Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản

07:11, 04/11/2013

Để khai thác tốt tiềm năng về lao động và nguồn lợi biển, Sở NN và PTNT đang tổ chức thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, tập trung phát triển mạnh nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển. Theo đó tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 25-30% tàu cá khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết; trong đó, 65-70% tàu cá hoạt động ở vùng khơi tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường, giảm số tàu làm nghề lưới kéo xuống dưới 15% tổng số tàu cá khai thác hải sản; giám sát, quản lý được khoảng 80% tàu cá hoạt động trên các vùng biển; quan sát hành trình hoạt động trên biển đối với 30% tàu khai thác hải sản ở vùng khơi. Tất cả các tàu khai thác hải sản vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường ngắn hạn 30 ngày/bản tin; giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm nghêu; giảm số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển...

Bến cá Thịnh Long (Hải Hậu).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Bến cá Thịnh Long (Hải Hậu).

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện ven biển tham mưu tổ chức thực hiện. Cụ thể, tại vùng biển ven bờ và vùng lộng tổ chức rà soát số lượng tàu thuyền khai thác hải sản làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển các loại nghề phù hợp với trữ lượng và khả năng cho phép của vùng biển; điều tra nguồn lợi thủy sản; tổ chức kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh. Sở NN và PTNT tham mưu xây dựng phương án và tổ chức phân chia ranh giới vùng biển ven bờ với 2 tỉnh Thái Bình và Ninh Bình theo Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31-3-2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển. Tổ chức lựa chọn và xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá tại các vùng biển ven bờ. Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường biển, nhằm tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống ngư dân và bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển. Đồng thời, xây dựng, phát triển các mô hình liên doanh, liên kết gắn sản xuất với khai thác, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với điều kiện nghề cá của địa phương. Củng cố, xây dựng các làng nghề truyền thống gắn với xây dựng NTM ở vùng ven biển. Đối với vùng biển xa bờ, củng cố, phát triển các mô hình khai thác thủy, hải sản theo nhóm nghề, đối tượng khai thác dựa trên quy hoạch của Bộ NN và PTNT. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT tổ chức xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất như: HTX, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với tổ chức lại sản xuất khai thác trên các vùng biển, tổ chức rà soát, sắp xếp lại dịch vụ hậu nghề cá phục vụ cho khai thác hải sản, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu phát triển các HTX, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại cảng. Tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình liên kết giữa các tàu, nhóm tàu khai thác hải sản kết hợp với tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Tập trung triển khai xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu vực neo đậu tàu thuyền đảm bảo đồng bộ và từng bước hiện đại. Tăng cường xây dựng, áp dụng mô hình quản lý tàu cá bằng hệ thống thông tin. Từng bước áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo các quy trình về ATTP và phù hợp với các cam kết quốc tế về khai thác hải sản. Phát triển, nhân rộng các mô hình bảo quản sản phẩm, khai thác hải sản tiên tiến như: bảo quản bằng nước biển lạnh tuần hoàn, bọt xốp Polyurethane, lót hầm tàu cá bằng inox thay cho hầm gỗ trước đây… Củng cố, phát triển các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, đảm bảo việc phát triển tàu cá theo đúng định hướng của tỉnh và Bộ NN và PTNT. Sở NN và PTNT cần tổ chức triển khai thực hiện tốt Thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10-5-2013 của Bộ NN và PTNT, trong đó tập trung triển khai tổ chức rà soát, tiếp tục đánh dấu lại các tàu cá hoặc những tàu cải hoán, sơn lại tàu… đảm bảo 100% tàu cá phải thực hiện đánh dấu theo quy định. Hướng dẫn ngư dân ghi sổ nhật ký khai thác thủy sản, đảm bảo 100% tàu cá khai thác thủy sản xa bờ phải thực hiện ghi và nộp sổ nhật ký theo quy định. Hiện, Sở NN và PTNT đang phối hợp với Sở NN và PTNT các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình tổ chức khảo sát thực tế trên biển làm cơ sở xác định ranh giới quản lý khai thác hải sản vùng ven bờ để cuối năm 2013, tỉnh sẽ thống nhất, ký hiệp thương với 2 tỉnh Thái Bình và Ninh Bình. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư tăng cường phân công cán bộ trực tiếp xuống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền để hướng dẫn và tham gia cùng ngư dân thực hiện đánh dấu tàu cá. Đến nay, ngành chức năng đã đánh dấu được 615/628 tàu cá, đạt 97,93% tổng số tàu cá thuộc diện phải đánh dấu. UBND các huyện đã tổ chức quán triệt nội dung đề án và kế hoạch tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản của UBND tỉnh đến cán bộ chủ chốt huyện, xã; bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển khai thác thủy, hải sản; chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng, lập kế hoạch hoạt động cụ thể sát hợp với tình hình thực tế ở địa phương; lập và tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; phối hợp với các cơ quan có liên quan và các nhà tài trợ thu hút nguồn vốn và sự hỗ trợ kỹ thuật nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động tổ chức lại nghề khai thác thủy sản của địa phương.

Việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nghề, từng ngư trường của tỉnh là hướng đi đúng, nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, hướng đến phát triển nghề khai thác hải sản hiệu quả và bền vững, góp phần bảo vệ ổn định an ninh chủ quyền vùng biển của Tổ quốc./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com