Hiệu quả phong trào "Mỗi cán bộ kỹ thuật một mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật" ở Nghĩa Hưng

08:11, 09/11/2013

Từ giữa năm 2012, huyện Nghĩa Hưng đã phát động phong trào “Mỗi cán bộ kỹ thuật một mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật” nhằm thực hiện thắng lợi đề án “Chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2011-2015” của huyện. Theo đó, huyện chọn 10 cán bộ kỹ thuật Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) và Hội Nông dân để xây dựng phong trào.

Cán bộ huyện Nghĩa Hưng tham quan mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa giống tại xã Nghĩa Bình.
Cán bộ huyện Nghĩa Hưng tham quan mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa giống tại xã Nghĩa Bình.

Yêu cầu đối với mỗi mô hình là cán bộ kỹ thuật tự hạch toán chi phí cho diện tích tối thiểu khoảng 1 mẫu trồng cấy 3 vụ trong năm; mô hình kỹ thuật phải nằm trong diện tích quy hoạch cánh đồng mẫu lớn (CĐML) của địa phương; cơ cấu giống, thuốc BVTV, quy trình kỹ thuật chăm bón sử dụng trong ô ruộng thí điểm phải được áp dụng chung cho diện tích CĐML. Các mô hình được xây dựng ở các CĐML của 10 xã gồm: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Tân, Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Châu, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Lợi. Đây là những xã có điều kiện tự nhiên đặc trưng, người dân ít có điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để tạo điều kiện xây dựng mô hình, huyện hỗ trợ kinh phí tổ chức nghiệm thu, tham quan, phổ biến kiến thức cho nhân dân theo hình thức hội nghị đầu bờ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ gắn với xây dựng CĐML và quy hoạch diện tích cây vụ đông theo điều kiện thực tế của từng thôn, xóm để làm căn cứ cho cán bộ kỹ thuật triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, cả 10 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được thực hiện với tổng diện tích 860,3ha, chiếm 60% diện tích CĐML toàn huyện. Triển khai xây dựng mô hình, các cán bộ kỹ thuật đã xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của người dân địa phương; trong đó, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày có sức chống chịu tốt, cho năng suất, chất lượng cao như BT7 kháng bạc lá, RVT, TBR45, Thiên Trường 750, TH3-3… để vừa đạt mục tiêu năng suất, chất lượng, vừa dành thời gian cho sản xuất vụ đông trên diện tích đất 2 lúa. Theo đó, công thức lúa xuân + lúa mùa sớm + cây vụ đông (bí ngô, bí xanh, cà chua, ngô ngọt) được áp dụng trên diện tích CĐML, bước đầu đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa với số lượng lớn, chất lượng ổn định, độ đồng đều cao. Cùng với xây dựng cơ cấu cây trồng, mùa vụ, các cán bộ kỹ thuật phối hợp với Ban nông nghiệp (BNN), HTXDVNN và các hội, đoàn thể tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất và sử dụng đồng bộ một loại phân bón, thuốc BVTV của các hãng có uy tín trên cùng một diện tích để phát huy tối đa hiệu quả của thuốc BVTV đối với cây trồng. Tại xã Nghĩa Bình, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất do kỹ sư Trần Trung Hiếu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện phụ trách không chỉ cho năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với diện tích khác mà còn góp phần làm thay đổi cơ bản tập quán canh tác của người dân địa phương. Mặc dù đồng đất thuận lợi, có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhưng do trình độ thâm canh chưa cao, người dân ngại thay đổi tập quán canh tác, vẫn giữ thói quen dùng thóc gặt vụ trước làm giống cho vụ sau, chưa áp dụng phương pháp gieo sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống… nên nông dân canh tác rất vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao. Bắt tay vào xây dựng mô hình, kỹ sư Hiếu đã phối hợp với BNN xã xây dựng cơ cấu giống, mùa vụ, quy trình kỹ thuật canh tác cụ thể và tổ chức hướng dẫn quy trình thâm canh cải tiến và động viên người dân làm theo. Theo đó, toàn bộ giống lúa gieo cấy trên 30ha ở xóm 9 bằng giống nguyên chủng, sử dụng phương pháp gieo sạ hàng thay cho cấy truyền thống và áp dụng đầy đủ quy trình thâm canh sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép. Ngay trong vụ xuân, năng suất lúa đã đạt 205 kg/sào. Đặc biệt, do sử dụng giống BT7 kháng bạc lá trong vụ mùa nên toàn bộ 32ha không bị nhiễm bệnh, năng suất trung bình 160 kg/sào, cao hơn các diện tích khác từ 60kg-1 tạ/sào, đồng thời, vẫn tranh thủ được thời gian xuống giống cây đậu tương và bí xanh trên tổng diện tích 30ha. Thành công kép của mô hình ứng dụng đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân trong xã. Chị Nguyễn Thị Lan, xóm 9, xã Nghĩa Bình cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã được tuyên truyền các biện pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất nhưng không dám làm vì còn thiếu kiến thức, nay được huyện cử cán bộ kỹ thuật về cùng sản xuất và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nên chúng tôi yên tâm làm theo. Bản thân tôi cũng chưa hết ngạc nhiên khi cả cánh đồng 30ha mới thu hoạch chưa đầy nửa tháng, nay đã mơn mởn cây vụ đông. Từ nay trở đi nông dân chúng tôi sẽ duy trì áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng mô hình canh tác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”. Với phương pháp kết hợp đồng bộ các điều kiện canh tác, yếu tố kỹ thuật, lại được cán bộ kỹ thuật trực tiếp chăm bón, cấy hái, thăm đồng cùng nông dân nên mọi khó khăn trong quá trình canh tác đều được khắc phục triệt để; cán bộ kỹ thuật còn tận tình giảng giải, hướng dẫn các biện pháp canh tác tiên tiến nên đến nay, tất cả các mô hình đều đạt kết quả vượt trội so với sản xuất đại trà. Mục tiêu đổi mới cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ được thực hiện đồng bộ trên cả 10 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Điều quan trọng hơn là cách làm và cách điều hành sản xuất của các cán bộ kỹ thuật được nông dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Nghĩa Hưng đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Sau một năm thử nghiệm, phong trào "Mỗi cán bộ kỹ thuật một mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật" đã khẳng định được chủ trương đúng đắn của huyện ủy, UBND huyện trong việc phát huy vai trò của cán bộ kỹ thuật. Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục nhân rộng mô hình và tạo điều kiện để nông dân và cán bộ kỹ thuật cùng thực nghiệm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá quan trọng trong quá trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn của huyện./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com