Trong 10 tháng năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Hải Hậu ước đạt trên 1.227 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), đạt 77,2% kế hoạch năm; trong đó một số ngành có giá trị sản xuất tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: chế biến lương thực, thực phẩm đạt 247,7 tỷ đồng; vật liệu xây dựng đạt gần 90 tỷ đồng…
Đóng gói sản phẩm muối i-ốt tại Cty TNHH Thành Chương, xã Hải Chính (Hải Hậu). |
Đạt được kết quả trên, cùng với chủ trương xây dựng và phát triển các làng nghề theo chương trình xây dựng NTM, huyện Hải Hậu đã triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện theo hướng tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trở thành ngành công nghiệp trọng điểm nhằm tận dụng, khai thác các tiềm năng, lợi thế của huyện. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương tạo điều kiện tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm, thuỷ sản nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, toàn huyện đã có gần 50 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản… đang hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến đã chiếm tỷ trọng gần 65% giá trị sản xuất CN-TTCN của toàn huyện, thu hút gần 9.300 lao động tham gia. Nghề chế biến thủy, hải sản, chế biến muối phát triển mạnh ở các xã ven biển như: Hải Hòa, Hải Chính và Thị trấn Thịnh Long… Thị trấn Thịnh Long hiện có 3 doanh nghiệp, 6 cơ sở chế biến thủy sản theo phương pháp cổ truyền với các sản phẩm chính là: nước mắm, mắm tôm, sứa... Cty TNHH Thịnh Long đã đầu tư dây chuyền hấp sấy liên hoàn để nâng cao chất lượng sản phẩm tăng năng suất tiêu thụ từ 250-300 nghìn tấn cá nguyên liệu, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Cty TNHH Vạn Hoa mỗi tháng sản xuất trên 20 nghìn lít nước mắm, 3-4 tấn mắm tôm, 4-5 tấn sứa. Sản phẩm của Cty không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong tỉnh mà các sản phẩm sứa ăn liền, nộm sứa mang thương hiệu Vạn Hoa đã được bày bán tại hệ thống siêu thị Metro ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long… Trên địa bàn huyện đã phát triển được 10 dây chuyền sản xuất muối sạch, muối i-ốt. Trong 10 tháng năm 2013, sản lượng muối sạch, muối i-ốt của toàn huyện đạt gần 30 nghìn tấn, tổng doanh thu đạt gần 37 tỷ đồng. Hiện tại, Cty TNHH Thanh Chương chuyên sản xuất muối sạch, muối i-ốt đã xây dựng 4 kho muối với trữ lượng từ 350-500 tấn muối thô/kho; 1 dây chuyền sản xuất muối sạch tại xã Bạch Long (Giao Thủy) với công suất đạt 30-45 tấn muối/ngày. Sản phẩm của Cty đã được đăng ký thương hiệu và bảo đảm ATVSTP. Từ đầu năm đến nay, Cty đã xuất bán được 4.000 tấn muối i-ốt cho các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang..., doanh thu ước đạt 8 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 60 lao động với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Là địa phương có thế mạnh về thâm canh lúa với đặc sản tám xoan Hải Hậu nổi tiếng, Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu, Cty CP Song Phương (xã Hải Chính) đã đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo… Cty CP Song Phương đã đầu tư dây chuyền xay xát lúa gạo khép kín có công suất 20-25 tấn/giờ, 2 máy hút bụi, 1 bộ máy sàng lọc sạn và 3 kho thóc với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó, sản phẩm gạo thương phẩm của Cty luôn bảo đảm trắng và đồng nhất, tỷ lệ gạo nguyên hạt cao, chất lượng bề mặt hạt gạo tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, doanh thu hằng năm đạt từ 40-50 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho 22 lao động. Với hạt nhân là các làng nghề mộc mỹ nghệ phát triển mạnh như: Phạm Rỵ xã Hải Trung; xóm 9, xóm 35 xã Hải Minh… đến nay nghề chế biến lâm sản đã phát triển mạnh ra nhiều xã, thị trấn trong huyện như: Hải Vân, Hải Đông, Hải Phương… Trong 10 tháng năm 2013, giá trị sản xuất của nhóm ngành chế biến gỗ của huyện đã đạt trên 193
tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, yếu tố hạn chế nhất đối với ngành công nghiệp chế biến của huyện là nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bố rải rác, công nghệ sản xuất còn hạn chế nên khối lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Thời gian tới, huyện Hải Hậu tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào các CCN tập trung để có điều kiện mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thu hút lao động… đưa ngành công nghiệp chế biến của huyện phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững./.
Bài và ảnh : Thành Trung