Theo quy định của ngành chức năng, thực phẩm sạch là sản phẩm không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; không bao gồm vi sinh vật biến đổi gien; không được chế biến sử dụng các dung môi công nghiệp, tia phóng xạ và không chứa chất phụ gia thực phẩm hóa học. Người sản xuất, nuôi trồng cũng phải được tập huấn kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch phải đảm bảo đủ các điều kiện về địa điểm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có hợp đồng cung ứng với cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; sản phẩm sạch phải có bao bì, nhãn mác và niêm phong theo quy định... Tuy nhiên trên thực tế việc sản xuất, cung ứng nông sản sạch vẫn chưa hợp lý dẫn đến việc kinh doanh cung ứng mặt hàng này đang gặp nhiều vướng mắc, thiệt hại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Chăm sóc rau theo quy trình VietGAP tại xã Yên Dương (Ý Yên). |
Hiện nay ở tỉnh ta đã có một số nông sản thực phẩm được chứng nhận là thực phẩm sạch đảm bảo ATVSTP như: cá bống bớp, ba ba của Nghĩa Hưng; ngao, tôm thẻ chân trắng của Giao Thủy; cua biển, tôm sú của Hải Hậu và một số cơ sở sản xuất rau xanh, trứng, thịt lợn, thịt gà ở các địa phương. Ngoài ra hằng năm, Sở NN và PTNT đều chỉ đạo xây dựng hàng chục mô hình trồng rau vụ đông áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để sản xuất và cung ứng nông sản sạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tại vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Yên Dương (Ý Yên), đến thời điểm này, 2ha rau cải bắp được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật đã xanh tốt và bắt đầu “vào khuôn”. Các hộ dân tham gia mô hình rất hào hứng khi áp dụng quy trình sản xuất mới vì so với cách trồng rau truyền thống bước đầu đã giảm chi phí đầu tư, công lao động mà chất lượng sản phẩm được nâng lên. Tuy nhiên điều mà các hộ tham gia mô hình băn khoăn là đầu ra cho sản phẩm. Đại diện HTXNN đã liên hệ với một số đơn vị chế biến, phân phối sản phẩm như Siêu thị BigC, Micom Plaza, Cty TNHH bao bì kim loại CFC… nhưng đều không đạt kết quả, do không đáp ứng được các yêu cầu phải có đầy đủ giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATVSTP, đồng thời phải ổn định sản lượng và thời gian cung ứng sản phẩm (hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng). Do đó nhiều khả năng cả 2ha rau sản xuất theo quy trình VietGAP ở Yên Dương sẽ phải tiêu thụ theo cách bán trực tiếp ra thị trường tự do như những sản phẩm khác. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến tại các vùng trồng rau khác trên địa bàn tỉnh. Đây là nguyên nhân khiến người nông dân không mặn mà với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sẵn sàng quay lại với cách sản xuất truyền thống khi không còn sự hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình. Các sản phẩm mang chứng nhận thực phẩm đảm bảo ATVSTP nếu không ký được hợp đồng cung ứng ổn định với các đơn vị phân phối, chế biến thì khó cạnh tranh về giá cả với sản phẩm khác ngoài thị trường tự do. Không chỉ có người sản xuất gặp khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm muốn có nguồn hàng ngay tại địa phương để phân phối bán lẻ, vừa tiết kiệm chi phí vận chuyển, vừa dễ kiểm soát chất lượng sản phẩm khi có nghi vấn nhưng cũng không thực hiện được do hầu hết các cơ sở sản xuất đều không đáp ứng được các yêu cầu về việc xuất trình giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP kèm theo sản phẩm; bao bì, nhãn hiệu sản phẩm; áp dụng mức giá ưu tiên theo điều tiết chương trình khuyến mại của nhà phân phối và sản lượng hàng hóa nhất định theo hợp đồng… Thực tế thị trường thực phẩm sạch vẫn đang tồn tại tình trạng người tiêu dùng cần nhưng khó mua được thực phẩm sạch, trong khi người sản xuất có lại khó bán sản phẩm, gây thiệt thòi cho cả người tiêu dùng và người sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hoa, kinh doanh rau củ chợ Mỹ Tho cho biết: Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch từ thịt, trứng, rau xanh rất lớn, đặc biệt các bếp ăn tập thể tại các trường học, doanh nghiệp cần một lượng lớn thực phẩm sạch cho bữa ăn hằng ngày. Chúng tôi hoàn toàn chủ động về vốn và các điều kiện kinh doanh theo pháp luật quy định nhưng nguồn cung không đảm bảo ổn định cả về số lượng và chất lượng. Trên thị trường tự do người tiêu dùng không có căn cứ để phân biệt sản phẩm an toàn, người bán hàng trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, giả mạo thành thực phẩm sạch, hoặc tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để kiếm lời. Một khó khăn nữa của sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn là tính mùa vụ, một số mặt hàng như rau xanh chỉ sản xuất vào vụ đông; cá bống bớp, tôm chân trắng lại thu hoạch rộ vào một vài tháng trong năm, nên lúc không chính vụ, hàng hóa phải nhập từ các tỉnh khác như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương… khiến giá thành tăng cao nên số đông người tiêu dùng không thể chi trả. Nhà sản xuất buộc phải bán theo giá cạnh tranh với sản phẩm thường gây thiệt hại cả về kinh tế cũng như uy tín của sản phẩm sạch.
Để tạo điều kiện cho sản xuất và lưu thông sản phẩm sạch, các ngành chức năng đã tuyên truyền về tác dụng của sản phẩm sạch đối với sức khỏe; cách nhận biết, lựa chọn sản phẩm sạch và công khai điều kiện sản xuất, lưu thông và kinh doanh sản phẩm sạch. Quy hoạch và xây dựng kế hoạch dài hơi cho các vùng sản xuất an toàn tập trung và ổn định, đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho nhu cầu của thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất; hỗ trợ người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, SSOP trong cả nuôi trồng và chế biến thực phẩm sạch. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ cơ sở sản xuất về kỹ năng quản lý doanh nghiệp, định hướng thị trường, đàm phám thương mại để tránh những rủi ro đáng tiếc trong quan hệ giao thương. Về phía các đơn vị sản xuất thực phẩm sạch cần chủ động liên kết hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm, cung ứng ra thị trường với giá cả ổn định, thông qua mô hình cửa hàng chuyên doanh giới thiệu và cung ứng sản phẩm sạch của cơ sở. Cách làm này không chỉ đem lại lợi nhuận cho người sản xuất, cung cấp địa chỉ tin cậy cho khách hàng mà còn là “kênh” xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm an toàn nhất. Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành cần tăng cường công tác quản lý về nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm hàng hóa để đảm bảo quyền, lợi ích cho các doanh nghiệp thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương