Hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở Minh Thuận

09:11, 26/11/2013

Xã Minh Thuận (Vụ Bản) có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp như: hầu hết diện tích canh tác là đất thịt và cát pha, hàm lượng dinh dưỡng cao lại tiếp giáp với sông Sắt nên chủ động tưới tiêu, thuận tiện cho cả việc trồng cấy, chăn nuôi và phát triển nuôi thủy sản. Tuy nhiên, trước đây do chưa tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp không cao, hầu hết lao động trẻ trong xã không gắn bó với đồng ruộng. Hằng năm, xã có hơn 700 người thiếu việc làm, chiếm 9,6% lao động trong xã. Để giải quyết khó khăn này, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể và các HTXDVNN tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập và tạo việc làm tại chỗ.

Gia đình ông Trần Văn Bảy, thôn Phú Lão, xã Minh Thuận nuôi gà thả đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Trần Văn Bảy, thôn Phú Lão, xã Minh Thuận nuôi gà thả đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để tạo thuận lợi cho các hộ dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xã đã tập trung quy hoạch đồng ruộng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau dồn điền, đổi thửa xã đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành 6 vùng tập trung; trong đó, vùng trồng lúa đặc sản diện tích 120ha; vùng trồng màu trên đất 2 lúa 46,4ha; vùng trồng rau sạch 3,6ha; vùng trồng cây ăn quả 25,9ha; vùng nuôi thủy sản rộng 3ha và vùng chăn nuôi tập trung rộng 49,5ha. Cùng với quy hoạch vùng sản xuất, hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng theo tiêu chí xây dựng NTM. Trong năm 2013, xã tiếp tục xây dựng đề án kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2013-2015 với mục tiêu hoàn thiện các tuyến giao thông chính dài hơn 1,7km, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng; đầu tư 35 triệu đồng hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới. Đến nay, 100% đất nông nghiệp được quy hoạch đều khai thác và sử dụng đúng mục đích, được áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi gà thả đồng với nhiều ưu điểm vượt trội so với cách nuôi thông thường đang mở ra hướng chăn nuôi mới ở địa phương. Với suy nghĩ ban đầu là tận dụng thóc rơi vãi trên mặt ruộng sau mỗi vụ thu hoạch làm thức ăn cho gà, mô hình nuôi gà thả đồng của gia đình ông Trần Văn Bảy, thôn Phú Lão đã mang lại hiệu quả kinh tế cao vì ngoài tiết kiệm được chi phí thức ăn chăn nuôi, đàn gà còn tìm ăn giun đất, sâu, dế mèn, châu chấu nên lớn nhanh. Hơn nữa, đàn gà được nuôi trong không gian rộng, cách xa khu dân không gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, gà hoạt động nhiều nên thịt săn chắc, thơm ngon, được các thương lái ưa chuộng mua với giá cao. Hiện nay, gia đình ông Bảy đã nuôi quay vòng hai lứa/năm với số lượng từ 2.000-4.000 con/lứa. Để tăng nhanh hiệu quả kinh tế, ông Bảy chọn giống gà Bắc Giang và chọn riêng gà trống nuôi vào thời điểm cuối năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết nên hiệu quả kinh tế tăng lên rất nhiều so với cách nuôi thông thường trước đây. Trung bình mỗi năm gia đình ông Bảy có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi gà thả đồng. Đến nay, trên địa bàn xã đã có vài chục hộ nuôi gà thả đồng bán cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây là cách làm sáng tạo, mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân xã Minh Thuận. Ngoài mô hình nuôi gà thả đồng ở thôn Phú Cốc, Phú Lão, người dân thôn Bịch vốn có nghề nuôi cá do đồng trũng, đã học thêm kỹ thuật nuôi cá cảnh về làm giàu ngay trên đồng đất quê hương. Thôn Bịch trước đây là vùng trũng nhất huyện, nhiều diện tích cấy lúa không hiệu quả. Sau khi dồn điền, đổi thửa, một vài hộ dân đi tham quan và áp dụng mô hình nuôi các loại cá cảnh như: chép cảnh, vàng bốn đuôi, cá kiếm, ngũ sắc, mây chiều...  thay cho các loại cá truyền thống. Nuôi cá cảnh đòi hỏi kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng cao hơn so với nuôi cá truyền thống nhưng bù lại giá bán cao và tiêu thụ quanh năm nên hơn 100 hộ dân ở thôn Bịch đã đầu tư xây bể, kè ao để nuôi cá cảnh thương phẩm. Gia đình ông Nguyễn Công Sửu là một trong những hộ đi đầu trong phong trào nuôi cá cảnh ở địa phương. Hiện ông có 10 nghìn m2 mặt nước nuôi các loại cá cảnh giống và cá thương phẩm. Vừa chủ động nhân giống, vừa nuôi thương phẩm và làm đầu mối thu gom cá cảnh của các hộ trong thôn để cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Bắc nên trong nhà ông lúc nào cũng có 7 loại cá cảnh với hàng chục vạn con. Ông Sửu cho biết: “Giá các loại chép cảnh hiện nay là 100 nghìn đồng/kg, cá tam dương ngũ sắc, cá kiếm có giá từ 80-90 nghìn đồng/kg, cá vàng bốn đuôi giá dao động từ 10-80 nghìn đồng/đôi tùy loại to nhỏ, màu sắc. Trung bình một năm, ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nghề nuôi cá cảnh ở Thôn Bịch không chỉ tăng thu nhập cho bà con mà còn giúp người dân tiếp cận với thị trường nhanh hơn khi hình thành mạng lưới bán lẻ cá cảnh ở khắp các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... giúp nhiều hộ dân trong thôn có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. Hiện tại, các hộ nuôi cá cảnh ở thôn Bịch đang liên kết hình thành CLB nuôi cá cảnh để thuận tiện cho việc trao đổi kinh nghiệm, đầu tư thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật để các hộ nuôi tiếp cận, làm chủ kỹ thuật nhân giống các loại cá có giá trị kinh tế cao. Từ những cách làm mang tính sáng tạo trong phát triển kinh tế, đến nay cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã đã chuyển dần sang chăn nuôi. Xã có 9 trang trại được Bộ NN và PTNT cấp chứng nhận, 1 trang trại chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP và 120 gia trại chăn nuôi tổng hợp, góp phần tăng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, giải quyết việc làm cho hầu hết lao động trong độ tuổi.  

Để tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, xã Minh Thuận tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, mời các chuyên gia kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân, đồng thời đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com