Nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác đánh bắt thuỷ, hải sản của bà con ngư dân, nghề đóng tàu gỗ ở tỉnh ta đã phát triển khá mạnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá trong đó huyện Giao Thủy 4 cơ sở, Hải Hậu 3 cơ sở, Nghĩa Hưng 3 cơ sở, với khả năng đóng mới từ 30-50 tàu cá/năm.
Đóng mới tàu gỗ tại xưởng tàu của anh Nguyễn Xuân Tuế, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ). |
Hiện nay tàu cá đóng mới trong tỉnh thường đóng theo mẫu truyền thống. Từ xa xưa, kỹ thuật đóng tàu đã được những người thợ tìm tòi, phát triển để có thể đóng được những chiếc tàu chịu lực, chịu sóng tốt và có thời gian sử dụng lâu. Anh Nguyễn Xuân Tuế, chủ xưởng đóng tàu gỗ ở xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ) cho biết: “Xưởng đã có hơn 30 năm kinh nghiệm đóng tàu gỗ theo nghiệp “cha truyền con nối”. Trước đây các hộ đóng tàu thường chọn những loại gỗ tốt, nhẹ, độ bền lâu, ít thấm nước… như bô, xương gà, chò… Hiện tại, gỗ đóng thân tàu chủ yếu là gỗ táu mật do loại gỗ này ít ngấm nước, cứng hơn và khá bền”. Để có thể ráp những tấm ván dày và uốn theo kết cấu của thân tàu, người thợ phải ép những thanh gỗ to bản và dài qua lửa ở nhiệt độ cao. Thông thường để đóng được một con tàu gỗ có công suất 300CV cần từ 25-27m3 gỗ tròn hoặc 14-15m3 gỗ hộp. Các ván tàu được ghép với nhau theo hình răng cưa nên rất chắc chắn và được cố định bằng bu lông. Kích cỡ truyền thống của một con tàu loại 300-350CV có chiều dài 15m; bề mặt rộng 4,1-4,2m; chiều cao gần 2m có trọng lượng khi hạ thuỷ từ 27-30 tấn, tàu công suất 500CV trở lên có chiều dài hơn 25m, chiều rộng 7m, trọng lượng 40-50 tấn. Sau khi lắp ghép xong các bộ phận và vỏ tàu, phải bào sửa để đảm bảo độ cong đều và nhẵn. Tất cả các bộ phận lắp ghép, khe rãnh, mạch, kẽ hở của vỏ tàu đều phải được xảm trét kỹ bằng sợi phoi tre trộn luyện với hố vôi hàu, dầu, nhựa thông pha chế theo tỷ lệ nhất định. Các đầu đinh, bu lông đều được quấn túp luyện với hồ hoặc bịt bằng nhựa đường nóng chảy. Trung bình kết cấu khung một con tàu gỗ có 37-42 thang gỗ các loại chạy dọc thân tàu, mỗi thang gỗ cách nhau từ 30-40cm; một ván cái lớn tạo trục xương sống của thuyền và các ván tàu uốn cong hai bên thân tàu. Khi phần khung, sườn tàu đã được hình thành, người thợ mới làm tiếp những phần khác như hầm hàng, khoang máy… Tàu thuyền sau khi xảm xong thì ít nhất cũng phải thui đốt vỏ tàu từ phần mớn nước trở xuống. Trước kia mỗi tháng một lần tàu, thuyền gỗ được thui đốt bằng bổi, lá thông…, hiện nay công việc này được thay thế bằng cách dùng sơn chống hà để sơn. Trước đây, để hạ thuỷ, người thợ thường sử dụng đà trượt là các thanh gỗ vuông được bôi trơn bằng mỡ công nghiệp có chiều dài bằng con thuyền, nay các triền đà đã được thay thế bằng đường ray sắt và tời kéo bằng máy thay cho sức người. Nghề đóng tàu đem lại việc làm trong cả năm cho người lao động. Tại xưởng sản xuất tàu gỗ của anh Tuế hiện có 20 lao động với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Tuế trung bình đóng mới một chiếc tàu có công suất 300-350CV phải mất từ 260-270 ngày công, tương đương với thời gian từ 3-3,5 tháng/tàu. Hiện tại, trên triền đà xưởng sản xuất của anh Tuế có 3 con tàu đang được đóng mới. Anh Tuế cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, xưởng sản xuất của anh chỉ tập trung đóng thân tàu còn khâu thiết bị máy móc, động cơ do khách hàng chủ động đặt mua nơi khác về lắp ráp tại xưởng. Chi phí để hoàn thành khung một con tàu gỗ có công suất từ 300CV trở lên ước chừng từ 250-270 triệu đồng, kể cả phần máy, chi phí một con tàu gỗ hoàn thiện có thể lên đến 600-700 triệu đồng. Tuổi thọ trung bình của một con tàu phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng bình quân từ 15-17 năm. Hiện, các tàu đều được thiết kế hầm đông lạnh để phục vụ nhu cầu đánh bắt thuỷ, hải sản của bà con ngư dân. Ngoài xưởng của anh Tuế trên cửa sông Sò (ở giáp ranh xã Giao Thịnh và Thị trấn Quất Lâm) hiện có 4 xưởng đóng tàu gỗ mới, gồm xưởng của các ông Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Trung Thông.
Với chủ trương phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ của tỉnh, các xưởng đóng thuyền đã chủ động mở rộng sản xuất để đóng nhiều tàu, thuyền có công suất lớn. Tuy vậy, nghề đóng tàu còn gặp nhiều khó khăn như bến bãi nhỏ, thiếu vốn nên chưa thể đầu tư chiều sâu; mặt bằng và độ sâu luồng lạch chưa đảm bảo cho việc đóng tàu có tải trọng lớn… Để nghề đóng tàu phát triển đúng định hướng, cần có sự quan tâm hỗ trợ từ các ngành, các địa phương, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ để phát triển nghề đóng tàu theo hướng bền vững./.
Bài và ảnh: Đức Toàn