Tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi

07:11, 28/11/2013

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đàn vật nuôi. Trong khi đó, việc phát triển đàn vật nuôi cũng như hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong những tháng cuối năm cũng đang tăng mạnh. Bên cạnh đó, kết quả tiêm phòng chính vụ cho đàn gia súc của các địa phương trong tỉnh đạt thấp so với kế hoạch. Đây là những yếu tố tác động làm dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Tiêm phòng vắc xin cho lợn tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh.
Tiêm phòng vắc xin cho lợn tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh có thể phát sinh, lây lan, bảo vệ đàn vật nuôi, phát triển sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Sở NN và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Trong công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Thú y tỉnh đã phân công 10 cán bộ phụ trách 9 huyện và thành phố. Các cán bộ được phân công thường xuyên xuống địa bàn để đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh của các địa phương. Ở cấp huyện đều phân công cán bộ phụ trách các xã, thị trấn; đồng thời thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở để đôn đốc, yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo trưởng thôn, xóm rà soát, thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các hộ chăn nuôi; báo cáo tình hình tại cuộc họp giao ban tuần, tháng và báo cáo đột xuất khi dịch xảy ra; khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết bất thường phải báo cáo ngay cho trưởng thú y hoặc UBND xã, thị trấn để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, đoàn công tác còn chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát kết quả tiêm phòng vắc xin vụ thu để tổ chức tiêm bổ sung, nhất là tại các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp, nơi đã từng xảy ra dịch tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm. Ngoài lượng vắc xin tỉnh hỗ trợ, yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi phải chủ động mua vắc xin cúm gia cầm chủng Re-6, vắc xin tai xanh chủng JXA1-R của Trung Quốc, vắc xin lở mồm long móng Aftopor đơn type O tại các đại lý đã được Chi cục Thú y tỉnh cấp phép đủ điều kiện kinh doanh vắc xin thú y để tiêm cho đàn gia súc, gia cầm. Hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột và định kỳ phun thuốc sát trùng từ 1-2 lần/tuần bằng các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Haniodin… để tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; nhập các con giống vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Trạm Thú y các huyện, thành phố kiểm dịch chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận nếu phương tiện, sản phẩm gia súc, gia cầm không đảm bảo đủ điều kiện quy định. Tại 4 chốt kiểm dịch ở các đầu mối giao thông của tỉnh thuộc các huyện: Mỹ Lộc, Ý Yên, Thành phố Nam Định và bến phà Sa Cao (Xuân Trường) đã thành lập đội kiểm dịch lưu động tăng cường kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh nên không có trường hợp nào vi phạm. Trong công tác lấy mẫu giám sát huyết thanh học, mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để cảnh báo sớm dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh đã thực hiện 9 đợt lấy mẫu với tổng số 162 mẫu gộp dịch ngoáy họng vịt sống bán tại 3 chợ bán gia cầm thuộc 3 huyện Giao Thủy, Ý Yên và Nghĩa Hưng để giám sát vi rút cúm gia cầm H5N1, kết quả xét nghiệm đều âm tính. Trong tháng 6 và 7-2013, Chi cục đã thực hiện 5 đợt lấy mẫu với tổng số 1.500 mẫu dịch tại 5 chợ bán gia cầm là các chợ: Cổ Lễ (Trực Ninh), Nam Giang (Nam Trực) và Hoàng Ngân, Đồng Tháp, Nguyễn Du (TP Nam Định) để giám sát vi rút cúm gia cầm H7N9, kết quả xét nghiệm đều cho âm tính. Ngoài ra, trong các tháng 7 và 8-2013, Chi cục lấy 800 mẫu ngoáy dịch mũi lợn, 120 mẫu huyết thanh tại huyện Trực Ninh, Xuân Trường và Thành phố Nam Định để giám sát vi rút cúm lợn H1N1. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để dịch lây lan ra diện rộng, không giấu dịch, không bán chạy, không vứt xác gia súc, gia cầm chết bừa bãi ra  môi trường. Vận động các tổ chức hội, đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại các thôn, xóm. Đặc biệt, tích cực thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, nhất là bệnh cúm gia cầm và bệnh tai xanh ở lợn; tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin. Đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch và cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người chăn nuôi và cộng đồng tích cực thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với vật nuôi chết hoặc ốm không có khả năng hồi phục, phải tiến hành tiêu hủy bảo đảm đúng theo quy định và làm thủ tục để được Nhà nước hỗ trợ kinh phí giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Đối với những vật nuôi bị ốm nhưng vẫn có khả năng hồi phục, Chi cục có thể hỗ trợ thuốc, hóa chất và hướng dẫn cách điều trị. Từ tháng 6 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn.

Trong thời gian tới, Chi cục Thú y tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kiến thức chuyên môn, kỹ thuật chăn nuôi, giám sát phát hiện, báo cáo và xử lý dịch cho lực lượng thú y cơ sở, lãnh đạo xã, thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể, lực lượng an ninh của xã, người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở cơ sở; thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc thú y, vắc xin, hóa chất, thức ăn chăn nuôi và nuôi thủy sản. Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “phòng là chính”; phát hiện, bao vây khống chế kịp thời, không để các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh và lở mồm long móng gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đảm bảo an toàn cho chăn nuôi và sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com