Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) nhằm tạo cho người nghèo ý thức tiết kiệm, đồng thời có thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn. Đến nay, việc gửi tiền tiết kiệm hằng tháng của người nghèo đã trở thành nếp, số dư không ngừng tăng lên.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực hướng dẫn khách hàng thủ tục vay vốn. |
Đồng chí Trần Văn Quyết, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực cho biết: Thời gian đầu triển khai thực hiện chương trình, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực gặp khó khăn do nhận thức, thói quen của hộ nghèo về tiết kiệm còn hạn chế nên không mặn mà tham gia gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Nhận thức được điều đó, Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến người vay bằng nhiều hình thức như: cử cán bộ ngân hàng, cán bộ làm ủy thác tham dự họp với tổ TK-VV để tiếp cận trực tiếp người vay, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở, phát tờ rơi tới người vay vốn khi giao dịch hoặc họp tổ vay vốn… Phương thức huy động là hằng tháng, người nghèo tham gia tổ sẽ gửi tiết kiệm với mức do tổ thống nhất, vài chục nghìn đồng, thậm chí vài nghìn đồng tuỳ khả năng, thực hiện phương châm “tích tiểu thành đại”. Người gửi cũng được áp dụng lãi suất như gửi không kỳ hạn. Qua đó, từng bước tạo cho người nghèo có ý thức tiết kiệm để tự tạo vốn, làm quen với hoạt động tín dụng, tài chính. Ngân hàng xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, tổ chức tập huấn nội dung, quy trình huy động tiết kiệm, lựa chọn tổ TK-VV có đủ điều kiện để ủy nhiệm huy động tiết kiệm của tổ viên. Tổ TK-VV họp phổ biến nội dung, bàn bạc thống nhất chương trình gửi tiết kiệm và mức tiền gửi. Đối với những tổ TK-VV hoạt động yếu kém, chưa đủ điều kiện triển khai huy động tiết kiệm, ngân hàng báo cáo ban đại diện HĐQT và UBND xã để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo tất cả các tổ TK-VV đều thực hiện tốt nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên. Đến nay, toàn huyện đã có 400 tổ TK-VV (đạt 100%) tham gia và được ủy nhiệm thu tiền gửi tiết kiệm. Tổng số tiền huy động đạt trên 7,5 tỷ đồng với 9.972 thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, chiếm 84% số thành viên của tổ TK-VV. Với mức tiết kiệm trung bình mỗi thành viên tổ TK-VV khoảng 75 nghìn đồng/tháng, theo thời gian số tiền tích lũy không hề nhỏ. Năm 2010, gia đình chị Đoàn Thị Na, xóm 1, xã Nam Mỹ được vay vốn theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Được tổ trưởng tổ TK-VV vận động, giải thích, chị đã gửi tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH qua tổ TK-VV với số tiền 50 nghìn đồng/tháng. Chị Na cho biết: Ban đầu tôi băn khoăn với số tiền đó liệu có mang lại hiệu quả cho mình hay không. Nhưng sau 3 năm, số tiền 2 triệu đồng từ vốn tiết kiệm đã giúp tôi giảm bớt gánh nặng trong việc trả nợ gốc và lãi của món vay. Còn chị Đào Thị Hảo cho biết: “Với mức tiền gửi 50 nghìn đồng/tháng không có ngân hàng nào khác ngoài Ngân hàng CSXH chấp nhận cho chúng tôi gửi tiết kiệm. Lãi suất món tiền gửi giống như lãi suất của các ngân hàng khác nên chúng tôi rất yên tâm khi tham gia chương trình”. Có thể khẳng định, hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ TK-VV đã mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ vay vốn và cả ngân hàng. Đối với các hộ vay vốn, việc tham gia gửi tiền tiết kiệm một cách tự nguyện, không cố định mức tiền gửi không chỉ giảm gánh nặng trả nợ cho ngân hàng mà còn giúp người nghèo hình thành thói quen tư duy kinh tế trong việc sử dụng đồng vốn bảo đảm hiệu quả, tăng thêm sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Trong trường hợp tổ viên gặp khó khăn trong việc trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng thì tổ TK-VV sẽ sử dụng nguồn vốn tiết kiệm để cho vay không lãi suất giúp tổ viên trả nợ, giải quyết khó khăn tạm thời và tạo điều kiện để tổ viên có thể trả nợ dần. Đối với ngân hàng, nguồn vốn huy động được sẽ được bổ sung vào nguồn vốn cho vay, giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để thoát nghèo. Bên cạnh đó, việc giảm nhẹ gánh nặng trả nợ gốc, lãi của người vay từ việc sử dụng tiền gửi tiết kiệm giúp ngân hàng giảm nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng. Hiện tại, nợ quá hạn của Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực chỉ chiếm 0,27% tổng dư nợ cho vay, trong đó có chương trình không phát sinh nợ quá hạn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Ngân hàng CSXH huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua tổ TK-VV. Thường xuyên tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các chương trình cho vay ưu đãi và chương trình huy động tiết kiệm; tích cực trao đổi và cung cấp thông tin, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, giám sát kết quả thực hiện các khâu ủy thác của các tổ chức, đoàn thể nhận uỷ thác. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của cán bộ lãnh đạo tổ chức Hội, đoàn thể nhận uỷ thác cấp xã và ban quản lý tổ TK-VV, kịp thời phát hiện tồn tại, sai sót để khắc phục, xử lý. Tiếp tục chấn chỉnh, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK-VV để đảm bảo tất cả các tổ TK-VV thực hiện tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên./.
Bài và ảnh: Quang Lộc