Tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho

07:11, 23/11/2013

Theo Sở Công thương, tình trạng hàng tồn kho ở các doanh nghiệp trong tỉnh xảy ra từ năm 2011 và kéo dài đến giữa năm 2013 với mức độ gia tăng ngày càng cao. Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tập trung ở 3 mặt hàng chính là vật liệu xây dựng, đồ gỗ mỹ nghệ và sản phẩm cơ khí ở cả dạng thành phẩm, sản phẩm dở dang và nguyên vật liệu với tổng trị giá khoảng 45 tỷ đồng. Trong đó, vật liệu xây dựng tồn kho chủ yếu là gạch đất nung ở hầu hết các huyện, thành phố; sản phẩm cơ khí, đóng tàu tập trung ở huyện Xuân Trường, Giao Thủy; sản phẩm gỗ mỹ nghệ tập trung ở các làng nghề Trung Lao (Trực Ninh), La Xuyên (Ý Yên) và Hải Minh (Hải Hậu). Nhiều doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho chiếm 40-50% tổng giá trị tài sản, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất và tái đầu tư để phát triển. Ngoài nguyên nhân do suy thoái kinh tế kéo dài, các doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất chưa dựa vào nhu cầu thị trường, chưa có sự tính toán khoa học trong việc thiết kế mẫu mã, chủng loại sản phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối sản phẩm của nhiều doanh nghiệp còn yếu, dẫn đến sức tiêu thụ sản phẩm chậm…

Sản xuất máy đóng bịch nấm tại Cty An Thuận Phát, Xuân Tiến (Xuân Trường).
Sản xuất máy đóng bịch nấm tại Cty An Thuận Phát, Xuân Tiến (Xuân Trường).

