Vụ cá Nam thắng lợi

08:11, 18/11/2013

Vụ cá Nam thường bắt đầu vào đầu tháng 4 và kéo dài đến tháng 10 hằng năm. Tuy thời tiết vụ cá Nam năm nay có nhiều biến động, chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới nhưng bà con ngư dân vẫn tích cực bám biển, tổ chức sản xuất.

Tàu, thuyền ở Bến cá Doanh Châu (Hải Hậu) chuẩn bị ra khơi.
Tàu, thuyền ở Bến cá Doanh Châu (Hải Hậu) chuẩn bị ra khơi.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Sở NN và PTNT đã hướng dẫn, động viên ngư dân chuẩn bị tốt các điều kiện như tàu thuyền, ngư lưới cụ để tổ chức sản xuất, phát huy tối đa năng lực các đội tàu khai thác theo tổ, đội, đoàn và liên kết với dịch vụ hậu cần, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân ổn định sản xuất trước những biến động về giá nhiên liệu, vật tư, giá bán sản phẩm. Công tác quản lý và tổ chức lại sản xuất đối với nghề khai thác thủy sản đã được đẩy mạnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện ven biển tổ chức hướng dẫn ngư dân thành lập các đoàn, tổ, đội khai thác thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 38 đoàn, tổ, đội khai thác; trong đó huyện Giao Thủy có 25 tổ, đội, huyện Hải Hậu 10 tổ, đội, huyện Nghĩa Hưng 2 tổ, đội và huyện Trực Ninh có 1 tổ đội với 1.198 tàu tham gia. Từ khi thành lập các đoàn, tổ, đội sản xuất, năng suất khai thác ngày một tăng cao. Trên biển các tàu thường xuyên thông tin cho nhau về ngư trường, giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi có tai nạn, rủi ro góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên biển… Tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Nam năm 2013 toàn tỉnh đạt 22.896 tấn, bằng 104,07% kế hoạch, tăng 8,18% so với cùng kỳ năm 2012. Khai thác mặn lợ đạt 21.823 tấn, khai thác nội địa đạt 1.073 tấn (gồm 15.446 tấn cá, 1.608 tấn tôm, thủy sản khác 5.845 tấn). Một số tổ, đội tàu, thuyền của các xã: Hải Triều, Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu)… khai thác đạt hiệu quả cao, có nhiều tàu đạt doanh số 160-250 triệu đồng/chuyến. Ông Trần Văn Trung, ngư dân đội khai thác xã Hải Lý cho biết: “Phát huy tối đa năng lực đội tàu khai thác liên kết với dịch vụ hậu cần, công tác dự báo ngư trường ngày càng hiệu quả nên các đội tàu kịp thời hỗ trợ, giúp ngư dân ổn định sản xuất trước những biến động về giá nhiên liệu, vật tư, giá bán sản phẩm. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ được thực hiện đã góp phần vào thắng lợi của vụ khai thác cá Nam năm 2013. Vụ này, doanh thu tàu cá của chúng tôi đạt 200 triệu đồng/chuyến”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà ngư dân gặp phải ở vụ cá Nam là giá các loại vật tư phục vụ khai thác, ngư lưới cụ, nhất là xăng, dầu biến động thất thường, trong khi giá hải sản tăng không đáng kể nên thu nhập của chủ tàu và người lao động giảm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật khai thác thủy sản tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với yêu cầu sản xuất, nhất là hệ thống cầu cảng, bến bãi, giao thông, điện… Hệ thống hậu cần dịch vụ còn nhỏ lẻ và chưa đáp ứng được nhu cầu thu mua, bảo quản, chế biến nên đã làm giảm giá trị sản phẩm thủy sản. Thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm thủy sản không ổn định. Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật và năng lực quản lý, tổ chức sản xuất đối với khai thác xa bờ còn hạn chế; còn nhiều thuyền trưởng, máy trưởng cũng như thuyền viên chưa được đào tạo cơ bản, thiếu lao động lành nghề, năng suất và hiệu quả đánh bắt chưa cao. Công tác thu thập dữ liệu khai thác (sản lượng, đối tượng, phân loại) còn nhiều bất cập, số liệu, thông tin chưa đủ độ tin cậy để đánh giá trữ lượng và khả năng cho phép khai thác nguồn lợi hải sản, gây khó khăn cho công tác quản lý nguồn lợi… Tình trạng sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, dùng xung điện để khai thác vẫn chưa được khắc phục. Mật độ tàu, thuyền khai thác vùng biển gần bờ quá đông gây nguy cơ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường dải ven bờ. Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khai thác còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ.

Để khắc phục những khó khăn trên thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tổ, đội khai thác, hội nghề cá trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi. Xây dựng kế hoạch điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác, các mô hình cải tiến ngư cụ, máy móc nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, đảm bảo ATVSTP. Tập trung phát triển các nghề khai thác những đối tượng thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao và có lợi thế. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức, quản lý và điều hành sản xuất trong khai thác thủy sản. Củng cố xây dựng hệ thống dự báo ngư trường, thông tin kịp thời đến ngư dân về dự báo ngư trường khai thác, trữ lượng nguồn lợi và khả năng cho phép đánh bắt. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa như: đăng ký danh sách tàu thuyền thường xuyên hoạt động tại vùng biển xa, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ chi phí nhiên liệu, mua máy thông tin liên lạc HF tầm xa, mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với thủy, hải sản…

Vượt qua áp lực về chi phí vật tư phục vụ khai thác tăng cao cũng như những biến động bất thuận của thời tiết, những ngày này ngư dân trong tỉnh đang tích cực bám biển tiếp tục khai thác vụ cá Bắc. Sở NN và PTNT cũng đang phối hợp với chính quyền các địa phương và các Đồn, Trạm Biên phòng tích cực bám sát địa bàn, triển khai các phương án hỗ trợ, bảo vệ ngư dân sản xuất trên biển bảo đảm an toàn, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com