Bảo vệ tổng thể môi trường làng nghề

07:11, 14/11/2013

Theo báo cáo của Sở TN và MT, tổng lượng chất thải của 90 làng nghề trong tỉnh đang hoạt động tuy không nhiều nhưng ẩn chứa nhiều chất độc hại, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, tại làng nghề bún Phong Lộc (TP Nam Định), nước cống của làng có chỉ số ô nhiễm BOD5, COD rất cao, chỉ số Colfrom lên tới 370 nghìn MNP/100ml. Nước ngâm gạo ít ô nhiễm hơn nhưng chỉ số COD vẫn cao, bằng 1-2 nghìn mg/l; nước ngâm bột có hàm lượng pH thấp; nước thải từ các công đoạn làm bún được dùng làm thức ăn cho gia súc cũng bị ô nhiễm nặng. Tại làng nghề chế biến miến dong làng Phượng (Nam Trực) phát sinh nguồn nước thải rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường. Làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn (Nam Trực) sử dụng 20-25m3 nước cho một tấn nguyên liệu trong các công đoạn xay nghiền, tạo hạt và làm sạch phế liệu; nước thải từ tái chế nhựa có hàm lượng COD, BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép 1-2 lần. Môi trường không khí tại làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn chứa hàm lượng bụi PM10 vượt tiêu chuẩn cho phép tới 4,6 lần; NO2 vượt 2,16 lần; SO2 vượt 8,16 lần. Môi trường làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (Nam Trực) đã bị ô nhiễm nặng với các thông số: TDS vượt 1,6 lần, BOD5 vượt gần 2,7 lần, kẽm vượt 1,5 lần, Crom vượt hơn 6 lần, Cadimi vượt 13 lần, chì vượt hơn 10 lần. Công nghệ tái chế kim loại còn phát sinh một lượng lớn bụi kim loại, khí thải từ lò than và hơi hóa chất của quá trình gia công và hoàn thiện sản phẩm. Quá trình đốt than để nung nhôm, vỏ lon thải ra cặn nhôm, xỉ than, tro...; ước tính hằng tháng chất thải nguy hại từ quá trình sản xuất thải ra môi trường là 39,59 tấn...

Tái chế nhôm tại làng nghề Bình Yên (Nam Trực).
Tái chế nhôm tại làng nghề Bình Yên (Nam Trực).

Tại hầu hết các làng nghề và các CCN, tình hình suy thoái môi trường đang có chiều hướng gia tăng; một số nơi, tình trạng ô nhiễm môi trường đất, tầng nước mặt, nước ngầm, không khí đã ở mức báo động. Việc thực hiện các giải pháp BVMT chỉ mới mang tính thí điểm và tập trung tại một số ít làng nghề. Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục tồn tại trong công tác BVMT làng nghề, ngày 10-10-2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, xã trong việc thực hiện Đề án. Từ nay đến năm 2015, Sở TN và MT tập trung phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác BVMT làng nghề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức của chủ các cơ sở sản xuất và cộng đồng tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT, từ đó tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý môi trường làng nghề, đồng thời khuyến khích xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình HTX, hiệp hội nghề… tham gia BVMT làng nghề. Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý môi trường làng nghề theo nguyên tắc gọn nhẹ, hiệu quả, phù hợp với đặc thù làng nghề, năng lực của các cơ sở sản xuất trong làng nghề; xây dựng tổ tự quản về BVMT tại làng nghề, ban hành quy chế hoạt động, kinh phí hoạt động một phần do ngân sách xã đảm bảo, phần còn lại do cơ sở sản xuất đóng góp. Bố trí cán bộ chuyên trách quản lý môi trường làng nghề tại các xã, thị trấn có làng nghề nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và giám sát các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong công tác BVMT của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT, cam kết BVMT và giám sát việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Triển khai thu phí BVMT đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn của toàn bộ cơ sở sản xuất trong làng nghề theo quy định. Quản lý các công nghệ sản xuất nhằm hạn chế việc đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào làng nghề và khu vực nông thôn gây ô nhiễm môi trường. Quy hoạch, rà soát lại quy hoạch các CCN làng nghề và phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm và xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Lập danh mục những làng nghề cần có lộ trình chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch di dời với lộ trình phù hợp. Các làng nghề, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư cần phải di dời vào CCN làng nghề được hưởng chính sách ưu đãi, miễn giảm như: tiền thuê đất, thuế sử dụng đất… và phải tuân thủ các quy định về BVMT đối với CCN tập trung. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng nguyên liệu thiết bị, công nghệ mô hình, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Triển khai xây dựng, thực hiện quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo ba hướng: Quy hoạch tập trung, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mới CCN làng nghề, bao gồm quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ về hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đồng thời nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng CCN làng nghề hiện có bảo đảm các quy định về BVMT. Quy hoạch phân tán bằng cách quy hoạch sản xuất ngay tại hộ gia đình những sản phẩm thủ công truyền thống phù hợp, tổ chức bố trí không gian nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và vệ sinh môi trường mà không cần di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, xây nhà cao tầng, di dời các công đoạn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào CCN làng nghề. Các sở, ban, ngành liên quan xem xét, tham mưu phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp KH và CN cùng các nguồn đầu tư khác cho công tác BVMT, khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Kinh phí phân bổ cho công tác BVMT làng nghề hằng năm không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho các làng nghề được công nhận, ưu tiên đầu tư cho các làng nghề truyền thống. Từ nay đến năm 2015, tập trung xử lý triệt để 4 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của huyện Nam Trực theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, gồm: làng nghề cơ khí đúc Bình Yên, làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn, làng nghề cơ khí Vân Chàng, làng nghề chế biến miến dong làng Phượng. Đến năm 2020, cơ bản kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, không phát sinh thêm các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng mới. Di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào CCN làng nghề. 100% CCN làng nghề tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về BVMT.

Thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất tại các làng nghề chưa được công nhận. Phấn đấu xử lý 100% các làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo danh mục Bộ TN và MT xác định./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com