Để hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết lượng hàng tồn kho, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách thuế, tín dụng ngân hàng. Sở Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp có biện pháp bố trí lực lượng lao động, điều chỉnh kế hoạch sản lượng hợp lý để duy trì sản xuất và đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, chào bán sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng; liên kết các doanh nghiệp cùng ngành hàng để tập trung đơn hàng, duy trì sản xuất; đổi mới công nghệ nhằm đón đầu dòng sản phẩm mới phục vụ người tiêu dùng ngay khi thị trường có dấu hiệu phục hồi. Phòng Công thương các huyện, Phòng Kinh tế thành phố huy động tối đa các nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh phí chuyển giao khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp; đồng thời tiến hành phân loại ngành hàng để có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể đối với sản phẩm cơ khí, chủ yếu tập trung tại làng nghề Xuân Ninh, Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường) được định hướng chào hàng cạnh tranh, có cơ chế hỗ trợ người mua theo phương thức trả chậm, trả góp; thực hiện bảo hành sản phẩm, hỗ trợ công vận chuyển, lắp đặt và tư vấn kỹ thuật cho người tiêu dùng. Trong đó, tập trung chào hàng tại các tổ chức hội, đoàn thể, các HTX nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản để kích cầu tiêu dùng. Đối với sản phẩm vật liệu xây dựng và đồ gỗ chế biến, ngành chức năng yêu cầu các doanh nghiệp cần phân tích kỹ thị trường, điều chỉnh tiết giảm lao động hợp lý để duy trì sản xuất; tranh thủ thời gian và nguồn kinh phí hỗ trợ để bảo trì máy móc thiết bị và đổi mới công nghệ. Cùng với ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huyện Xuân Trường là đơn vị có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho. Theo báo cáo của Phòng Công thương huyện, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tồn kho trên 1.000 sản phẩm máy nông nghiệp, máy xây dựng, máy chế biến nông, lâm sản và thiết bị điện các loại. Trong đó, doanh nghiệp có tỷ lệ hàng tồn kho lớn là Cty TNHH Điện cơ AXUZU với 600 sản phẩm; Cty TNHH Cơ khí Năng lượng tồn kho gần 100 sản phẩm máy nông nghiệp, xây dựng và chế biến nông, lâm sản; cửa hàng kinh doanh sản phẩm làng nghề Lương Minh Tiến tồn kho gần 200 sản phẩm máy các loại. Nhận diện nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn kho của các sản phẩm cơ khí là do có sự thay đổi của quá trình cơ giới hóa nông nghiệp nên sản phẩm máy tuốt lúa đã được thay thế bằng máy gặt đập liên hợp; máy trộn bê tông cũng giảm sút do chính sách hạn chế đầu tư các công trình xây dựng; các loại máy chế biến nông, lâm sản và động cơ điện cũng tiêu thụ chậm do xu thế chung của nền kinh tế. UBND huyện đã trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn; đồng thời mời các doanh nghiệp phân phối sản phẩm lớn về giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm cơ hội phát triển ngành hàng mới; đề nghị các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn. UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất và tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho lao động bảo đảm thích ứng với yêu cầu sản xuất mới. Cùng với sự hỗ trợ của huyện, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia hội chợ thương mại ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc và miền Trung, Tây Nguyên để mở rộng thị trường, thay thế những mặt hàng tiêu thụ chậm bằng các sản phẩm gia dụng và công cụ khác. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đã được hỗ trợ về mặt bằng, vốn chuyển giao công nghệ để thực hiện chuyển đổi ngành hàng sản xuất. Ngoài việc duy trì sản xuất các loại máy xây dựng, Cty CP Thanh Bằng (CCN Thị trấn Xuân Trường) đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất gạch không nung tại khu vực bãi sông Ninh Cơ. Nhờ đó ngay trong năm 2013, Cty đã có sản phẩm bán ra thị trường phục vụ nhu cầu xây dựng dân dụng trên địa bàn, duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Cty TNHH Đình Phú, CCN Thị trấn Xuân Trường đã chuyển đổi từ sản xuất máy thành phẩm sang sản xuất các loại chi tiết thiết bị thay thế như chân vịt, mỏ neo, vô lăng… phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu. Doanh nghiệp tư nhân Thành Trung chuyển hẳn sang nuôi trồng và chế biến nấm. Cty TNHH Tân Thiên Phú, Cty TNHH An Thuận Phát tập trung nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mới phục vụ yêu cầu sản xuất của nhân dân như sản phẩm dây chuyền đóng bịch nấm; máy ép sinh khối từ nguyên liệu mùn cưa, vỏ trấu, bã mía, thân cây ngô… Những nỗ lực trong việc chuyển đổi sản xuất, đưa ra các dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân trong và ngoài tỉnh đã góp phần giảm lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Xuân Trường. 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng 18,6%. Các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Ý Yên cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, xúc tiến thương mại, chào bán sản phẩm, kiểm toán lượng hàng tồn kho và phân tích thị trường để điều tiết sản xuất. Tại các làng nghề chế biến gỗ như Hải Minh (Hải Hậu), Trung Lao (Trực Ninh) và La Xuyên (Ý Yên) các doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hóa nguyên liệu để hạ giá thành sản phẩm; hỗ trợ tư vấn khách hàng về quy luật phong thuỷ trong xây dựng và trang trí nội thất nhà ở, văn phòng khi bán hàng, đồng thời đưa ra nhiều chương trình ưu đãi giảm giá, trả góp và hỗ trợ công vận chuyển để thu hút khách hàng mua sắm vào mùa cưới và dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Bằng nhiều biện pháp đồng bộ từ quản lý, điều hành và sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp đã có những tín hiệu tích cực, lượng hàng tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng so với năm 2012. Để tiếp tục giảm lượng hàng tồn kho cho các doanh nghiệp, thời gian tới, các ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại góp phần tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp; củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ phát triển thị trường nội địa; tập trung triển khai các chương trình đưa hàng về nông thôn. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng định hướng thị trường, hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; gắn sản xuất với việc mở rộng các kênh phân phối sản phẩm và chế độ chăm sóc khách hàng sau bán hàng để thu hút người tiêu dùng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện tiết kiệm triệt để hạn chế những khoản đầu tư không mang lại hiệu quả, tích luỹ nguồn lực để kịp thời nắm bắt cơ hội, đầu tư khôi phục sản xuất ngay khi thị trường phục hồi trở lại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com