Chủ động phòng, chống dịch lở mồm long móng cho đàn gia súc

08:12, 24/12/2013

Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nguy cơ dịch LMLM phát sinh, lây lan trong thời gian tới rất cao do mầm bệnh tồn tại ở môi trường nơi có ổ dịch cũ. Trong khi đó, kết quả tiêm phòng vắc xin LMLM vụ thu 2013 của tỉnh đạt tỷ lệ thấp; mặt khác thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các hộ đang tích cực tăng đàn vật nuôi; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc tại xã Xuân Tân (Xuân Trường).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc tại xã Xuân Tân (Xuân Trường).

Bệnh LMLM gia súc là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan nhanh, với 7 tuýp vi-rút: A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3. Vi-rút chủ yếu gây bệnh cho trâu, bò, dê… Bệnh lây lan trực tiếp do động vật khỏe tiếp xúc trực tiếp với động vật mắc bệnh hoặc lây lan gián tiếp do động vật khoẻ tiếp xúc với sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép có mang mầm bệnh; bệnh lây lan qua đường hô hấp do vi rút phát tán trong không khí. Thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, dao động từ 1-7 ngày. Ngày đầu con vật sốt cao 40-410C, kém ăn hoặc bỏ ăn, chảy nước mũi, tiết nhiều nước bọt, nhanh chóng giảm cân và giảm sản lượng sữa. Trường hợp vi-rút có độc lực cao sẽ gây biến chứng cơ tim làm con vật chết đột ngột mà không có biểu hiện triệu chứng bên ngoài. Sau khi phát bệnh 10-15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể và thải mầm bệnh ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh. Để chủ động ngăn chặn dịch LMLM phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, tính chất lây lan của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM hiệu quả, nhất là biện pháp tiêm phòng vắc xin. Tập trung chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn, không để tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn còn ký cam kết với các hộ buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn, nhất là các hộ vận chuyển trâu, bò; không vận chuyển, giết mổ gia súc bị bệnh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc. Đồng chí Phạm Thị Cúc, Trưởng Thú y xã Xuân Tân (Xuân Trường) cho biết: Những năm qua, ngoài công tác tiêm phòng chính vụ, xã thường xuyên tổ chức tiêm phòng bổ sung nên tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc của xã luôn đạt 100% kế hoạch. Đối với tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò, xã giao cho Trưởng Thú y xã trực tiếp tiêm. Bên cạnh đó, xã thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng, chống LMLM cho người dân nên trên địa bàn xã Xuân Tân không còn hiện tượng bùng phát dịch. Xã Yên Hưng (Ý Yên) nằm ở ven đê sông Đáy, tổng đàn trâu, bò có trên 400 con. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã thường xuyên thực hiện các đợt tổng vệ sinh làm sạch môi trường, khơi thông cống rãnh và yêu cầu các hộ chăn nuôi hằng ngày quét dọn chuồng nuôi, thu gom phân, rác thải để ủ, đốt hoặc chôn. Ngoài ra, xã tổ chức định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nơi chăn thả, dụng cụ chăn nuôi, khu vực giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, những nơi bị ngập úng mỗi tuần một lần bằng vôi bột và các loại hóa chất sát trùng như Benkocid, Han-Iodine, Virkon… Xã yêu cầu các hộ chăn nuôi gia súc hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, thường xuyên rắc vôi bột ở lối đi, cửa chuồng nuôi... Vì vậy, từ nhiều năm qua ở Yên Hưng không xảy ra dịch bệnh gia súc.

Trong thời gian qua, UBND các huyện, thành phố đã triển khai nghiêm túc Công điện số 15/CĐ-BNN-TY ngày 24-10-2013 của Bộ NN và PTNT về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc; tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 16-8-2013 của UBND tỉnh. Công tác kiểm tra, rà soát, thống kê đàn trâu, bò, dê và tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin LMLM cho những con trâu, bò chưa được tiêm phòng được thực hiện chặt chẽ, nhất là tại các địa phương đã từng xảy ra dịch và nơi có nhiều hoạt động vận chuyển, giết mổ trâu, bò. Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm các ổ dịch; yêu cầu các hộ chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y, đồng thời áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt, nhanh chóng bao vây dập tắt dịch không để lây lan ra diện rộng. Cùng với công tác phòng, chống dịch LMLM, các ngành, các địa phương đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi cải tạo, sửa chữa chuồng trại cao ráo, chắc chắn đảm bảo thông thoáng, ấm, tránh mưa rét, gió lùa. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi, cung cấp đủ dinh dưỡng, thường xuyên bổ sung các loại vitamin vào khẩu phần ăn; không chăn thả gia súc vào những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 120C. Đến nay, đàn gia súc trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com