Dù mới “bén duyên” với vùng đất Hải Hậu vài năm gần đây, song cây thanh long đang khẳng định vị thế trên vùng đất miền biển này với giá trị đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Gặp chúng tôi khi vừa thu hoạch xong lứa thanh long đầu tiên, ông Nguyễn Văn Thoan, xóm 3, xã Hải An phấn khởi cho biết: Trồng thanh long vừa nhàn lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với một số loại cây ăn quả khác. Cuối năm 2011, trong một lần xem trên truyền hình, biết một số hộ nông dân ở trong tỉnh trồng thanh long có hiệu quả, ông Thoan đã tự tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy, thanh long có vẻ hợp với đất đai quê mình, lại dễ trồng, không cần nhiều nước, quả thanh long có ưu điểm nổi bật là thơm, ngọt đậm, đẹp mắt, được thị trường ưa dùng. Vì vậy, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 triệu đồng làm trụ bê tông trồng 120 trụ thanh long. Đến nay, mỗi tháng 1 trụ thanh long cho thu từ 2,5-3kg quả. Với giá bán hiện nay khoảng 25-30 nghìn đồng/kg, ông thu 6-7 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển kinh tế riêng của gia đình, ông Thoan cũng tích cực tham gia giúp đỡ về kỹ thuật, cung cấp giống thanh long cho những hội viên nông dân trong xã. Ở Hải Đường, cây thanh long cũng đang mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc thanh long, ông Trần Văn Long, xóm 9, xã Hải Đường cho biết: Cây thanh long thuộc họ xương rồng nên sống khoẻ, kỹ thuật trồng không khó, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, lại ít bị sâu bệnh. Quá trình sinh trưởng, cây chỉ có thể bị bệnh nấm, thối lá, nhưng nếu phát hiện, cắt bỏ phần bị bệnh là cây lại phát triển bình thường.
Mô hình trồng thanh long trái vụ của gia đình ông Phạm Văn Giang, xóm 9, xã Hải Đường. |
Sau 6 năm “cắm” ở đất Hải Đường, đến nay, cây thanh long phát triển tốt, quả thanh long được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện trong xã có hơn 70 hộ đã tiến hành cải tạo vườn tạp, đầu tư xây cột trụ bê tông để trồng thanh long. Tổng diện tích trồng thanh long trên đất vườn của xã đạt trên 2ha, hộ thấp nhất 0,5 sào, phần lớn các hộ trồng từ 1,5-2,5 sào. Bình quân mỗi sào trồng thanh long đặt 55-60 trụ, mỗi trụ trồng 4 mầm giống. Sau hai năm, cây thanh long cho thu vụ quả đầu tiên và thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 12 hằng năm với 5-7 lứa quả/năm. Mỗi trụ cho thu khoảng 20kg, từ năm thứ 3 trở đi có thể đạt 30-35 kg/trụ. Mỗi năm, một sào thanh long cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Theo lý thuyết mỗi trụ thanh long có thể cho thu hoạch kéo dài khoảng 15 năm. Gia đình ông Phạm Văn Giang, xóm 9 là hộ đầu tiên trồng thanh long ở xã Hải Đường. Năm 2006, qua những thông tin tìm hiểu trên báo chí, ông đã quyết định vào Bình Thuận tham quan những mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Giang đã đưa hom giống thanh long ruột đỏ về trồng trên 2 sào vườn của gia đình. Sau hơn 2 năm, gia đình ông thu được trên 3 tấn quả. Nhận thấy hiệu quả, ông Giang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Đến năm 2011, diện tích trồng thanh long của gia đình ông đã đạt 7 sào với 350 trụ cây thanh long, trong đó 220 trụ trồng thanh long ruột trắng, 130 trụ thanh long ruột đỏ. Năm 2013, gia đình ông thu nhập được hơn 100 triệu đồng từ thanh long. Nhờ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật, hiện ông Giang đã có thể cho thanh long ra hoa trái vụ nên mỗi cân thanh long cho lãi gấp 2-3 lần quả chính vụ. Học tập kinh nghiệm từ ông Giang, nhiều hộ trong xóm, trong xã đã cải tạo vườn tạp, đưa giống thanh long ruột đỏ vào trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện diện tích trồng thanh long ở Hải Hậu vẫn tiếp tục được mở rộng. Ước tính năm nay bà con trồng thanh long ở huyện có nguồn thu đạt trên 600 triệu đồng.
Theo báo cáo của HND huyện Hải Hậu, hiện trên địa bàn huyện có trên 40ha thanh long, chủ yếu ở các xã Hải Đường, Hải Châu, Hải Lộc, Hải Minh... Đồng chí Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HND xã Hải Đường cho biết, tuy thanh long cho hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng khác, song đầu tư ban đầu khá lớn do phải chi phí cho việc làm cọc bê tông (gần 150.000 đồng/cột) và các loại vật tư như: phân bón, chất điều tiết sinh trưởng, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật... vì thế nông dân còn khá e dè trong việc mở rộng diện tích. Người trồng phải kéo dài thời gian thu hoạch quả thì mới bảo đảm hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, thanh long là cây trồng mới nên kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, thời tiết khí hậu miền Bắc rét đậm, rét hại vào mùa đông; cường độ ánh sáng yếu trong mùa xuân; nắng nóng, mưa bão xảy ra trong mùa hè ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu quả của cây thanh long và là nguyên nhân chính phát sinh sâu bệnh hại. Vì vậy việc phát triển, mở rộng diện tích trồng thanh long cần được ngành chức năng của tỉnh và huyện có kế hoạch, định hướng cụ thể hướng dẫn cho người trồng, kết hợp các biện pháp hỗ trợ sản xuất về vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm. Người trồng thanh long cần chủ động nghiên cứu tính toán kỹ khi quyết định đầu tư, mở rộng diện tích và đi tham quan học tập kinh nghiệm tại một số địa phương “trung tâm” của loại cây này như: Bình Thuận, Vĩnh Long, Long An... về lựa chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm thanh long./.
Bài và ảnh: Vũ Hoàng