Khó khăn trong việc cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài

07:11, 28/11/2013

Cách đây 4 năm, gia đình ông Trần Ngọc Quân thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) xóm 21, xã Giao Lạc (Giao Thủy) là hộ khó khăn. Gia đình có 8 khẩu, bản thân ông Quân bị nhiễm chất độc da cam, vợ và các con đau yếu nên dù cố gắng làm lụng nhưng vẫn không đủ ăn. Năm 2009, ông Quân được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Giao Thuỷ để cho con gái đi xuất khẩu lao động. Nhờ có công việc ổn định nên hằng tháng con gái ông đều gửi tiền về, ông đã trả hết nợ cho ngân hàng và có điều kiện trang trải trong gia đình. Cuộc sống dần ổn định, ông Quân tiếp tục vay vốn để 4 người con đi xuất khẩu lao động, trong đó có 1 người đã định cư tại Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá, ông đã xây sửa được nhà khang trang, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh kiểm tra, rà soát hồ sơ khách hàng trong chương trình cho vay xuất khẩu lao động.
Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh kiểm tra, rà soát hồ sơ khách hàng trong chương trình cho vay xuất khẩu lao động.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cho vay đối tượng thuộc hộ gia đình chính sách, hộ có công với cách mạng để chi phí đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, từ năm 2003 đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ cho 2.400 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với số tiền giải ngân khoảng 60 tỷ đồng. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng khách hàng vay vốn từ chương trình cho vay xuất khẩu lao động ngày một ít, quy mô chương trình giảm dần. Đến ngày 31-10-2013, dư nợ chương trình cho vay xuất khẩu lao động đạt 4,198 tỷ đồng, giảm gần 30% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,2%) trong tổng dư nợ cho vay, chỉ đạt 85,3% chỉ tiêu nguồn vốn. Tại một số huyện như Nam Trực, Mỹ Lộc, Trực Ninh qua một năm không có khách hàng mới. Đến nay, toàn tỉnh đang có 171 khách hàng còn dư nợ, giảm 139 khách hàng (bằng 45%) so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, dẫn đến thu nhập tại một số thị trường lao động nước ngoài không hấp dẫn người lao động. Chị Nguyễn Thị Thiết, phường Lộc Hạ (TP Nam Định), có con gái đang làm việc tại Đài Loan cho biết: “Do Cty gặp khó khăn, trong khi chi phí sinh hoạt tốn kém hơn nên trước đây hằng tháng cháu đều gửi tiền về, hiện nay khoảng 3 tháng mới gửi tiền về một lần”. Mặt khác, mức cho vay tối đa 30 triệu đồng/khách hàng là thấp so với chi phí xuất khẩu lao động hiện nay. Với mức cho vay này, khách hàng không đủ để chi trả cho việc đi lao động ở các nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a… Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của chương trình cho vay xuất khẩu lao động, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Nhóm nguyên nhân khách quan khiến người lao động phải về nước trước thời hạn bao gồm khủng hoảng kinh tế, chính trị, doanh nghiệp sử dụng lao động bị phá sản; sức khỏe, tay nghề của người lao động không đáp ứng yêu cầu công việc, rủi ro tai nạn đối với người vay, thu nhập thấp hơn hợp đồng hoặc công việc không đúng với hợp đồng, ngân hàng đã chuyển tiền vay cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động nhưng doanh nghiệp không đưa người lao động đi, chênh lệch do thay đổi thị trường có chi phí cao sang chi phí thấp. Những nguyên nhân chủ quan như người lao động tự ý bỏ về nước trước thời hạn hoặc bỏ ra ngoài làm việc, người vay có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, người lao động tự ý không đi xuất khẩu lao động…”. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, đến tháng 10-2013, có 17 khách hàng đang có nợ xấu với tổng số tiền 275 triệu đồng; trong đó 9 khách hàng nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan, với số tiền 165 triệu đồng, còn lại đều do nguyên nhân chủ quan. Số lao động về nước trước thời hạn (chỉ tính riêng lao động của chương trình cho vay giải quyết việc làm) do thu nhập thấp hơn hợp đồng là 5 người dẫn đến số tiền nợ quá hạn 80,9 triệu đồng. Thu nhập thấp hơn hợp đồng, công việc không đúng với hợp đồng còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số lao động tự ý bỏ ra ngoài để làm việc; đã có 2 trường hợp khi bị cơ quan chức năng phát hiện họ bị trục xuất về nước nên không có việc làm và thu nhập để trả nợ dẫn đến nợ quá hạn ngân hàng 30,5 triệu đồng. Theo quy định của chương trình, người vay (bao gồm cả cho vay thông qua hộ gia đình và cho vay trực tiếp người lao động là độc thân) không phải thế chấp tài sản. Việc xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan được thực hiện theo quy chế xử lý nợ trong hệ thống Ngân hàng CSXH, cụ thể là theo Quyết định số 55/QĐ-HĐQT ngày 24-2-2006 của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam. Khi có nợ quá hạn, ngân hàng nơi cho vay phối hợp với chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ TK-VV thu hồi nợ chủ yếu bằng biện pháp động viên, tuyên truyền. Trong trường hợp người vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ thì chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật để xử lý.

Để nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng CSXH chú trọng công tác kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các đối tượng vay. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc người vay trong tổ TK-VV sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, lãi đúng kỳ hạn cam kết. Tổ TK-VV chứng kiến và giám sát các buổi giải ngân, thu nợ, lãi, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội bàn bạc thống nhất ý kiến đề xuất xử lý các khoản nợ rủi ro trình UBND cấp xã xác nhận. Các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay theo hình thức đối chiếu công khai và thông báo kịp thời cho ngân hàng nơi cho vay về các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, vay “ké”, bỏ trốn, bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để có biện pháp xử lý kịp thời. Kết hợp với tổ TK-VV và chính quyền địa phương xử lý các khoản nợ quá hạn, hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan. Chỉ đạo và giám sát Ban quản lý tổ TK-VV trong việc thực hiện hợp đồng ủy nhiệm đã ký với Ngân hàng CSXH. Định kỳ hoặc đột xuất, lãnh đạo Ngân hàng CSXH mời các thành viên trong Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cùng cấp thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ TK-VV, của người vay và của tổ chức Hội cấp dưới trong việc chấp hành chính sách tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn vay. Chủ động tổ chức giao ban định kỳ tại các điểm giao dịch tại xã để trao đổi về kết quả ủy thác, tồn tại, vướng mắc và bàn các giải pháp kiến nghị xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ bị rủi ro…

Bài và ảnh: Quang Lộc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com