ thuật trang trí và sản xuất các loại nón chất lượng cao phục vụ các lễ hội và việc cưới hỏi tại các làng nghề làm nón truyền thống trong tỉnh và Thành phố Hà Nội. Làng nghề phát triển, các dịch vụ cung ứng nguyên phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ làm nghề cũng trở nên sôi động. Đến nay, nghề làm nón truyền thống của xã Yên Trung đã tạo việc làm cho gần 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 30-50 nghìn đồng/người/ngày. Năm 2013, xã Yên Trung phấn đấu thu nhập từ sản xuất CN-TTCN, dịch vụ đạt 15 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% trong cơ cấu kinh tế của xã.

Nghề làm nón ở các làng nghề đang tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động ở các vùng nông thôn. Hiện nay, nghề làm nón đã không còn vất vả như trước nhờ các công đoạn vò, là lá nón đã được làm bằng máy, các phụ liệu như vành, khuôn cũng đã được sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Tuy nhiên, để hỗ trợ các làng nghề làm nón phát triển bền vững, đã đến lúc cần sự “vào cuộc” của các ngành chức năng trong việc tham mưu với tỉnh tăng cường quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu... góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người làm nghề./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com