Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn

07:11, 28/11/2013

Thời gian qua, thực hiện chủ trương xây dựng NTM, các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng cùng chung tay góp sức với các địa phương xây dựng hạ tầng cơ sở ở địa bàn nông thôn tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, đổi thay bộ mặt nông thôn.

Là doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tiên đầu tư về địa bàn xã Hải Đường (Hải Hậu), Cty CP Đầu tư Hải Đường là đơn vị tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đầu năm 2010, Cty đã đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất hàng may mặc rộng hơn 2.500m2. Bình quân mỗi năm Cty sản xuất và cung ứng ra thị trường nội địa và xuất khẩu hơn 500 nghìn áo jacket, 1 triệu áo dệt kim. Anh Văn Thanh Sơn, Giám đốc Cty cho biết: “Đầu tư về địa bàn nông thôn, Cty đã khai thác và tận dụng được nguồn lao động dồi dào của địa phương. Được Đảng uỷ, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng và đào tạo nghề cho người lao động nên Cty nhanh chóng đi vào ổn định sản xuất. Đến nay, Cty đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương với mức lương bình quân đạt 3-4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hằng năm của Cty đạt hơn 50 tỷ đồng”. Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, Cty đã đóng góp vào xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương như ủng hộ tiền mở rộng đường dong ngõ xóm 18 đạt tiêu chuẩn NTM, đóng góp xây dựng các công trình trạm y tế, trường học. Đồng chí Trần Công Ích, Chủ tịch UBND xã Hải Tây (Hải Hậu) cho biết: “Thời gian qua, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản của xã đạt hơn 18 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ là 8 tỷ đồng, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức ủng hộ 2 tỷ đồng và nguồn vốn đóng góp tự nguyện của con em địa phương là 4 tỷ đồng. Xã đã tranh thủ được sự ủng hộ của doanh nghiệp địa phương bằng nhiều hình thức như đóng góp vật liệu, nhân lực để tập trung hoàn thành sớm các công trình xây dựng cơ bản”. Hiện xã đã liên kết với Cty CP Xây dựng Hải Hậu xây dựng công trình Trạm y tế xã cao 2 tầng, có 12 phòng chức năng với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng; phấn đấu trong tháng 11-2013 hoàn thành xây dựng Trường Tiểu học Hải Tây với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng. Toàn bộ các công trình trên đều được Cty tạo điều kiện trả chậm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất tại các CCN nhằm giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Tại CCN Hải Phương, Cty TNHH Hợp Long đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, tạo việc làm cho 200 lao động, thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Cty CP May Sông Hồng đầu tư trên 300 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy móc quy mô 2.000 lao động. Trong giai đoạn 2008-2013, huyện Hải Hậu đã huy động được 821,86 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, trong đó vốn doanh nghiệp đóng góp 118,51 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng nguồn vốn huy động.

Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Cty CP Đầu tư Hải Đường (Hải Hậu).
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Cty CP Đầu tư Hải Đường (Hải Hậu).

Tỉnh ta hiện có 129 làng nghề; 3 KCN, 20 CCN đang hoạt động. Các doanh nghiệp trong các khu, CCN đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Sản xuất tại các làng nghề đã ổn định hơn khi có các doanh nghiệp lớn đầu tư về địa phương xây dựng cơ sở sản xuất và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, tổ chức bao tiêu sản phẩm và giúp mở rộng thị trường tạo nên các vùng sản xuất công nghiệp tập trung chuyên môn hoá. Ngoài ra, các doanh nghiệp giúp các địa phương chưa có nghề tiếp nhận thêm nghề mới, hình thành các cơ sở, xưởng sản xuất vệ tinh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ngoài góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn cũng giúp nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tăng thêm thu nhập. Cty TNHH Cường Tân là điển hình thành công trong đầu tư đúng hướng về sản xuất nông nghiệp. Cty đã hỗ trợ các xã Trực Hùng, Trực Thái (Trực Ninh); Xuân Ninh (Xuân Trường) cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh mương thuỷ lợi phục vụ việc tưới, tiêu nước, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở từng bước hướng dẫn bà con nông dân đổi mới phương thức canh tác, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Các Cty TNHH Một thành viên KTCTTL ở các huyện tích cực xây dựng kế hoạch cải tạo hệ thống thuỷ lợi nội đồng hằng năm, kiên cố hoá các kênh mương kết hợp với làm đường giao thông nông thôn. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đóng góp xây dựng các công trình chức năng góp phần nâng cao đời sống người dân tại địa bàn nông thôn như trạm y tế, phòng học trường mầm non, tiểu học. Đối với 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các Ngân hàng NN và PTNT, CSXH tiếp cận đề án xây dựng NTM của từng địa phương để chủ động đầu tư vốn tín dụng cho các chủ đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã được các tổ chức tín dụng hỗ trợ đối với 14 công trình, chủ yếu là các trạm y tế, NVH, trường học, với tổng nguồn vốn 26 tỷ đồng. Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã tài trợ 2,8 tỷ đồng xây dựng cầu An Sọng, xã Yên Tân (Ý Yên) phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân; tài trợ 3,5 tỷ đồng để xây dựng Trường Mầm non xã Nam Tiến (Nam Trực), đồng thời đóng góp 225 triệu đồng để xây dựng 5 Nhà Tình nghĩa hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn Ngân hàng Công thương Việt Nam vận động cán bộ, nhân viên đóng góp mua và bàn giao các thiết bị y tế, xe cứu thương cho các bệnh viện tại 2 huyện Mỹ Lộc và Nghĩa Hưng với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.

Để tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn, cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư về cho thuê đất, tạo mặt bằng sạch giúp các doanh nghiệp dễ dàng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhanh chóng đi vào sản xuất tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn. Các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, bảo đảm sự ổn định để doanh nghiệp đầu tư phát triển lâu dài; đánh giá đúng hiện trạng để xây dựng quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng phục vụ sản xuất. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật dịch vụ: giao thông, y tế; chú trọng tổ chức đào tạo nghề cho lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tranh thủ các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn để thu hút những lao động có trình độ tay nghề cao về làm việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo đòn bẩy kích thích người dân địa phương tích cực học nghề, nâng cao trình độ kỹ thuật, rèn luyện tác phong công nghiệp, hiện đại./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com