Đa dạng nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường

08:12, 09/12/2013

Những năm qua, nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm. Để duy trì hoạt động của các mô hình tổ thu gom rác thải tại địa phương do các cấp Hội Phụ nữ đảm nhận, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình, kết hợp nguồn kinh phí do các địa phương quy định mức thu phí sử dụng dịch vụ của người dân để có đủ kinh phí duy trì hoạt động ổn định, đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của hội viên phụ nữ và cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường sống. Ngoài ra, các cấp Hội LHPN còn tích cực nhận uỷ thác nguồn vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng CSXH hỗ trợ cho hội viên vay xây dựng công trình nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đang quản lý gần 140 tỷ đồng dư nợ cho các hộ gia đình vay vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động quỹ quay vòng vốn cho xây dựng và cải tạo công trình vệ sinh hộ gia đình ở 29 xã, thị trấn tại 6 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Nam Trực. Qua đó, đã có gần 10 nghìn hộ gia đình được vay vốn để xây nhà tiêu hợp vệ sinh, hoàn trả vốn, lãi đầy đủ, đúng hạn. Hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, phòng tránh các dịch bệnh.

Trạm xử lý nước thải KCN Hoà Xá được đầu tư bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Trạm xử lý nước thải KCN Hoà Xá được đầu tư bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

Ở một số địa phương, dịch vụ VSMT do các HTXDVNN, HTX nước sạch và môi trường đảm nhiệm, hạch toán như một dịch vụ thoả thuận. Mức thu phí dịch vụ hợp lý nên đã được các hộ xã viên đồng tình đóng góp. Từ hiệu quả mô hình tại HTX Trung Lao, Liên minh HTX tỉnh đã nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 HTX làm dịch vụ thu gom rác thải vệ sinh môi trường, trong đó có 2 HTX chuyên vệ sinh môi trường, 1 HTX chuyên nước sạch và vệ sinh môi trường, 15 HTXDVNN làm dịch vụ vệ sinh môi trường, 25 HTX đã làm dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt, đang triển khai bổ sung hoạt động dịch vụ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Hoạt động dịch vụ VSMT của các HTX đã góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân ở một số vùng nông thôn. Ngoài sự nỗ lực tạo nguồn kinh phí từ các tổ chức đoàn thể và ở các địa phương, tỉnh đã đảm bảo mức chi cho sự nghiệp môi trường bằng 1% tổng chi ngân sách. Các ngành chức năng cũng đã chủ động triển khai các chương trình, dự án đẩy mạnh công tác BVMT. Các địa phương khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư cho công tác BVMT, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho công tác BVMT. Nhờ đó, các mô hình thu gom rác thải đều cơ bản có đủ kinh phí để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nguồn tài chính dành cho công tác BVMT ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các ngành nghề CN-TTCN; hoặc các chương trình khắc phục ô nhiễm môi trường, BVMT tầm vĩ mô vẫn chưa có đủ nguồn tài chính để thực hiện triệt để các biện pháp BVMT.

Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 22-12-2011 của Ban TVTU về tăng cường các biện pháp BVMT nêu rõ, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cho hoạt động BVMT; các ngành chức năng phải chủ động bố trí hợp lý nguồn tài chính đầu tư cho công tác BVMT trong mọi hoạt động của ngành mình; các địa phương tích cực kêu gọi, huy động kinh phí của nhân dân, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp. Theo chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của UBND tỉnh, để đạt mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với các tác động của BĐKH, phòng tránh thiên tai bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội và BVMT; bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, phòng tránh và giảm thiểu những hiểm họa của BĐKH, tỉnh ta sẽ đổi mới cơ chế tài chính, tăng thu ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho việc ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT. Kết hợp tăng chi từ ngân sách với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho ứng phó với BĐKH. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực, kể cả các nguồn vốn ODA để đầu tư cho ứng phó với BĐKH và BVMT, nhất là lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế chất thải, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, trồng và bảo vệ rừng. Tăng cường huy động nguồn thu từ tài nguyên và môi trường để đầu tư trở lại cho công tác quản lý tài nguyên và BVMT, vận dụng có hiệu quả nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường, người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho công tác quản lý tài nguyên và BVMT. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển, người dân bị ảnh hưởng do khai thác tài nguyên quá mức. Khuyến khích các phong trào quần chúng tham gia BVMT, đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của Uỷ ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan truyền thông. Đối với công tác BVMT làng nghề, để đạt mục tiêu đến hết năm 2015 xử lý 100% làng nghề hiện bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo danh sách Bộ TN và MT đã công bố; giai đoạn 2016-2020 tiếp tục xử lý tại các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn tồn tại và các làng nghề ô nhiễm môi trường phát sinh; các sở, ban, ngành liên quan xem xét, tham mưu phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học và công nghệ cùng các nguồn đầu tư khác cho công tác BVMT, khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Kinh phí phân bổ cho công tác BVMT làng nghề hằng năm không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường. Lồng ghép đề án BVMT làng nghề vào các chương trình, đề án có liên quan như: Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xử lý các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; Chương trình MTQG xây dựng NTM; Chương trình MTQG về nước sạch và VSMT nông thôn; Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sản xuất; xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng BVMT làng nghề./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com