Thời gian qua, tiến độ triển khai thi công các công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Nhiều công trình hoàn thành vượt tiến độ, thời gian theo kế hoạch; đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật. Tuy nhiên, do năng lực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của một số chủ đầu tư còn hạn chế; một số chủ đầu tư ở cấp xã phê duyệt dự án vượt quá quy mô cho phép, không có khả năng huy động vốn mà chủ yếu vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ nên khó có khả năng thanh toán; một số nơi đầu tư chưa bám sát với thực tế địa phương, quy mô công trình chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng, đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ nên gây thất thoát, lãng phí về vốn cũng như không phát huy được hiệu quả dự án.
Thi công xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP Nam Định). |
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán các dự án đầu tư xây dựng, báo cáo kinh tế kỹ thuật theo hướng không để sót, thừa khối lượng so với thiết kế và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường kiểm tra chất lượng công trình theo quy định của pháp luật. Các ngành chuyên môn tập trung theo dõi sát sao quá trình đầu tư ngay từ khâu thiết kế cơ sở, giám sát thực hiện, đảm bảo đúng theo thiết kế, công năng sử dụng, quy mô công trình phù hợp với thực tế, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia. Đối với các dự án khởi công mới, người quyết định đầu tư chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Đối với việc xây dựng cải tạo, sửa chữa các trường THPT do nguồn vốn có hạn nên công tác đầu tư phải tiết kiệm, không lãng phí, tập trung vào các công trình trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải không cần thiết hoặc chưa thực sự cấp bách. UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD và ĐT rà soát, xác định số lượng các phòng học, phòng chức năng còn thiếu của từng trường THPT đã được thông báo đầu tư năm 2014-2015; xác định rõ các phòng học chức năng hiện có và cần phải có, công năng sử dụng chuyên môn của từng phòng học để xác định quy mô đầu tư của từng trường, ưu tiên cho các trường còn thiếu các phòng học và phòng học chức năng. Các hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở phải được Sở Xây dựng thẩm định trên tinh thần đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định và tiết kiệm. Đối với các phòng học, phòng học chức năng xây mới thì quy mô phòng học phải theo thiết kế mẫu Bộ Xây dựng ban hành, chiều cao thông thuỷ 1 tầng là 3,6m, chiều rộng hành lang 1,8m. Công tác xử lý nền móng đảm bảo an toàn chịu lực nhưng tránh lãng phí không cần thiết. Đối với các hạng mục cải tạo, sửa chữa, tỉnh yêu cầu giữ nguyên kiến trúc công trình cũ, tập trung tận dụng tối đa hiện trạng sử dụng của các công trình; chỉ cải tạo, sửa chữa, làm mới những phần bị hỏng… Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng) đã tập trung rà soát các báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự toán công trình xây dựng do các đơn vị tư vấn lập, xác định cắt giảm các khối lượng công trình chưa phù hợp với thực tế, bám sát mức độ kinh phí ngân sách đầu tư của tỉnh nhưng vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định về an toàn, chất lượng công trình và công năng sử dụng của các công trình. Tính đến hết tháng 11-2013, Phòng đã thẩm định 94 hồ sơ bản vẽ tiêu chuẩn, 10 bản vẽ thiết kế cơ sở với tổng mức dự toán đơn vị tư vấn lập là 576 tỷ 567 triệu đồng, sau khi thẩm định là 550 tỷ 11 triệu đồng, giúp tiết kiệm cho ngân sách 26 tỷ 556 triệu đồng. Công trình Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP Nam Định) với tổng mức đầu tư dự toán ban đầu là 34 tỷ 991 triệu đồng do Cty CP Tư vấn xây dựng Nam Định thiết kế, bao gồm các hạng mục chính như 21 phòng học mới và nhà hiệu bộ 4 tầng, nhà học chức năng 3 tầng, nhà bếp, nhà ăn và các hạng mục công trình phụ trợ khác. Qua thẩm định của Phòng Quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng đã điều chỉnh dự toán còn 34 tỷ 307 triệu đồng, giúp tiết kiệm cho NSNN hơn 684 triệu đồng. Trường THPT Giao Thuỷ C được xây dựng tại xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ) có tổng mức dự toán lập ban đầu là 12 tỷ 246 triệu đồng, bao gồm 9 phòng học chức năng và các công trình phụ trợ khác do Cty TNHH Tư vấn thiết kế Nhà Việt lập thiết kế. Qua thẩm định tổng mức dự toán giảm xuống chỉ còn 6 tỷ 249 triệu đồng do giảm các khối lượng không cần thiết, điều chỉnh một số khối lượng tính sai. Qua thẩm định dự án cải tạo, sửa chữa Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Nam Định điều chỉnh giảm được 1 tỷ 336 triệu đồng góp phần tăng hiệu quả đầu tư công trình, tiết kiệm cho NSNN. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong 9 tháng năm 2013, Thanh tra Sở Xây dựng đã triển khai 10 cuộc thanh tra, qua đó thu hồi hơn 119 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng, yêu cầu cắt giảm khi thanh, quyết toán hơn 240 triệu đồng.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường đề cao trách nhiệm giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, tập trung quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ khâu vị trí công trình, khảo sát, lập dự án, thẩm tra thiết kế cơ sở. Trong giai đoạn thực hiện xây dựng, Sở Xây dựng tập trung kiểm tra thiết kế kỹ thuật, kiểm tra giám sát quá trình xây dựng, kiểm tra công tác bảo hành, bảo trì… bảo đảm tất cả các công đoạn xây dựng đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật góp phần phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư các công trình./.
Bài và ảnh: Đức Toàn