Trong bối cảnh giá vàng sụt giảm, thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường bất động sản vốn chỉ thích hợp với đầu tư dài hạn và chưa có dấu hiệu hồi phục, thì gửi tiết kiệm đang là giải pháp đầu tư tài chính được đông đảo người dân lựa chọn vì tính an toàn và hiệu quả.
Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. |
Chị Bùi Thị Nhài, giám đốc một doanh nghiệp ở Thành phố Nam Định cho biết: “Lúc trước tôi tập trung nguồn vốn nhàn rỗi đầu tư vào hai kênh chính là vàng và gửi tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại. Thế nhưng thị trường vàng bấp bênh, giá vàng giảm mạnh khiến tôi thiệt hại một khoản tương đối; tiền gửi tiết kiệm dù lãi suất không cao nhưng mang lại cho tôi cảm giác yên tâm và phần nào bù đắp những thiệt hại do đầu tư vào thị trường vàng. Qua nghiên cứu thị trường và kinh nghiệm bản thân, hiện tôi đã chuyển một phần vốn của mình để tham gia các chương trình huy động tiền gửi ngắn hạn”. Hiện nay, tỷ lệ thuận với việc giảm lãi suất cho vay, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng giảm, phổ biến ở mức: không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 1-1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 6,5-7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 7,5-9%/năm. Trao đổi với chúng tôi, một khách hàng đang giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) tỉnh cho biết: “Lãi suất gửi tiết kiệm có thể thấp hơn so với lãi suất đầu tư khác, tuy nhiên yếu tố rủi ro gần như không có, lại luôn đảm bảo tính thanh khoản. Mặt khác, nếu xét theo tỷ lệ lạm phát trong năm 2013 ở mức khoảng 6%, thấp nhất trong 10 năm gần đây thì lãi suất thực tế từ tiền gửi tiết kiệm vẫn là dương. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chọn hướng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng”. Một nguyên nhân khác giúp khách hàng có thể yên tâm khi gửi tiền tiết kiệm là hiện hầu hết các TCTD đều chấp nhận việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn tại ngân hàng. Thủ tục vay vốn qua sổ tiết kiệm nhanh chóng, mức cho vay cao (Dao động từ 90% đến gần 100% mức tiền gửi) và lãi suất cho vay ưu đãi mang lại lợi ích đối với những khách hàng có nhu cầu đột xuất về tiền mặt, giúp khách hàng đảm bảo được mức lãi suất của tiền gửi có kỳ hạn của mình. Tính đến ngày 20-12-2013, số dư huy động tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) tỉnh đạt 420 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm, tăng 130% dư nợ huy động so với cùng kỳ. Trong tổng số 420 tỷ đồng dư nợ huy động của Chi nhánh, có 7 khách hàng lớn hiện nay đang gửi khoảng 165 tỷ đồng và đều là những khách hàng mới. Điều này cho thấy có sự chuyển dịch mạnh mẽ dòng tiền của các nhà đầu tư vào tài khoản tiết kiệm của các ngân hàng. Theo thống kê của Chi nhánh NHNN tỉnh, đến hết ngày 30-11-2013 tổng dư nợ huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 19.151 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Tiền gửi bằng VND đạt 17.779 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 92,8% tổng dư nợ huy động, loại hình tiền gửi có kỳ hạn chiếm 93,1%. Huy động từ dân cư của các TCTD đạt 15.321 tỷ đồng, chiếm 80% tổng dư nợ, huy động từ các tổ chức kinh tế đạt 3.830 tỷ đồng, chiếm 20%. Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ huy động cao so với cùng kỳ như: Chi nhánh Agribank Bắc Nam Định dư nợ huy động đạt 2.522 tỷ đồng, tăng 18,2%; Chi nhánh BIDV tỉnh dư nợ huy động đạt 2.645 tỷ đồng, tăng 12,7%; Chi nhánh Vietcombank tỉnh dư nợ huy động đạt 394 tỷ đồng, tăng 127,7% so với cùng kỳ... Tính đến 30-11-2013, dư nợ huy động tại Chi nhánh Agribank tỉnh đạt 5.586 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Nắm bắt kịp thời xu hướng lựa chọn của các nhà đầu tư và người dân với kênh gửi tiết kiệm, các ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ và các chính sách khuyến mại để thu hút khách hàng, tăng huy động vốn.
Trước những dự báo về nền kinh tế còn tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2014, nhiều nhà đầu tư vẫn sẽ chọn kênh tiền gửi tiết kiệm để tìm đến sự an toàn, hiệu quả. Hiện các TCTD đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đáp ứng nhu cầu gửi tiền tiết kiệm của người dân./.
Bài và ảnh: Quang Lộc